Ngày 06/12/ 2016, HĐND TP. Hà Nội khóa XV đã thông qua Nghị quyết về dự án, công trình trọng điểm giai đoạn 2016-2020; kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 của TP. Hà Nội; danh mục các lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ưu tiên phát triển của địa phương.

Nguồn vốn đầu tư công 5 năm 2016-2020 còn lại là 80.319 tỷ đồng

Theo tính toán của UBND Thành phố, với tỷ lệ điều tiết 35%, tổng nguồn vốn đầu tư công cấp Thành phố giai đoạn này là 90.910 tỷ đồng, trong khi nhu cầu là 249.315 tỷ đồng. Con số này mới đáp ứng được 36,4% nhu cầu vốn đầu tư công cấp Thành phố trong 5 năm 2016-2020.

Do đó, cần phải xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 theo mục tiêu, định hướng, nguyên tắc và thứ tự ưu tiên hàng dọc nhằm tối ưu hóa hiệu quả vốn đầu tư trong điều kiện khả năng đáp ứng nguồn vốn thiếu hụt so với nhu cầu.

Trên cơ sở đó, thứ tự ưu tiên bố trí vốn đầu tư công như sau: trước hết là hoàn trả các khoản vốn ngân sách nhà nước ứng trước, các khoản vốn vay ngân sách địa phương; tiếp là đối ứng cho dự án sử dụng vốn nước ngoài (ODA) và bố trí vốn thanh toán cho công tác chuẩn bị đầu tư các dự án XDCB tập trung của TP và các dự án dự kiến thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP); tiếp là cho các dự án, công trình thuộc danh mục công trình trọng điểm giai đoạn 2016-2020 đã được TP xác định; cho các dự án đã hoàn thành, đã bàn giao đưa vào sử dụng nhưng chưa bố trí đủ vốn; rồi đến các dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2011-2015 sang giai đoạn 2016-2020; cho các dự án được bố trí khởi công mới năm 2016 chuyển tiếp sang thực hiện giai đoạn 2017-2020; và cuối cùng là cho các dự án cấp thiết khởi công mới trong giai đoạn 2017-2020.

Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 được lập trên cơ sở căn cứ các quyết định của Luật Đầu tư công, hướng dẫn của Trung ương và định hướng đầu tư, nguyên tắc và thứ tự ưu tiên bố trí vốn, nguồn vốn, sắp xếp thứ tự ưu tiên theo hàng dọc, đảm bảo thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu pháp lệnh của TP. Bố trí vốn tập trung, đáp ứng nhu cầu vốn triển khai theo tiến độ, thời gian thực hiện thi công xây dựng ngắn nhất có thể (dự án nhóm C thực hiện từ 1-2 năm/quy định 3 năm, dự án nhóm B thực hiện 2-3 năm/quy định 5-8 năm). Tiết giảm kinh phí dự phòng của từng dự án do thời gian thực hiện được rút ngắn.

Theo đó, các dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2011-2015 được tập trung bố trí vốn để cơ bản hoàn thành dự án trong năm 2016, 2017 (trừ những dự án quy mô lớn sử dụng vốn ODA). Dự án mới khởi công năm 2016 được tập trung bố trí vốn để cơ bản hoàn thành trong năm 2017 (dự án nhóm C), năm 2018 (dự án nhóm B). Phần vốn còn lại tập trung bố trí theo thứ tự ưu tiên đã quy định để triển khai dự án mới chủ yếu khởi công từ năm 2018 để hoàn thành trong giai đoạn 2018-2020.

Như vậy, với tỷ lệ điều tiết ngân sách 35%, tổng cộng nguồn vốn đầu tư công cấp TP là 90.910 tỷ đồng. Sau khi đã ưu tiên bố trí thu hồi khoản ứng trước vốn ngân sách trung ương 428 tỷ đồng, vốn thanh quyết toán công trình hoàn thành 1.000 tỷ đồng, tổng cộng 1.428 tỷ đồng và khoản dự phòng bắt buộc 10% là 9.091 tỷ đồng theo quy định của Luật Đầu tư công (tổng cộng là 10.519 tỷ đồng).

Nguồn vốn đầu tư công 5 năm 2016-2020 còn lại là 80.319 tỷ đồng (năm 2016 đã bố trí 16.009 tỷ đồng, dự kiến 4 năm 2017-2020 là 64.382 tỷ đồng).

Nguồn vốn đầu tư công 5 năm 2016-2020 Hà Nội cần là 80.319 tỷ đồng

Giai đoạn 2016-2020: Hà Nội có 52 dự án trọng điểm

Trên cơ sở kết quả đạt được giai đoạn 2011-2015, UBND TP. Hà Nội đã xây dựng tiêu chí xác định dự án, công trình trọng điểm của Thành phố giai đoạn 2016-2020 bao gồm cả những công trình trọng điểm của giai đoạn 2011-2015 chuyển tiếp sang và những công trình mới quan trọng. Cụ bao gồm: Phù hợp với mục tiêu, định hướng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, các chương trình, đề án, kế hoạch đã được duyệt của TP; Có ý nghĩa, tầm quan trọng trong từng ngành, lĩnh vực đối với phát triển kinh tế - xã hội của TP, giải quyết các vấn đề cấp bách, bức xúc, có vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của Thủ đô giai đoạn 2016-2020; Có tính khả thi về kinh tế kỹ thuật, khả năng GPMB, khả năng cân đối nguồn và thu hút vốn đầu tư để hoàn thành theo tiến độ trong giai đoạn 2016-2020.

