Năm 2016 là năm có những sự kiện đặc biệt như Đại hội XII của Đảng, bầu cử Đại biểu Quốc hội và Đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016-2021; năm đầu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Kế thừa kết quả đạt được trong năm 2015, Tỉnh ủy tiếp tục bám sát các chỉ đạo của Trung ương; nắm chắc và dự báo sát tình hình để lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện; ưu tiên nhiệm vụ trọng tâm nhằm cụ thể hóa nghị quyết đại hội Đảng các cấp và các nghị quyết, kết luận của Trung ương liên quan đến tỉnh; chọn chủ đề công tác năm là “Nâng cao chất lượng quản trị và hành chính công; xây dựng thành phố du lịch Hạ Long” để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo.

Với sự quyết tâm nỗ lực và giải pháp đồng bộ của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn tỉnh nên trong năm 2016, Quảng Ninh đạt được nhiều kết quả tích cực theo chủ đề đặt ra.

Chỉ số PAPI tăng 20 bậc

Tỉnh đã tập trung chỉ đạo về công tác quán triệt, tuyên truyền phổ biến Chỉ thị 03-CT/TU ngày 29/12/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa theo đúng chủ trương của tỉnh, đặc biệt là tiêu chí thành phần của Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI).

Chỉ đạo xây dựng kế hoạch và chủ động triển thực hiện ở địa phương, đơn vị, lĩnh vực phụ trách theo hướng rõ việc, thiết thực, hiện quả; yêu cầu các cấp, các ngành và địa phương phải định kỳ hằng năm rà soát các thủ tục hành chính để cắt giảm những thủ tục không cần thiết, thường xuyên cập nhật những thủ tục mới ban hành và phấn đấu đưa tối đa các thủ tục hành chính vào giải quyết tại các trung tâm hành chính công.

Chỉ đạo đồng thời lồng ghép trong Dự án xây dựng chính quyền điện tử theo hướng liên thông giải quyết các thủ tục hành chính, nâng tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; chỉ đạo các sở, ngành, địa phương rà soát và đề xuất nhu cầu để xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, cơ sở hạ tầng đã đầu tư qua đó hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin, kết nối liên thông giữa các cơ quan trong tỉnh đến cấp xã, nhất là việc giải quyết các bộ thủ tục hành chính tại Trung tâm hành chính công tỉnh với các sở, ngành liên quan và Trung tâm hành chính công cấp huyện với các phòng, ban chức năng và bộ phận tiếp nhận, trả kết quả hiện đại cấp xã.

Tập trung chỉ đạo xây dựng phương án bồi dưỡng, đào tạo, tập huấn cán bộ, công chức viên chức từ tỉnh đến cấp xã và kết hợp luân chuyển một số vị trí công tác để nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ, văn hóa ứng xử. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát định kỳ và đột xuất việc thực thi kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa giao tiếp công sở của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương tuyên truyền, phổ biến, quán triệt đến cán bộ, công chức, viên chức và xây dựng kế hoạch, chương trình cụ thể để triển khai thực hiện 6 trục nội dung cơ bản của Chỉ số PAPI. Quy trình, thủ tục hành chính được công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cá nhân, tổ chức khi đến giao dịch với cơ quan hành chính nhà nước. Tổng số thủ tục hành chính ở 3 cấp là 1.376 thủ tục hành chính; có 1.048 thủ tục hành chính thực hiện tại Trung tâm Hành chính công tỉnh, trong đó 970/1.048 thủ tục hành chính cắt giảm từ 40-50% thời gian giải quyết so với quy định của nhà nước. Đến nay, có 14/15 Trung tâm Hành chính công đã triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được 27 thủ tục hành chính; có 88/186 xã, phường (đạt 47%) triển khai thực hiện Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả kết nối với Trung tâm Hành chính công huyện.

