Hiện Tây Nguyên đang trong gia đoạn cao điểm thu hoạch cà phê, tuy nhiên mưa kéo dài dẫn đến việc thu hái chậm làm ảnh hưởng đến năng suất cũng như chất lượng cà phê. “Không hái thì cà phê chín rụng đầy gốc, mà hái về cũng không biết phơi ở đâu”, một người dân ở Lâm Đồng chia sẻ những khó khăn vụ mùa.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Di Linh (Lâm Đồng), hiện nay Di Linh có khoảng 41.680 ha cà phê đang trong thời kỳ thu hoạch. Nhưng năm nay do thời tiết thất thường, người dân thu hoạch cà phê tương đối muộn, dù đã qua tháng 12 nhưng sản lượng cà phê thu hoạch mới chỉ đạt khoảng 60%.

Ông Lại Thế Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng đánh giá: “Mưa kéo dài đã làm ảnh hưởng đáng kể đến việc thu hoạch cà phê của người nông dân. Ngoài việc ảnh hưởng đến tiến độ thu hái còn làm năng suất, chất lượng cà phê cũng bị sụt giảm. Lâu nay để giảm thời gian phơi, hầu hết người nông dân đều xay hạt cà phê tươi rồi mới đem phơi. Tuy nhiên, tình trạng mưa đột ngột kéo dài, độ ẩm cao sẽ làm thâm đen nhân khiến chất lượng nhân cà phê bị sụt giảm đáng kể.”


Tận dụng từng chút nắng, người dân tranh thủ phơi cà phê

Ngoài ra, mưa thất thường nên nhiều nơi hoa cà phê nở sớm khiến tỷ lệ đậu trái thấp hơn so với mọi năm.

Chị Sương ở Thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng cho biết: “Nhà tôi may mắn hơn là chỉ có vài sào cà phê nên thu hoạch kịp thời, nhưng mưa kéo dài quá không kịp phơi, cà phê nảy mầm hết. Chưa nói đến việc bán cà phê tươi chủ vựa cũng không mua vì không kịp sấy. Coi như năm nay mất mùa, mất giá thôi.”


Chị Sương đang tranh thủ phơi cà phê ngày hửng nắng

Những ngày này, khắp các địa phương của tỉnh Đắk Nông, Đắc Lắk, Kon Tum, người trồng cà phê đã chuẩn bị mọi phương tiện để bước vào vụ thu hoạch mới. Tuy nhiên, đi đâu cũng gặp cảnh người dân than thở vì mưa chưa chịu dứt, nhiều diện tích cà phê chín rụng do gặp phải mưa trong khi cà phê hái về thì không có nắng để phơi.

Thời tiết thay đổi thất thường khiến trái cà phê nhanh chín phải đẩy nhạn tiến độ thu hoạch, chính vì thế mà giá nhân công thu hoạch cà phê dịp này cũng được đẩy lên cao. Nhiều gia đình có diện tích cà phê lớn cho biết họ “chật vật” để tìm số lượng lớn nhân công thu hoạch cà phê tranh thủ mỗi khi trời tạnh ráo.

Ông Nguyễn Văn Biển (thôn 3, xã Đăk Mar, H.Đăk Hà, Kon Tum) cho hay, năm nay, nhân công lao động hiếm nên gần hết tháng 11 mới hái được gần 1 ha cà phê. Thế nhưng khi cà phê hái xong đành chất vào kho chứ không phơi phong gì được. Đó cũng là tình cảnh chung của hàng trăm ngàn tấn cà phê của các hộ gia đình tại đây.


Cà phê đã chín đỏ cây nhưng chưa thu hái kịp

Đáng lo ngại hơn, theo anh Hoàng Ngọc Trí, chủ cơ sở cà phê Chậm ở TT.Đăk Hà, năm nay anh dự định sản xuất 500 kg cà phê chín 100% để bán trong dịp tết nên phải hái lựa cà phê để phơi trên giàn. Tuy nhiên khi cà phê hái quả chưa xong thì hoa đã bung trắng cành khắp vườn. Bà Vũ Thị Nga (TT.Đăk Hà) phân tích: Thông thường vào thời điểm tháng 12 không có mưa, nhưng năm nay lại mưa rào, kích thích cà phê ra hoa. Trong khi đó, theo kinh nghiệm 30 năm làm cà phê, khi cành còn quả mà đã ra hoa thì nhất định hoa sẽ rụng mà không đậu quả, ảnh hưởng năng suất và chất lượng cà phê mùa sau.

Một năm mới có được một mùa thu hoạch, nông dân trông chờ vào cả vụ mùa này nhưng năm nay thiên tai liên tục đến. Những năm trước thì giá cả xuống thê thảm, cà phê rụng đầy gốc chẳng buồn nhặt, năm nay người dân chưa kịp mừng vì giá lên cao thì thiên tai kéo đến. Thấy cà phê được mùa, được giá mà không thu hái được, quả thật là vị đắng chát cho vụ mùa…!