Vượt qua khó khăn

Năm 2016, tuy gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng Đảng bộ, chính quyền các cấp đã có nhiều cố gắng, tập trung, thống nhất trong chỉ đạo, điều hành, đổi mới phương pháp lãnh đạo, cùng với sự nỗ lực phấn đấu của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp nên kinh tế - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực.

Thành phố Lạng Sơn rực rỡ về đêm

Theo đó, năm 2016, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Tỉnh đạt 8,06% (mục tiêu đề ra 8%-9%), trong đó: nông lâm nghiệp tăng 3,36% (mục tiêu 3,5%-4%), công nghiệp - xây dựng tăng 14,77% (mục tiêu 9%-10%), dịch vụ tăng 7,86% (mục tiêu 9%-10%). Cơ cấu kinh tế: Nông lâm nghiệp chiếm 30,87%, công nghiệp - xây dựng 23,16%, dịch vụ 45,97%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 32,4 triệu đồng.

Năm 2016, sản xuất nông, lâm nghiệp đạt mức tăng trưởng khá, cơ cấu ngành nông nghiệp chuyển dịch rõ nét hơn. Sản lượng lương thực đạt 324,6 nghìn tấn, bằng 105,4% kế hoạch và tăng 3,4% cùng kỳ năm trước. Vùng trồng rau sạch được mở rộng gắn với bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong điều kiện khó khăn về vốn, trồng rừng mới vẫn đạt 10.586 ha, bằng 118% kế hoạch; trồng cây ăn quả 518,4 ha, bằng 148,1% kế hoạch.

Chương trình xây dựng nông thôn mới được tổ chức thực hiện khá toàn diện, trong đó tập trung cho 13 xã điểm phấn đấu đạt chuẩn và 5 xã đặc biệt khó khăn. Hết năm 2016 bình quân toàn Tỉnh đạt 8,5 tiêu chí/xã (tăng 1,1 tiêu chí/xã so với năm 2015), hoàn thành 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đưa tổng số xã đạt chuẩn lên 24 xã, chiếm 11,6%).

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn ước 3.700 triệu USD, đạt kế hoạch, giảm 9,8% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, xuất khẩu 1.950 triệu USD, đạt 116,1% kế hoạch, tăng 19,4%; nhập khẩu 1.750 triệu USD, đạt 86,6% kế hoạch, giảm 29% do một số mặt hàng nhập khẩu chủ lực, như: Ô tô tải, ô tô đầu kéo, sơ mi rơ moóc… giảm mạnh, phía Trung Quốc kiểm soát và hạn chế hàng hoá xuất khẩu qua các cửa khẩu, lối mở.

Sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 4.310 tỷ đồng, tăng 7,4% so với cùng kỳ. Các cơ sở công nghiệp tiếp tục sản xuất, kinh doanh ổn định.

Hoạt động du lịch có chuyển biến tích cực. Đã hoàn thành Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mẫu Sơn đến năm 2030, quyết định chủ trương đầu tư dự án Khu vui chơi giải trí và du lịch sinh thái núi tuyết Mẫu Sơn. Năm 2016 đã thu hút được 2,51 triệu lượt khách du lịch, tăng 6,8%, trong đó có 361 nghìn lượt khách quốc tế, 2,15 triệu lượt khách trong nước. Doanh thu du lịch, dịch vụ đạt 860 tỷ đồng, tăng 3%.

Chương trình khởi nghiệp quốc gia, công tác phát triển doanh nghiệp, hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp đã có những việc làm cụ thể, tích cực hơn. Trong năm 2016, thành lập mới trên 380 doanh nghiệp (tăng 6,6% so với năm 2015), tổng vốn đăng ký trên 2.414 tỷ đồng. Toàn Tỉnh hiện có khoảng 2.300 doanh nghiệp, giải quyết việc làm trên 40 nghìn lao động với mức thu nhập 4,5-5 triệu đồng/tháng/người, nộp ngân sách nhà nước 550 tỷ đồng.

Năm 2017, Lạng Sơn phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 8%-9%

Với mục tiêu phát triển kinh tế với tốc độ tăng trưởng cao và bền vững. Tập trung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn trở thành vùng động lực phát triển; đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; tăng cường phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trọng tâm là hạ tầng giao thông… Để đạt được các mục tiêu này, năm 2017, Lạng Sơn sẽ thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Một là, đẩy mạnh huy động, thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Tranh thủ nguồn vốn từ ngân sách Trung ương, vốn ODA, FDI và huy động vốn từ các thành phần kinh tế, triển khai thực hiện các dự án theo hình thức đối tác công - tư (PPP)... để tập trung đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Tập trung vốn ngân sách để thanh toán nợ xây dựng cơ bản, các dự án chuyển tiếp, dự án trọng điểm có sức lan tỏa lớn, tạo thuận lợi cho thu hút đầu tư và thúc đẩy phát triển của tỉnh, vùng và liên vùng, hạn chế tối đa khởi công mới các dự án, chỉ bố trí vốn khởi công mới cho các dự án thật sự cấp bách.

Triển khai đồng bộ các giải pháp để huy động các nguồn lực xã hội, trọng tâm là khu vực doanh nghiệp để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội với sự tham gia tích cực của hệ thống ngân hàng. Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch. Tăng cường tiếp xúc, làm việc với các nhà đầu tư chiến lược trong nước và nước ngoài để xúc tiến triển khai một số dự án có quy mô lớn, có sức lan toả, tạo động lực cho đầu tư phát triển.

Hai là, tạo môi trường thuận lợi và động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Rà soát, hoàn thiện, bổ sung các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp về: Đào tạo nguồn nhân lực, ưu đãi về thuế, đất đai... theo từng dự án, từng vùng sản xuất tập trung cụ thể. Thực hiện có hiệu quả chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Tạo môi trường thuận lợi, thường xuyên gặp gỡ, trao đổi với doanh nghiệp để hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, tham gia xuất nhập khẩu qua địa bàn.

Đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống, trọng tâm là sản xuất nông nghiệp để tạo ra sản phẩm chủ lực có sức cạnh tranh. Đổi mới cơ chế đặt hàng, nghiệm thu đề tài, dự án khoa học và công nghệ, bảo đảm tính thực tiễn và gắn kết với sản xuất và đời sống. Tham khảo, thử nghiệm các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ hiệu quả để áp dụng vào sản xuất.

Ba là, phát triển nguồn nhân lực theo hướng đáp ứng tốt nhu cầu về lao động trong các ngành nghề, kết hợp hài hòa giữa đào tạo với giải quyết việc làm cho người lao động; thực hiện có hiệu quả chính sách thu hút đội ngũ chuyên gia, lao động có trình độ cao. Coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch và bố trí sử dụng cán bộ nhất là đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý, khoa học kỹ thuật công nghệ, đối ngoại, xúc tiến đầu tư... Phát hiện, bồi dưỡng tài năng trẻ có năng lực; đa dạng hóa các hình thức đào tạo, chú trọng công tác đào tạo nghề chuyên sâu; nâng cao chất lượng đào tạo, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với ngành, nghề chuyên môn được đào tạo.

Bốn là, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý điều hành của chính quyền các cấp. Đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính. Đề cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị; nâng cao trình độ, năng lực, tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tập trung xây dựng chính quyền điện tử; công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan hành chính; tạo chuyển biến rõ nét trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Triển khai thực hiện Đề án cải cách hành chính và cung ứng dịch vụ công, tinh giải biên chế, sắp xếp lại tổ chức bộ máy cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập; từng bước sắp xếp, giải thể, sáp nhập đối với các tổ chức hoạt động không hiệu quả, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ.../.