Công tác kiểm tra, giám sát, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện nghiêm túc theo quy định, tiến hành thường xuyên, liên tục để kịp thời điều chỉnh các cơ chế, chính sách chưa phù hợp với tình hình thực tiễn. Kỷ cương, kỷ luật hành chính được nâng lên, hành vi, thái độ ứng xử của công chức trong thực thi công vụ có nhiều chuyển biến tích cực. Các cấp chính quyền cơ sở đã chủ động, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tham gia ý kiến vào hoạt động của địa phương; các cơ quan chức năng tăng cường trách nhiệm giải trình những kiến nghị của người dân và doanh nghiệp. Hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, điều hành của chính quyền được nâng lên; chất lượng phục vụ người dân trong việc giải quyết thủ tục hành chính liên quan về lĩnh vực đất đai, xây dựng, tư pháp, y tế, giáo dục... có bước cải thiện.

Với sự phối hợp của các cơ quan, ban ngành, chỉ số PAPI của tỉnh năm 2015 đứng trong nhóm 2 các tỉnh, thành phố (tăng 20 bậc so với năm 2014). Chỉ số cải cách hành chính liên tục được cải thiện, năm 2015 Quảng Ninh xếp thứ 6 trong cả nước, tăng 8 bậc so với năm 2014. Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2015 có chuyển biến tích cực (dịch vụ hành chính công cấp huyện đạt 77%, cấp xã đạt 89,4%).

Xây dựng thành phố du lịch đẳng cấp

Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy thường xuyên làm việc với thành phố Hạ Long, các sở, ban ngành và có những chỉ đạo cụ thể, rõ việc về triển khai, tổ chức thực hiện chủ đề công tác năm. Đã chỉ đạo tổng kết 05 năm việc thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TV của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển thành phố Hạ Long đến năm 2015; tiếp tục ban hành nghị quyết mới về xây dựng và phát triển thành phố Hạ Long đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu phấn đấu xây dựng, phát triển Hạ Long là thành phố du lịch biển văn minh, thân thiện, trung tâm du lịch đẳng cấp quốc tế, với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; sử dung nguồn lực từ thu phí tham quan Vịnh Hạ Long giai đoạn 2016-2020 để đầu tư trở lại cho việc bảo tồn, phát huy giá trị Vịnh Hạ Long và hạ tầng liên quan phục vụ du lịch.

Du khách quốc tế đến Hạ Long

Trong quá trình triển khai những định hướng này, tỉnh Quảng Ninh đã chuyển giao chức năng quản lý nhà nước Vịnh Hạ Long về UBND thành phố Hạ Long, phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện chủ đề công tác năm 2016 về "xây dựng thành phố du lịch Hạ Long" và chỉ đạo các sở, ngành, địa phương phối hợp với thành phố Hạ Long để triển khai.

Tỉnh cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của các cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân về phát triển du lịch. Triển khai thực hiện có hiệu quả thiết thực các nội dung của Bộ Quy tắc ứng xử “Nụ cười Hạ Long” gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, bước đầu đã xây dựng thái độ, văn hóa ứng xử văn minh, thân thiện của người dân Hạ Long đối với khách du lịch.

Chú trọng công tác bảo vệ môi trường, chỉnh trang đô thị. Triển khai lắp đặt các thùng chứa rác cố định tại các tuyến phố trung tâm và các khu, điểm du lịch; bố trí phương tiện thu gom, xử lý rác thải tại các điểm tham quan trên Vịnh Hạ Long; xây dựng nhà vệ sinh công cộng tại phường Bãi Cháy, Hồng Gai, Hồng Hải, Trần Hưng Đạo.

Tổ chức thành công một số hoạt động thuộc Tuần du lịch Hạ Long - Quảng Ninh, các sự kiện văn hóa lớn trên địa bàn, thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo nhân dân và du khách.

Công bố quy hoạch chi tiết bảo tồn và phát huy giá trị Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long đến năm 2020; xây dựng các đề án liên quan đến phát triển du lịch, phê duyệt đề cương và chỉ đạo tiếp tục biên soạn nội dung cuốn Cẩm nang du lịch Hạ Long. Lắp đặt biển chỉ dẫn bằng tiếng Anh tại một số các điểm du lịch; tiếp tục nghiên cứu, khảo sát những tuyến, điểm du lịch mới, phục vụ nhu cầu của khách du lịch.

