Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng, Chánh văn phòng điều phối Chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng Nông thôn mới cho biết, sau 5 năm thực hiện (từ năm 2011-2015), Chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng Nông thôn mới đã làm thay đổi tích cực bộ mặt nông thôn; số hộ nghèo giảm nhanh; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên; nhiều địa phương có sáng kiến, mô hình, kinh nghiệm tốt.

Mặc dù vậy, Chương trình đang gặp những khó khăn và thách thức như: cơ chế, chính sách không đồng bộ và điều chỉnh chậm, như: Luật Ngân sách Nhà nước, PPP trong phát triển nông nghiệp, nông thôn và sự hướng dẫn của các bộ… Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các bộ, trung ương và địa phương còn yếu kém; nguồn tài chính cho Chương trình còn hạn chế; hệ thống quản lý và giám sát chương trình còn yếu…

Chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng Nông thôn mới đã làm thay đổi tích cực bộ mặt nông thôn

Theo ông Nguyễn Minh Tiến, giai đoạn 2016-2020, mục tiêu tổng quát của Chương trình là đến năm 2020 có 50% số xã trên cả nước đạt chuẩn nông thôn mới; khuyến khích mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có một huyện đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân cả nước đạt 15 tiêu chí/xã; thu nhập của cư dân nông thôn tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2015. Nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình là xây dựng hệ thống chính sách đồng bộ, phù hợp nhằm tạo động lực mới cho khu vực nông thôn phát triển, có cơ sở đặc thù cho vùng khó khăn, vùng dễ bị tổn thương vì biến đổi khí hậu; đa dạng hóa các nguồn lực phục vụ xây dựng nông thôn mới, đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, gắn xây dựng nông thôn mới với tái cơ cấu ngành nông nghiệp...

Vì vậy, thời gian tới, để thúc đẩy Chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng Nông thôn mới, ông Nguyễn Minh Tiến kêu gọi các đối tác phát triển hỗ trợ Việt Nam thực hiện thành công và có hiệu quả Chương trình. Trong đó, hỗ trợ nguồn vốn ODA cho những đầu tư quan trọng về kết cấu hạ tầng (giao thông, nguồn nước, môi trường, trường học, y tế, điện) cho những khu vực khó khăn, khoảng cách vùng miền. Đồng thời hỗ trợ kỹ thuật cho định hướng sản xuất quy mô lớn và chuỗi giá trị, nâng cao năng lực để thực hiện xây dựng nông thôn mới ở tất cả các cấp độ…

Bà Carolina V. FigueroaGeron, đại diện Ngân hàng Thế giới cho biết, Ngân hàng Thế giới có Chương trình dựa trên kết quả (PforR) để hỗ trợ các chương trình mục tiêu quốc gia. Chương trình dựa trên kết quả sẽ góp phần tăng thu nhập khu vực nông thôn ở các vùng nghèo nhất nước thông qua những cải thiện trong việc cung cấp, tiếp cận và chất lượng đầu tư vào năng suất nông nghiệp và hoạt động sinh kế trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình 135 nằm trong Chương trình Mục tiêu Quốc gia về Giảm nghèo bền vững.

“Khoản vay IDA 200 triệu USD (có hiệu lực từ tháng 6/2017) sẽ hỗ trợ trực tiếp cho Ngân sách để hỗ trợ Chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng Nông thôn mới và giảm nghèo bền vững”, bà Carolina V. FigueroaGeron cho biết thêm.

Trưởng đại diện tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) tại Việt Nam, ông JongHa Bae cho biết, FAO tiếp tục cung cấp những hỗ trợ cho nông nghiệp thông qua việc hỗ trợ Chính phủ, xây dựng các chính sách dựa vào bằng chứng cho an ninh lương thực và an ninh dinh dưỡng, tăng cường các cách tiếp cận, lồng ghép để sản xuất nông nghiệp bền vững hơn, trong đó quan tâm đến phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường hướng để đạt được mục tiêu phát triển bền vững. Bên cạnh đó, các chương trình của liên hợp quốc do FAO chủ trì sẽ tiếp tục có những hỗ trợ cho Việt Nam, trong đó, riêng FAO sẽ hỗ trợ một chương trình kỹ thuật để nâng cao thu nhập cho người nghèo ở nông thôn./.