Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì Hội nghị

Năm 2016, giá trị sản xuất ngành Xây dựng tăng 10,4%

Theo Báo cáo của Bộ Xây dựng, trong năm 2016, công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ Xây dựng được đổi mới. Trong các chương trình, kế hoạch hành động, Bộ Xây dựng đã xác định rõ các chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể trên từng lĩnh vực của Ngành cho toàn nhiệm kỳ và từng năm; xác định rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức, cơ quan, đơn vị trong Ngành đối với từng nhiệm vụ cụ thể.

Năm 2016, giá trị sản xuất ngành Xây dựng theo giá hiện hành ước đạt khoảng 1.089,3 nghìn tỷ đồng, tăng 10,4% so với năm 2015 đạt 104% kế hoạch năm; tính theo giá so sánh năm 2010 đạt khoảng 862,5 nghìn tỷ đồng, tăng 10,1% so với năm 2015.

Theo giá so sánh năm 2010, giá trị tăng thêm của ngành Xây dựng năm 2016 đạt khoảng 189,2 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2015, chiếm tỷ trọng 6,19% GDP cả nước (năm 2015 chiếm 5,97% GDP).

Tỷ lệ đô thị hóa cả nước đạt khoảng 36,6%, tăng 0,9% so với năm 2015, đạt 99,5% kế hoạch năm; tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung xây dựng đô thị đạt 100%, quy hoạch phân khu đạt khoảng 75%, tăng 3% so với năm 2015, quy hoạch chi tiết đạt khoảng 35%, tăng 2% so với năm 2015, đều đạt kế hoạch năm; quy hoạch xây dựng nông thôn đạt 99%, tăng 1% so với năm 2015, thấp hơn kế hoạch đề ra là 100%.

Trong khi đó, tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt khoảng 83,5%, tăng 2,0% so với 2015, đạt 102% kế hoạch năm; tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải tại đô thị đạt khoảng 85%, tương đương với 2015, đạt kế hoạch năm; tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch giảm còn khoảng 23,5%, giảm 1,5% so với 2015, đạt 102% kế hoạch năm.

Báo cáo cũng cho biết, năm 2016, Bộ Xây dựng đã tập trung triển khai các chương trình phát triển nhà ở xã hội trọng điểm đạt nhiều kết quả tích cực, giúp cho hàng trăm ngàn hộ gia đình chính sách, người nghèo, người thu nhập thấp có điều kiện cải thiện chỗ ở. Tính đến hết tháng 12/2016, diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt khoảng 22,8 m2 sàn/người (tăng 0,8m2 sàn/người so với năm 2015); năm 2016, cả nước phát triển thêm khoảng 0,5 triệu m2 nhà ở xã hội khu vực đô thị, đưa tổng diện tích nhà ở xã hội khu vực đô thị đạt khoảng 3,3 triệu m2.
Trong năm 2016, thị trường bất động sản tiếp tục duy trì tăng trưởng ổn định, thể hiện qua các yếu tố: Giá cả ổn định; thanh khoản duy trì ở mức khá cả về số lượng và giá trị giao dịch.

Cơ cấu hàng hóa bất động sản ngày càng đa dạng, phong phú cả về chủng loại và phân khúc sản phẩm, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân và xã hội, hướng tới nhu cầu thực và khả năng thanh toán thực của thị trường.

Điều đáng mừng là tồn kho bất động sản giảm mạnh, tính đến 20/11/2016 đã giảm 75,23% so với quý I/2013; tín dụng trong lĩnh vực bất động sản tiếp tục tăng trưởng khá, tính đến 31/10/2016 đạt dư nợ 425.521 tỷ đồng tăng 8,33% so với cùng kỳ năm 2015.

Báo cáo cũng cho biết, tốc độ giải ngân gói tín dụng hỗ trợ nhà ở xã hội 30.000 tỷ đồng tăng mạnh, tính đến hết ngày 31/12/2016 đã giải ngân hết đối với 51 dự án và khoảng 56.000 hộ gia đình, cá nhân.

Thị trường bất động sản phải phát triển theo đúng nhu cầu của nền kinh tế

Phát biểu tại Hội nghị, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ghi nhận, biểu dương những cố gắng và chúc mừng những kết quả quan trọng mà ngành xây dựng đã nỗ lực đạt được trong năm vừa qua, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng thẳng thắn chỉ rõ những mặt còn tồn tại, hạn chế cần phải tập trung khắc phục trong thời gian tới.

Cụ thể, nhiều công trình không bảo đảm chất lượng khi hoàn thiện, sử dụng, an toàn cháy nổ, xuống cấp nhanh. Cùng với đó, tình trạng lãng phí, thất thoát đầu tư còn xảy ra ở một số công trình, thậm chí có nơi diễn ra rất nghiêm trọng.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng cho rằng vẫn còn tình trạng lúng túng trong quản lý đô thị, trong bộ máy quản lý đô thị.

“Hiện rất thiếu vai trò như một nhạc trưởng, một đốc công trong lĩnh vực quản lý đô thị”, Phó Thủ tướng nói.

Vì thế, Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu rà soát, bổ sung, cập nhật, lập mới các quy hoạch, cụ thể hóa các quy hoạch trên cơ sở tình hình thực tiễn, dự báo tương lai, cầu của thị trường; gắn với kế hoạch phát triển.

“Phải lập kế hoạch, xác định rõ nguồn lực đầu tư xây dựng theo quy hoạch. Đây là nhiệm vụ rất cần thiết để khắc phục tình trạng đầu tư tự phát, không theo quy hoạch”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu Bộ Xây dựng tập trung chỉ đạo, phối hợp với chính quyền các đô thị lớn để có giải pháp đồng bộ khắc phục ùn tắc giao thông.

Theo Phó Thủ tướng, cần tính toán một cách tổng thể hệ thống đô thị quốc gia, làm sao phối hợp các địa phương có sự phát triển tốt trong vùng, tạo ra những đô thị hấp dẫn hơn, tạo ra nhiều việc làm tại các đô thị đó, từ đó hạn chế dòng người di chuyển đến các đô thị trung tâm. Đối với Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, ngoài việc đầu tư nâng cấp hạ tầng, phải phát triển các khu đô thị vệ tinh, kết nối giao thông tốt, phù hợp với nhu cầu của người dân.

Trong năm 2017 và những năm tới đây, theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, nhiệm vụ hàng đầu đặt ra với Bộ Xây dựng là hoàn thiện thể chế, tiếp tục cụ thể hóa Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản. Bên cạnh đó, cần chuẩn bị kỹ dự thảo Luật Đô thị để báo cáo, xin ý kiến Chính phủ trước khi trình Quốc hội thông qua.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để rà soát lại tất cả quy hoạch xây dựng, gắn quy hoạch xây dựng với tái cấu trúc các ngành sản xuất, gắn với ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh yêu cầu, kiên trì các giải pháp kiểm soát thị trường bất động sản, luôn coi trọng việc cấu trúc lại thị trường với chiến lược nhà ở quốc gia, kế hoạch phát triển nhà ở các địa phương theo dài hạn, trung hạn.

“Thị trường bất động sản phải phát triển theo đúng nhu cầu của người dân, của nền kinh tế chứ không phải phát triển bất động sản với bất kỳ giá nào để tạo ra những sản phẩm không có người mua hoặc vượt quá xa khả năng thanh toán của người dân. Phải coi phát triển nhà ở xã hội là trọng tâm”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Bộ Xây dựng quản lý có hiệu quả lĩnh vực vật liệu xây dựng, tập trung phát triển vật liệu xây dựng mới; đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước./.