Cụ thể là, IIP tháng 11/2016 ước tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành khai khoáng giảm 13,8%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 13,1%; sản xuất và phân phối điện tăng 12,9%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 8,5%. (Biểu đồ).

Biểu đồ: IIP 11 tháng năm 2016

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Tính chung 11 tháng, IIP tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 7,4% của 10 tháng và thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,9% của cùng kỳ năm 2015, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11%, đóng góp 7,7 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất, phân phối điện tăng 12,3%, đóng góp 0,8 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 7%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; ngành khai khoáng tiếp tục giảm sâu với mức giảm 6,3%, làm giảm 1,3 điểm phần trăm của mức tăng chung.

Một tín hiệu vui cho ngành sản xuất công nghiệp đó chính là bất chấp việc ngành công nghiệp khai khoáng tiếp tục giảm sau, nhưng IIP vẫn duy trì được tốc độ tăng, thậm chí cao hơn tháng trước.

Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sản xuất 11 tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất kim loại và dệt cùng tăng 17,3%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 12,7%; sản xuất và phân phối điện tăng 12,3%. Kéo theo một số sản phẩm công nghiệp tăng cao so với cùng kỳ năm trước là: Ti vi tăng 68,2%; thép cán tăng 25,9%; ô tô tăng 21%; sắt, thép thô tăng 20,2%; thức ăn cho gia súc tăng 18,5%; xi măng tăng 14,5%.

Về tốc độ tăng trưởng công nghiệp tại các địa phương, tỉnh Quảng Nam vẫn duy trì được vị trí số 1, với mức tăng 30,6%; tiếp đến là Thái Nguyên tăng 24,5%; Hải Phòng tăng 16,7%; Đà Nẵng tăng 13%; Bình Dương tăng 9,5%; Cần Thơ tăng 8,9%; Hải Dương tăng 8,6%; Đồng Nai tăng 8,4%; TP. Hồ Chí Minh tăng 7,3%; Hà Nội tăng 7,1%; Vĩnh Phúc tăng 6,2%; Bắc Ninh tăng 6,1%; Quảng Ninh tăng 3,8%; Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 4,2%.

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 10/2016 tăng 2,9% so với tháng trước và tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng, chỉ số tiêu thụ tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2015 (cùng kỳ năm trước tăng 12,8%), trong đó một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao là: Sản xuất xe có động cơ tăng 19,9%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 16,1%; sản xuất đồ uống tăng 11,6%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại tăng 10,9%; sản xuất kim loại tăng 10,7%.

Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 01/11/2016 tăng 8,8% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm 2015 tăng 9,7%). Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao hơn mức tăng chung: Sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 110,3%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 49,7% (chủ yếu là tồn kho điện thoại di động Samsung chờ xuất khẩu); sản xuất đồ uống tăng 29,3%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 26,8%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại tăng 24,1%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 22,2%.

Tỷ lệ tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bình quân 10 tháng năm 2016 là 66,9% (cùng kỳ năm trước là 72,9%), trong đó, một số ngành có tỷ lệ tồn kho cao: Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn 127,4%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu 113,2%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất 107,9%; sản xuất, chế biến thực phẩm 86,6%.

Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/11/2016 tăng 4,3% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó lao động khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm 2,6%; doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 1,7%; doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 7,4%. Tại thời điểm trên, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp ngành khai khoáng giảm 7,2% so với cùng thời điểm năm trước; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5%; ngành sản xuất, phân phối điện giảm 0,1%; ngành cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 2,1%.