Những kết quả khả quan

Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố, đến hết năm 2016 Hà Nội có 5.100 ha rau an toàn, 224 ha rau VietGAP và 50 ha rau hữu cơ. Đáng chú ý, Hà Nội đã xây dựng thành công các mô hình sản xuất – tiêu thụ RAT tại nhiều địa phương: Gia Lâm, Thanh Trì, Phúc Thọ; Hoài Đức, Đông Anh, Mê Linh...

Năm 2016, Hà Nội đã xây dựng và vận hành thí điểm 11 chuỗi RAT áp dụng hệ thống đảm bảo có sự tham gia của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Thành phố đang có 48 cơ sở sơ chế RAT gắn với vùng sản xuất tập trung công suất 3-7 tấn/ngày và 64 cơ sở sơ chế nhỏ của các hợp tác xã, doanh nghiệp công suất 200-1.000kg/ngày.

Hiện nay hầu hết các sản phẩm RAT đều được dán tem, nhãn nhận diện, truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Nhờ đó, chất lượng RAT Hà Nội được người tiêu dùng đánh giá cao và tin dùng. Sản lượng RAT được tiêu thụ qua 18 doanh nghiệp, 17 hợp tác xã cung cấp cho các cửa hàng bán lẻ, điểm phân phối, bếp ăn tập thể, hệ thống siêu thị với sản lượng gần 200.000 tấn/năm.

Mặc dù vậy, việc phát triển rau an toàn trên địa bàn Hà Nội còn có những hạn chế, đó là số hoạt chất và tên thương hiệu thuốc bảo vệ thực vật có mặt trên địa bàn Hà Nội còn cao. Bên cạnh đó, người sản xuất chưa bán được RAT theo đúng giá trị, trong khi đó lại rất ít doanh nghiệp kinh doanh, tiêu thụ rau. Hơn nữa, sự liên kết giữa doanh nghiệp, các hợp tác xã, với nông dân không chặt chẽ, chưa hài hòa giữa lợi ích các bên, cho nên các hợp đồng thường bị phá vỡ. Vai trò của các hợp tác xã nông nghiệp còn hạn chế, mới chỉ đáp ứng một số dịch vụ đầu vào, không có vốn hoặc vốn rất thấp nên chưa tham gia một cách hiệu quả việc bảo đảm đầu ra nông sản cho xã viên.

Hiện nay, Hà Nội đang có 48 cơ sở chế biến rau an toàn gắn với vùng sản xuất tập trung công suất 3-7 tấn/ngày

Để phát triển thị trường rau an toàn

Trước yêu cầu ngày càng cao về chất lượng của người tiêu dùng, trồng rau an toàn đang là một trong những chiến lược phát triển ngành trồng trọt của Thành phố. Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2020, diện tích sản xuất rau toàn là 16.276,7 ha, trong đó các vùng sản xuất rau tập trung là 151 vùng với tổng diện tích là 6.644,7 ha. Giảm diện tích, mức độ hại của sinh vật gây hại, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trên rau, kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật dưới ngưỡng quy định cho 95% diện tích sản xuất rau. Phát triển, kiểm soát 50 chuỗi cung cấp rau an toàn, đảm bảo 100% truy xuất nguồn gốc xuất xứ và an toàn thực phẩm. Vì vậy, giải pháp để phát triển các vùng rau an toàn là phải làm chuyển biến đồng bộ từ khâu sản xuất kinh doanh đến sử dụng theo một hệ thống mang tính chuyên nghiệp; coi trọng áp dụng công nghệ kỹ thuật cao, sản xuất rau an toàn theo tiêu chí VietGAP. Cần có sự đầu tư của nhà nước về xây dựng hạ tầng, hỗ trợ đầu ra trong lưu thông sản phẩm; hướng dẫn nông dân thực hiện chặt chẽ các qui trình.

Phát biểu tại hội nghị tổng kết Đề án sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2009 – 2016, ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát tiển Nông thôn Hà Nội cho biết trong thời gian tới, Sở sẽ đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, quản lý diện tích RAT trên địa bàn thành phố, tuyên truyền để người dân tin tưởng sử dụng RAT, ngành Nông nghiệp đang đẩy mạnh hợp tác với các tỉnh đưa nông sản sạch về tiêu thụ trong đó có rau xanh. Hà Nội cũng tập trung hoàn thiện khung pháp lý về điều kiện tiêu thụ nông sản khi đưa vào Thủ đô. Áp dụng tốt điều này sẽ chặn được các kẽ hở trong quản lý nông sản an toàn nói chung và RAT nói riêng.

Bên cạnh đó, chủ động hình thành các liên kết ổn định giữa các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ rau với các hợp tác xã, nông dân vùng sản xuất rau an toàn tập trung; phát triển mạng lưới tiêu thụ qua siêu thị, đại lý, cửa hàng bán lẻ gắn chứng nhận rau an toàn với sử dụng thương hiệu nhà sản xuất. Tăng cường kiểm tra việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, thuốc kích thích tăng trưởng; kịp thời ngăn chặn việc sử dụng phân tươi, nước ô nhiễm cho rau.

Ông Nguyễn Duy Hồng, Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ Thực vật Hà Nội cho biết, trong thời gian tới phải kiểm soát được dư lượng thuốc bảo vệ thực vật dưới giới hạn tối đa cho phép cho toàn bộ diện tích rau của thành phố Hà Nội, tất cả các vùng chuyên canh, vùng được chứng nhận cũng như là không chuyên canh cũng phải đảm bảo dư lượng thuốc bảo vệ thực vật là dưới giới hạn tối đa (BT, 2016).

Đồng thời, hỗ trợ người trồng rau nâng cao nhận thức, thực hiện đúng quy trình sản xuất RAT từ khâu chọn giống, làm đất, phân./.

Tài liệu tham khảo

1. Thanh Tuyền (2016). Tổng kết Đề án sản xuất và tiêu thụ rau an toàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2009-2016, truy cập từ http://xttmnongnghiephanoi.vn/chi-tiet/453/tong-ket-de-an-san-xuat-va-tieu-thu-rau-an-toan-thanh-pho-ha-noi-giai-doan-2009-2016.html

2. Lưu Phượng (2016). Tổng kết Đề án sản xuất và tiêu thụ rau an toàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2009-2016, truy cập từ http://sonnptnt.hanoi.gov.vn/sonn/portal/News-details/197/2888/Tong-ket-De-an-san-xuat-va-tieu-thu-rau-an-toan-thanh-pho-Ha-Noi--giai.html

3. BT (2016). Sản xuất, tiêu thụ rau an toàn gặp nhiều khó khăn, truy cập từ http://www.antv.gov.vn/tin-tuc/kinh-te/san-xuat-tieu-thu-rau-an-toan-gap-nhieu-kho-khan-198539.html