Căn cứ danh mục dự kiến công trình trọng điểm của Thành phố giai đoạn 2016-2020 đã được Ban Thường vụ Thành ủy thông qua, trên cơ sở chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, căn cứ các tiêu chí xác định công trình trọng điểm, khả năng cân đối và huy động nguồn vốn, UBND Thành phố đã rà soát và đề xuất danh mục dự án, công trình trọng điểm của Thành phố giai đoạn 2016-2020 là 52 dự án, tổng mức đầu tư khoảng 503.374 tỷ đồng, nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2016-2020 khoảng 217.066 tỷ đồng.

Trong đó, vốn đầu tư công là 29 dự án (21 dự án trong nước và 08 dự án ODA), với tổng mức đầu tư khoảng 319.188 tỷ đồng (trong đó có 01 dự án ODA đang trình điều chỉnh tổng mức đầu tư), nhu cầu vốn khoảng 102.366 tỷ đồng; vốn đầu tư theo hình thức hợp đồng PPP là 22 dự án với tổng mức đầu tư khoảng 160.186 tỷ đồng, nhu cầu vốn huy động giai đoạn 2016-2020 là 99.700 tỷ đồng; vốn đầu tư trực tiếp theo hình thức xã hội hóa là 01 dự án với tổng mức đầu tư dự kiến 24.000 tỷ đồng, nhu cầu huy động giai đoạn 2016-2020 khoảng 15.000 tỷ đồng. Các công trình trọng điểm được phân chia theo lĩnh vực như sau: Lĩnh vực Hạ tầng giao thông đô thị 38 dự án; Lĩnh vực Văn hóa xã hội 10 dự án; Lĩnh vực Nông nghiệp và PTNT 02 dự án; Lĩnh vực Khoa học công nghệ 01 dự án; Lĩnh vực Thông tin và truyền thông 01 dự án.

Dự kiến, tiến độ 52 công trình nêu trên trong giai đoạn 2016-2020 sẽ là: 29 công trình hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng (trong đó 20 công trình sử dụng vốn ngân sách và ODA, 08 công trình đầu tư theo hình thức BT và 01 dự án y tế theo hình thức PPP khác); 14 công trình hoàn thành sau năm 2020 (gồm 02 công trình sử dụng vốn ngân sách và ODA, 08 công trình theo hình thức BT, 03 công trình theo hình thức BOT và 01 công trình đầu tư trực tiếp theo hình thức xã hội hóa); 04 công trình hoàn thành xong các thủ tục đầu tư và khởi công trong giai đoạn 2016-2020, gồm: Khu di tích Thành Cổ Loa, Khu di tích Hoàng thành Thăng Long và 02 dự án trục dọc sông Hồng đoạn từ cầu Thượng Cát đến cầu Thanh Trì (bờ trái và bờ phải); 05 tuyến đường sắt đô thị hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư để xúc tiến các thủ tục huy động, kêu gọi vốn đầu tư theo quy định.

UBND Thành phố cũng đã xây dựng danh mục các lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ưu tiên của Thành phố giai đoạn 2016 - 2020 để Quỹ Đầu tư phát triển thành phố Hà Nội cho vay và đầu tư trực tiếp trên cơ sở các Nghị định của Chính phủ và các kế hoạch, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ, Đảng bộ Thành phố và HĐND Thành phố.

Theo đó, Quỹ Đầu tư phát triển Thành phố thực hiện đầu tư trực tiếp và cho vay” gồm 4 lĩnh vực. Trong đó, về kết cấu hạ tầng giao thông, năng lượng, môi trường sẽ ưu tiên: Đầu tư xây dựng hoặc cải tạo các cảng nội địa, bến, bãi đỗ xe theo quy hoạch, các bãi đỗ xe cao tầng, bãi đỗ xe ngầm sử dụng công nghệ đỗ xe hiện đại, thông minh; Đầu tư hệ thống cung cấp nước sạch; Đầu tư phát triển hệ thống điện; Đầu tư hệ thống xử lý nước thải, rác thải, khí thải và đầu tư tái chế, tái sử dụng chất thải, đầu tư sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường; Đầu tư, phát triển hệ thống phương tiện vận tải công cộng. Về công nghiệp và công nghiệp phụ trợ sẽ ưu tiên các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao. Lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp và phát triển nông thôn ưu tiên đầu tư xây dựng các khu sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao (chăn nuôi, trồng trọt rau, hoa, cây cảnh...).

Đối với lĩnh vực xã hội hóa hạ tầng xã hội, Thành phố sẽ ưu tiên đầu tư xây dựng, phát triển nhà ở xã hội (nhà ở cho người có thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân, ký túc xá sinh viên..),nhà tái định cư; đầu tư xây dựng, mở rộng bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh, trường học, trung tâm văn hóa, thể dục thể thao, công viên; đầu tư xây dựng, cải tạo khu du lịch, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng gắn với bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử tại địa phương và ưu tiên để đầu tư di chuyển, sắp xếp, hiện đại hóa các khu nghĩa trang./.