Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh khẳng định, doanh nghiệp có vai trò dẫn dắt nông dân, dẫn dắt nền nông nghiệp bền vững vào hội nhập. Đây là lực lượng chủ lực đưa cơ giới hóa vào sản xuất, dẫn dắt kinh tế nông hộ, hợp tác xã, tổ hợp tác cùng phát triển. Doanh nghiệp cũng là đơn vị đi đầu trong tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, là hạt nhân liên kết nông dân với thị trường.

Thứ trưởng cho biết, trong thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai hàng loạt các giải pháp hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp vào nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh hoạt động đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là cầu nối giữa doanh nghiệp với các cơ quan nhà nước thông qua nhóm thu hút đầu tư nông nghiệp, nông thôn gồm 40 doanh nghiệp đầu tàu.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn cũng nhấn mạnh rằng: “Chúng ta không thể cạnh tranh bằng chi phí thấp mãi được, muốn cạnh tranh thì phải tìm cách giảm chi phí đầu vào, đầu tư vào chất lượng sản phẩm. Vì vậy, cần củng cố chuỗi giá trị, tăng cường hệ thống sáng tạo và tri thức, tăng cường mối liên kết giữa nhà nông, nhà kinh doanh, nhà khoa học, Chính phủ và ngân hàng”.

Ở góc độ chuyên sâu, GS. Trần Đức Viên, nguyên Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam chỉ rõ, hiện nay, các liên kết trong sản xuất nông nghiệp đã tạo điều kiện để sản phẩm của nông dân đến được người tiêu dùng. Liên kết giữa ngang giữa nông dân với nhau để cung cấp sản phẩm theo nhu cầu thị trường mới là một khía cạnh, là yếu tố “đẩy” trong mô hình liên kết. Mô hình này cần yếu tố “kéo” là thị trường đầu ra, mà hoạt động cốt lõi là xây dựng được liên kết dọc giữa nông dân và doanh nghiệp.

Toàn cảnh Diễn đàn

Ở góc độ doanh nghiệp, bà Vũ Tuyết Hằng, Tổng Giám đốc Công ty VinEco, đơn vị thành viên của Tập đoàn Vingroup cho biết, tập đoàn này chính thức đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông sản, thực phẩm sạch từ tháng 3-2015 và từ tháng 10-2015 đã chính thức đưa nông sản sạch ra thị trường. Tập đoàn đã ký kết với 250 hợp tác xã và hộ nông dân sản xuất nông sản trong cả nước về sản xuất và cung ứng nông sản, thực phẩm sạch theo công nghệ và tiêu chí của Vingroup.

Trong năm 2016, trung bình mỗi ngày VinEco thông qua hệ thống siêu thị Vinmart và Vinmart+ đưa tới tay người tiêu dùng trung bình khoảng 50-60 tấn nông sản thực phẩm mỗi ngày và dự kiến trong năm 2017, sản lượng tung ra thị trường sẽ cao gấp 3 lần năm 2016.

Mặc dù mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân đạt được kết quả khả quan, nhưng theo bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, chất lượng nông sản chưa cao, nguyên nhân là do còn hạn chế trong quản lý đầu vào. Người nông dân chưa nắm được kiến thức để làm thế nào sản xuất ra nông sản sạch khi có sản phẩm, thì tiêu thụ ở đâu để không rơi vào tình trạng được mùa mất giá.

Để thúc đẩy sự liên kết sản xuất trong nông nghiệp, ông Trần Đức Viên, cho rằng, cần ưu tiên phát triển các doanh nghiệp mạnh có khả năng bao tiêu nông sản bền vững. Do đó, cần đẩy mạnh xây dựng chính sách tích tụ đất, đây là cơ sở thúc đẩy doanh nghiệp liên kết nông dân.

Đồng thời, từng bước tái cơ cấu hệ thống khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo hiệu quả hơn, có những chính sách ưu tiên doanh nghiệp tham gia cùng đầu tư ở các cơ sở nghiên cứu khoa học để phát triển công nghệ mà thị trường yêu cầu. Bên cạnh đó, cần quy định cụ thể hơn về các mô hình liên kết trong lĩnh vực trồng trọt (cánh đồng lớn), thủy sản, chăn nuôi…./.