Chỉ đạo các tổ chức, cá nhân chấm dứt việc tổ chức dịch vụ ăn uống tại các hang động trên Vịnh Hạ Long trước ngày 30/9/2016.Chỉ đạo hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng các lô chung cư cũ, nguy hiểm tại một số phường trên địa bàn thành phố.

Nhờ đó, khách du lịch đến Hạ Long năm 2016 ước đạt 6,5 triệu lượt, tăng 17% so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế là 2,7 triệu lượt; tổng doanh thu ước đạt 7.700 tỷ, tăng 64% so cùng kỳ.

Tiếp tục ghi dấu với những đột phá mới

Năm 2017, dự báo tình hình thế giới và trong tiếp tục diễn biến phức tạp, còn nhiều khó khăn, hạn chế. Trên cơ sở tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ đề công tác của những năm trước, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thống nhất xác định chủ đề công tác năm 2017 là: “Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh” để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Các giải pháp thực hiện cụ thể như sau:

Về tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính:

Triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 26/CT-TTg, ngày 25/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính các cấp gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TU ngày 29/12/2015 của Ban thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng quản trị và hành chính công. Chấn chỉnh lề lối làm việc, nâng cao ý thức thực thi công vụ đối với cán bộ, công chức thuộc cơ quan, đơn vị trong toàn tỉnh; tăng cường các biện pháp giáo dục, tuyên truyền về thái độ giao tiếp, ứng xử của cán bộ đối với tổ chức và cá nhân. Có biện pháp, cơ chế giám sát, kiểm tra thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, cơ chế "thưởng - phạt" kịp thời về chấp hành kỷ luật kỷ cương, đạo đức công vụ.

Về xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh:

- Phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên nhất là người đứng đầu trong xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh. Hoàn thành xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện quy chế văn hóa công sở và quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong tất cả các cơ quan, đơn vị; công khai để nhân dân giám sát.

- Phát triển lĩnh vực văn hóa gắn với đẩy mạnh xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh, thân thiện trong cộng đồng. Khuyến khích, tuyên truyền nhân rộng việc xây dựng và thực hiện các quy ước, hương ước; xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh trong việc cưới, việc tang, tổ chức lễ hội. Bố trí thời lượng, lồng ghép trong chương trình chính khóa và ngoại khóa các nội dung giáo dục, tìm hiểu về văn hóa, lịch sử địa phương, văn hóa quốc tế, giáo dục kỹ năng sống, thực hành văn hóa giao tiếp, trong nhà trường với vai trò chủ động của học sinh, sinh viên.

- Phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc, khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống. Hoàn thành cơ bản dự án số hóa di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh. Các địa phương phối hợp với sở, ngành chức năng rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao để đề ra giải pháp cụ thể, phù hợp với tình hình của từng địa phương. Phát triển toàn diện các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả, đi vào thực chất Bộ quy tắc ứng xử “Nụ cười Hạ Long” tạo sự văn minh, thân thiện với du khách.

- Triển khai sâu rộng Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" góp phần gìn giữ và phát huy sức mạnh đoàn kết từ các cộng đồng dân cư. Lựa chọn và tập trung tổ chức có hiệu quả những hoạt động thiết thực nhằm nâng cao ý thức của nhân dân về giữ gìn vệ sinh môi trường, xây dựng nếp sống văn minh như phong trào Ngày chủ nhật xanh toàn dân làm vệ sinh vào sáng ngày chủ nhật. Các cấp ủy địa phương, nhất là các đô thị trung tâm phải vào cuộc tích cực, quyết liệt trong xây dựng văn minh đô thị. Các địa bàn nông thôn cần tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ các tập quán lạc hậu; cải tạo cảnh quan, đường làng ngõ xóm, các công trình công cộng khang trang, sạch đẹp./.