Kinh tế năm 2016 duy trì tốc độ tăng trưởng cao

Trong năm 2016, TP. Cần Thơ đã tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy khởi nghiệp, đầu tư và mở rộng sản xuất kinh doanh; triển khai thực hiện đầy đủ và kịp thời các giải pháp thu - chi ngân sách, đầu tư kết cấu hạ tầng, giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội.

Một góc của TP. Cần Thơ

GRDP (giá so sánh 2010) ước đạt 61.441 tỷ đồng, tăng 7,55% so với năm 2015, vượt 0,05% kế hoạch; cả ba khu vực kinh tế đều tăng so cùng kỳ.

Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng: Khu vực nông nghiệp - thủy sản chiếm 9,32% (kế hoạch chiếm 9,33%); khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ trọng 32,53% (kế hoạch 31,81%); khu vực thương mại - dịch vụ chiếm 58,15% GRDP (kế hoạch 58,86%).

GRDP bình quân đầu người đạt 65,3 triệu đồng, tăng 10,5% (tương đương tăng 6,2 triệu đồng) so với năm 2015.

Trong đó, nổi bật lên trong các ngành là sản xuất công nghiệp, theo đó, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp ước tăng 11,22% so với năm 2015 (năm 2015 tăng 7,10%).

Các khu chế xuất và công nghiệp thu hút 09 dự án mới và 07 dự án điều chỉnh với tổng vốn đầu tư đăng ký 199,6 triệu USD.

Bên cạnh đó, hoạt động khu vực dịch vụ chuyển biến tích cực, đóng góp 58,15% GRDP; một số dịch vụ có mức tăng khá, như: thương mại, tài chính - ngân hàng, công nghệ thông tin, viễn thông, hậu cần logistic, khoa học - công nghệ, y tế, giáo dục...

Công tác đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, xây dựng sản phẩm và hợp tác, liên kết phát triển du lịch; từng bước thực hiện phương châm du lịch Cần Thơ “An toàn - Thân thiện - Chất lượng”. Ước năm 2016, tổng lượt khách đến 5,35 triệu lượt, tăng 14% so năm 2015; đón và phục vụ 1,73 triệu lượt khách lưu trú, vượt 19,1% kế hoạch, tăng 7% so cùng kỳ; doanh thu 1.826 tỷ đồng, vượt 30,4% kế hoạch, tăng 5% so năm 2015.

Tình hình đăng ký kinh doanh và quản lý doanh nghiệp của Thành phố cũng đạt được nhiều kết quả tích cực. Theo đó, trong năm 2016, ước cấp mới đăng ký kinh doanh 1.170 doanh nghiệp các loại hình, tổng vốn đăng ký 4.997 tỷ đồng (tăng 6,6% doanh nghiệp và tăng 53,4% số vốn đăng ký so năm 2015); giải thể 90 doanh nghiệp các loại hình, tổng vốn 410 tỷ đồng (tăng 7,1% về số doanh nghiệp và giảm 18,3% về số vốn so với năm trước).

Ước đến cuối năm 2016, thành phố có 75 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 597 triệu USD, vốn thực hiện 380 triệu USD. Doanh thu ước đạt 442,3 triệu USD. Tiếp nhận từ nguồn viện trợ phi Chính phủ (NGO) 12 dự án với tổng kinh phí 3,8 triệu USD.

Bên cạnh đó, các chỉ tiêu xã hội cũng đều đạt hoặc vượt kế hoạch đề ra, như: Tỷ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi, Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 67% (kế hoạch 67%), Giảm tỷ lệ hộ nghèo 1,31% (kế hoạch giảm 1%), tỷ lệ hộ nghèo còn 3,81% (chuẩn giai đoạn 2016-2020), Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 74,5% (kế hoạch 74,5%), Công nhận hoàn thành thêm 07 xã đạt tiêu chí nông thôn mới (kế hoạch công nhận 04 xã).

Năm 2017: tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế

Năm 2017, Cần Thơ tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao quy mô, năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh, phát triển kinh tế với tốc độ cao hơn. Tạo đột phá mạnh mẽ trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư, xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng, tạo động lực mới phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng và phát triển đô thị văn minh, xây dựng xã nông thôn mới. Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội, vận động tham gia bảo hiểm y tế đạt tỷ lệ theo lộ trình; bảo đảm an sinh xã hội và cải thiện đời sống nhân dân.

Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2017

(1) Tăng trưởng kinh tế (GRDP) 7,8%; trong đó: nông nghiệp - thủy sản tăng 1,0%; công nghiệp - xây dựng tăng 8,2%; dịch vụ tăng 8,7% so với ước thực hiện năm 2016.

(2) GRDP bình quân đầu người (theo giá hiện hành) đạt 72,6 triệu đồng, tăng 11,2% so với ước thực hiện năm 2016.

(3) Cơ cấu kinh tế: Tỷ trọng nông nghiệp - thủy sản chiếm 8,74%, công nghiệp - xây dựng chiếm 32,65% và dịch vụ chiếm 58,61% GRDP.

(4) Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ đạt 1.670 triệu USD, tăng 7,5%. Kim ngạch nhập khẩu đạt 450 triệu USD, tăng 2,2% so ước thực hiện năm 2016.

