Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng có tiềm năng lớn nhất trong cả nước về phát triển nông nghiệp, nhất là sản xuất lương thực, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, phát triển trái cây. Tuy nhiên, thực tế năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của các sản phẩm chủ lực còn thấp, nhất là trong bối cảnh áp lực cạnh tranh ngày càng tăng khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại (FTA), các cộng đồng kinh tế khu vực và quốc tế….

Nguyên nhân của thực trạng này, theo các nhà khoa học tham gia hội thảo đánh giá, do việc đưa khoa học và công nghệ vào sản xuất vừa qua còn chậm, đặc biệt là công nghệ chế biến nông sản. Theo GS.TS. Nguyễn Bảo Vệ, Trường Đại học Cần Thơ, không ít giải pháp khoa học công nghệ đã “chết yểu” khi đưa vào sản xuất, mặc dù chi phí không nhỏ. Cũng có những giải pháp chỉ đạt hiệu quả về sức sản xuất nhưng kém bền vững, hoặc tạo ra sản phẩm kém an toàn cho người tiêu dùng.

Quang cảnh hội thảo

Hơn nữa, ĐBSCL là nơi chủ lực trong nuôi trồng thủy sản cả nước (chiếm khoảng 70% tổng diện tích và sản lượng thủy sản cả nước). Nuôi trồng thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần phát triển kinh tế ĐBSCL. Tuy nhiên, nghề nuôi hiện nay cũng đang gặp nhiều trở ngại, trong đó có vấn đề biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn. Trên cơ sở phân tích khả năng chịu mặn của một số loài thủy sản và khả năng nuôi ở các vùng có độ mặn khác nhau, PGS.TS. Phạm Thanh Liêm (Trường Đại học Cần Thơ) nêu một số mô hình nuôi trồng thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn ở ĐBSCL và phù hợp ở từng nội vùng.

Theo GS.TS. Nguyễn Bảo Vệ: “Khi chọn giải pháp khoa học, kỹ thuật cho sản xuất nông nghiệp có tính khả thi cao, cần cẩn thận xem xét qua nhiều góc độ khác nhau như: Sức sản xuất của giải pháp đem đến cho con người; hiệu quả kinh tế mà giải pháp mang lại cho người sản xuất; tính ổn định trong tiêu thụ và bền vững đối với môi trường; độ an toàn cho người sản xuất áp dụng giải pháp và của người tiêu dùng khi sử dụng sản phẩm; sự phù hợp của giải pháp đối với tập quán xã hội cũng như chủ trương của Nhà nước”.

Chẳng hạn, theo PGS.TS. Phạm Thanh Liêm, các đối tượng nuôi chủ lực sẽ được phân bổ hợp lý theo vùng, như nuôi tôm biển bao gồm nuôi quảng canh cải tiến, nuôi tôm – rừng kết hợp, nuôi tôm – lúa luân canh, nuôi thâm canh. Nuôi cá tra trong ao và cá tra thương phẩm. Hoặc nuôi các đối tượng nước lợ và biển, đây là giải pháp quan trọng cho biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn (như nuôi lồng cá biển ở Kiên Giang, nuôi kết hợp với tôm, nuôi nghêu các bãi triều, nuôi hàu trên giàn treo...) cũng là hướng phát triển quan trọng.

Đối với nuôi các loài thủy sản nước ngọt khác đang phát triển rộng rãi ở vùng nước lợ như tôm càng xanh, cá chình, cá bống tượng; các mô hình nuôi thủy sản nước ngọt khác như cá lóc, cá rô, cá sặc, thát lát, cá kết hợp lúa hiện cũng đang phát triển mạnh và rất quan trọng vùng nước ngọt.

GS.TS. Nguyễn Văn Thu (Khoa Nông nghiệp và Sinh học Ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ) nhận định triển vọng ngành chăn nuôi rất tốt. Hiện tại ngành chăn nuôi ở ĐBSCL có sự vươn lên mạnh mẽ về chăn nuôi công nghiệp heo, gà của các công ty, đặc biệt người dân hiện nay tăng cường nuôi bò sữa, bò thịt, dê, cừu, thỏ... đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao thu nhập và tận dụng tốt nguồn thức ăn rơm, cỏ và nguồn lực tại chỗ. Tuy nhiên, để tăng hiệu quả kinh tế nên đưa khoa học và công nghệ ngành chăn nuôi vào sản xuất ở ĐBSCL.

Theo ông Thu, nên quan tâm các giải pháp: 1)Nghiên cứu khoa học và chuyển giao các công nghệ mới phải đi sát thực tế điều kiện sản xuất, hoàn cảnh kinh tế và yêu cầu lợi ích của người sản xuất và cộng đồng; 2)Dự án chuyển giao công nghệ cần có sự đầu tư về quản lý, kỷ thuật và kinh phí cho đến khi dự án phát huy tác dụng và thành công; 3)Nên có nghiên cứu chọn lựa con giống, công nghệ, sản phẩm triển vọng và cần có dự án phát triển tiếp theo sau kết quả nghiên cứu; 4)Các hội thảo, tập huấn, mô hình sản xuất tại chỗ có hiệu quả phải được xây dựng để chuyển giao cho người sản xuất, đặc biệt nâng cao ý thức của người sản xuất về ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của hạn mặn; 5)Tiêu thụ sản phẩm cho các dự án sản xuất thử và đầu tư tổ chức phát triển. Sự tham gia của doanh nghiệp là rất cần thiết trong chuỗi giá trị sản phẩm.

Tại hội thảo này, PGS.TS. Trần Văn Hậu (Trường Đại học Cần Thơ) giới thiệu về hướng phát triển cây xoài Hậu Giang. Theo đó, xoài Hậu Giang đã có nhãn hiệu hàng hóa, được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, năng suất và chất lượng ngày càng tăng, nhà vườn có thể sản xuất rải vụ nên có thể tham gia vào thị trường tiêu thụ với các địa phương trong vùng ĐBSCL cũng như xuất khẩu trong tương lai./.