Hội thảo do Báo Nông thôn ngày nay phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức chiều ngày 15/11/2016.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện tượng biến đổi khí hậu đang trực tiếp ảnh hưởng tới nước ta một cách nặng nề, như hiện tượng hạn hán khốc liệt ở Ninh Thuận, Bình Thuận được cảnh báo sẽ bị “sa mạc hóa” hay hiện tượng hạn hán, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long 100 năm mới xảy ra; hạn hán khốc liệt ở Tây Nguyên cũng gây tổn thất cho các cây trồng tại đây. Hay gần đây là hiện tượng lũ lụt nặng nề xảy ra ở các tỉnh miền Trung…

Từ cuối năm 2014 đến năm 2016, do tác động của hiện tượng thời tiết El Nino, 18 tỉnh, thành phố khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long phải hứng chịu hạn hán, xâm nhập mặn trên diện rộng làm ảnh hưởng đến cuộc sống của khoảng 2 triệu người dân, thiệt hại hàng trăm nghìn ha lúa. Ước tính thiệt hại về kinh tế là khoảng 15.000 tỷ đồng.

Vì vậy, yêu cầu đặt ra là cần phải tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo ông Trần Đại Nghĩa, Trưởng Bộ môn nghiên cứu kinh tế Tài nguyên và môi trường, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn từ năm 2010, Việt Nam đã triển khai nhiều chương trình nhằm thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, việc chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống, tạo ra những giống cây trồng, vật nuôi có khả năng thích ứng tốt hơn với các điều điện thời tiết bất thường chưa được đầu tư nhiều.


Biến đổi khí hậu gây hạn hán nặng nề


Ông Nguyễn Xuân Kiều cho rằng biến đổi khí hậu và nước tưới là vấn đề nông dân đang gặp phải hiện nay.

Thực tế hạn hán ở Tây Nguyên, hạn hán và xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng gay gắt khiến quỹ đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp. Chi phí lao động cho nông nghiệp cũng ngày càng cao. Do vậy đòi hỏi ngành nông nghiệp phải ứng dụng công nghệ mới để giảm giá thành, nâng cao năng suất, tăng tính cạnh tranh.

Giải pháp để ngành nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu, ông Kiều cho rằng, cần phát triển nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu. Áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến, thực hành bền vững, nâng cao hiệu quả sử dụng nước và phân bón, giảm phát thải khí nhà kính nhằm giảm chi phí, tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị đất canh tác và tạo ra sản phẩm hàng hóa chất lượng cao.

Đối với việc ứng dụng khoa học tưới tiết kiệm trong nông nghiệp, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của không chỉ các nhà khoa học mà còn của các cấp và đặc biệt là người dân, doanh nghiệp và chính quyền các cấp. “Ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm là xu thế tất yếu trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa, giá trị cao”, ông Kiều nhấn mạnh thêm.

Đồng quan điểm, ông Trần Đại Nghĩa cho rằng đừng nhìn biến đổi khí hậu với cái nhìn quá tiêu cực mà nên thấy biến đổi khí hậu có thể là cơ hội, tìm cách thích ứng với nó thông qua thay đổi cơ cấu giống, mùa vụ để mang lại giá trị cao hơn. Bên cạnh đó, cũng nên nghiên cứu việc phải chi trả thủy lợi phí đối với khu vực nông nghiệp tập trung để họ hạch toán vào giá cả sản xuất, từ đó việc sử dụng nước sẽ tiết kiệm hơn, tránh lãng phí như hiện nay./.

Tính đến đầu tháng 7/2016, các đối tác và tổ chức quốc tế đã hỗ trợ khẩn cấp hơn 16 triệu USD giúp Việt Nam khắc phục hậu quả thời tiết cực đoan Elnino.

Theo tính toán của Bộ NN&PTNT, trong giai đoạn từ 2016-2020 cần nguồn kinh phí hơn 25.000 tỷ đồng để khắc phục những thiệt hại do Elnino gây ra. Trước mắt, trong năm nay sẽ cần 3.734 tỷ đồng để hỗ trợ giống khôi phục sản xuất, cung cấp thiết bị lọc nước, sửa chữa công trình cấp nước sinh hoạt và nâng cấp công trình phòng chống hạn, mặn cấp bách./.