(5) Tổng vốn đầu tư trên địa bàn 55.000 tỷ đồng, tăng 22,6% so ước thực hiện năm 2016; tỷ lệ vốn đầu tư phát triển trên địa bàn chiếm đạt 59,7%GRDP.

(6) Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 12.826,3 tỷ đồng.

(7) Tỷ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi: Trẻ vào học mẫu giáo 91%, bậc tiểu học 100%, bậc trung học cơ sở 89,5%, bậc trung học phổ thông 67%.

(8) Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 69%.

(9) Giảm tỷ lệ hộ nghèo 1%, tỷ lệ hộ nghèo còn 2,81% (chuẩn 2016-2020).

(10) Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 78,8%.

(11) Công nhận thêm 06 xã đạt tiêu chí nông thôn mới.

(12) Tỷ lệ hộ dân số được cung cấp nước sạch đạt 81,4%, trong đó: đô thị đạt 87%, nông thôn đạt 70%.

(13) Tỷ lệ thu gom chất thải rắn ở đô thị 90%.

Để đạt được những mục tiêu nói trên, Thành phố sẽ tập trung những giải pháp sau:

Một là, nâng cao chất lượng quy hoạch, phát triển đô thị, tăng cường quản lý đất đai, hiệu quả công tác hợp tác phát triển. Tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ, có hiệu quả trong thực hiện và quản lý tốt các quy hoạch đã được phê duyệt. Tiếp tục hoàn thiện các quy hoạch ngành, lĩnh vực đã có chủ trương xây dựng, cần xác định được lợi thế, tiềm năng của từng ngành, lĩnh vực để phát triển hiệu quả và đảm bảo phù hợp theo định hướng, mục tiêu phát triển chung đã đề ra.

Tiếp tục triển khai có hiệu quả Dự án nâng cấp đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long - Tiểu dự án TP. Cần Thơ, Dự án phát triển thành phố Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng đô thị, đảm bảo nâng cao chất lượng, diện mạo kiến trúc cảnh quan theo hướng hiện đại, văn minh gắn với bảo vệ mỹ quan và trật tự đô thị trên địa bàn.

Xây dựng các chương trình, dự án thực hiện thí điểm liên kết phát triển kinh tế - xã hội với các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh trong điều kiện hội nhập quốc tế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. Tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế, với các viện, trường để nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các công nghệ mới và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Hai là, tiếp tục thực hiện các biện pháp phát triển ổn định kinh tế và kiểm soát lạm phát. Thực hiện chính sách tiền tệ hiệu quả; chính sách tín dụng, lãi suất, tỷ giá, ngoại hối kịp thời, đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước. Thực hiện hiệu quả Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp, chương trình cho vay bình ổn giá và các chương trình, chính sách tín dụng cho các đối tượng đúng theo chủ trương của Chính phủ.

Thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ. Thực hiện các biện pháp phù hợp bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường, không để xảy ra thiếu hàng, sốt giá. Tăng cường công tác quản lý thị trường, kiểm tra, thanh tra, giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật về giá; thực hiện nghiêm việc phòng chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại; xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm.

Ba là, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế hướng vào những lĩnh vực có thế mạnh và tạo nguồn lực cho phát triển, có chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh từng ngành, lĩnh vực, đáp ứng yêu cầu thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó tập trung phát triển công nghiệp - khu chế xuất và công nghiệp, phát triển các ngành dịch vụ. Đồng thời, thực hiện quyết liệt, hiệu quả tái cơ cấu đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng.

Bốn là, đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020. Trong đó, Thành phố sẽ phát triển đồng bộ, hiệu quả các loại thị trường, vận hành thông suốt, có tính cạnh tranh cao. Tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng, công khai, minh bạch, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư phát triển, mở rộng sản xuất kinh doanh và trở thành động lực của nền kinh tế. Đồng thời, rà soát, điều chỉnh danh mục các chỉ tiêu thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Chú trọng tranh thủ các nguồn tài trợ ODA, NGO đầu tư vào xây dựng phát triển đô thị, phát triển hệ thống thủy lợi, các công trình ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai, xử lý chất thải, bảo vệ môi trường…

Năm là, phát triển văn hoá - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao đời sống nhân dân. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết số 44/NQ-CP của Chính phủ. Thực hiện các chính sách giải quyết việc làm gắn với phát triển thị trường lao động, tăng cường công tác quản lý xuất khẩu lao động. Tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo có nhu cầu và phương án sản xuất, kinh doanh được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi để phát triển, nâng cao khả năng tự bảo đảm an sinh xã hội của người dân. Vận động các nguồn lực trong xã hội, cùng nhà nước thực hiện đầy đủ các chính sách ưu đãi người có công, chính sách trợ giúp xã hội.

Sáu là, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Tăng cường quản lý, giám sát, khai thác sử dụng hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm các nguồn tài nguyên, khoáng sản. Triển khai thực hiện hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm các chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu; các dự án chống xâm nhập mặn, phòng chống sạt lở bờ sông, rạch.

Tiếp tục tuyên truyền, phố biến pháp luật, nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân, doanh nghiệp, cộng đồng sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Đưa vào hoạt động Nhà máy xử lý nước thải, xử lý rác thải thành phố; phát huy hiệu quả các nhà máy xử lý nước thải tại các khu công nghiệp./.