Những kết quả đạt được

Bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) là vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt, ảnh hưởng trực tiếp và thường xuyên đến sức khoẻ nhân dân, đến sự phát triển giống nòi. Trong những năm gần đây, công tác ATTP đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, đó là:

Thứ nhất, chúng ta đã hình thành được hệ thống pháp luật tương đối đồng bộ để phục vụ cho công tác quản lý ATTP (Luật An toàn thực phẩm năm 2010, Chỉ thị số 08-CT/TW, ngày 21/10/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề ATTP trong tình hình mới...).Nghị định số 38/2012/NĐ-CP, ngày 25/04/2012 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật ATTP, Nghị định số 178/2013/NĐ-CP, ngày 14/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm - ATTP. Đặc biệt, lần đầu tiên lĩnh vực ATTP có Nghị định xử phạt vi phạm hành chính riêng, đó là Nghị định số 91/2012 NĐ-CP, ngày 08/11/2012. Với Nghị định 91 mức phạt đã tăng lên rất nhiều, tương xứng với từng hành vi và số lượng hàng hóa vi phạm, thậm chí nếu mức phạt chưa đủ sức răn đe đối với hành vi vi phạm còn có thể phạt tới 7 lần giá trị hàng hóa vi phạm, rút giấy phép, công khai tên cơ sở vi phạm.

Thứ hai là hệ thống tổ chức quản lý ATTP bước đầu đã được hình thành từ Trung ương đến địa phương (trong ngành y tế có Cục ATTP, các Chi cục, phòng y tế huyện; trong ngành nông nghiệp có các cục chuyên ngành ở Trung ương, tuyến tỉnh có các chi cục; trong ngành công thương có các vụ, cục chuyên ngành và các sở chuyên ngành ở tuyến tỉnh). Hệ thống kiểm nghiệm bước đầu đi vào hoạt động đã đáp ứng được công tác quản lý với 1 Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia - là cơ quan trọng tài trong lĩnh vực kiểm nghiệm ATTP, 3 trung tâm kiểm nghiệm khu vực, 14 cơ quan kiểm tra nhà nước về thực phẩm nhập khẩu và phòng kiểm nghiệm thuộc 63 trung tâm y tế dự phòng các tỉnh/thành phố. Đến nay, 42/63 tỉnh/thành phố có phòng kiểm nghiệm được công nhận phù hợp ISO/IEC 17025.

Thứ ba, công tác thanh tra, kiểm tra được đẩy mạnh, giúp ngăn chặn, xử lý nhiều vụ vi phạm về ATTP góp phần làm cho thị trường thực phẩm an toàn hơn.

Công tác thanh, kiểm tra về ATTP hàng năm được thực hiện theo Kế hoạch của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về ATTP, trong đó tập trung nhiều vào dịp Tết Nguyên đán và Tháng hành động vì ATTP và Tết Trung thu. Trong giai đoạn 2011-2016, cả nước đã thành lập được 153.493 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành sự tham gia của các ngành chức năng: Y tế, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Công Thương, Công an, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo... tiến hành kiểm tra tại 3.350.035 cơ sở, phát hiện 678.755 cơ sở vi phạm.

Việc áp dụng các chế tài xử phạt đã được đẩy mạnh qua các năm, tỷ lệ cơ sở bị phạt tiền tăng từ 30,0% năm 2011 lên 67,1% trong năm 2016. Đặc biệt trong năm 2016, Bộ Y tế đã tiến hành thanh tra Công ty URC, Công ty Coca Cola và Công ty Minh Thái Lộc cung cấp phụ gia thực phẩm cho Công ty URC, đã xử phạt vi phạm hành chính 03 Công ty này gần 6,5 tỷ đồng. Kết quả xử phạt đã thể hiện tính răn đe cao đối với các cơ sở cố tình vi phạm các quy định về ATTP.

Cùng với việc xử phạt hành chính, các đoàn thanh kiểm tra đã kiên quyết xử lý tiêu hủy đối với sản phẩm không đảm bảo ATTP, cũng như thu hồi các loại giấy phép đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận. Hầu hết các trường hợp vi phạm đã được thông báo công khai, kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng theo đúng quy định.

Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, các đoàn đã tiến hành lấy mẫu kiểm nghiệm. Kết quả kiểm nghiệm đã góp phần tích cực giúp các địa phương đưa ra các biện pháp quản lý phù hợp, đồng thời cảnh báo mối nguy và triển khai việc thanh tra dựa trên nguy cơ đạt hiệu quả.

Ngoài việc thanh, kiểm tra theo kế hoạch, các bộ, ngành đã tiến hành nhiều đợt thanh, kiểm tra đột xuất theo chuyên ngành. Trong hai năm 2015, 2016, Bộ đã tổ chức 02 đợt cao điểm thanh, kiểm tra đấu tranh đẩy lùi đi đến chấm dứt việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, ngăn chặn, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt và thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.

Trong Tháng hành động vì ATTP năm 2016, Ban Chỉ đạo liên ngành Vệ sinh an toàn thực phẩm Trung ương đã thành lập 06 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành có sự phối hợp của các ngành chức năng: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Bộ Công an tiến hành thanh tra, kiểm tra tại 12 tỉnh, thành phố trọng điểm. Tại các địa phương đã thành lập 11.235 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành và chuyên ngành vệ sinh ATTP và hoạt động ở 03 cấp (tuyến tỉnh/thành phố, tuyến quận (huyện, thị xã) đến tuyến xã (phường, thị trấn).

Giai đoạn 2011-2016 cả nước thành lập 153.493 đoàn thanh tra liên ngành kiểm tra 3.350.035 cơ sở, phát hiện 678.755 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm

Thứ tư, công tác tuyên truyền giúp nâng cao nhận thức, thực hành về ATTP của các nhóm đối tượng. Hoạt động tuyên truyền, giáo dục trên các phương tiện thông tin đại chúng luôn được Bộ Y tế quan tâm và đẩy mạnh, đặc biệt tập trung vào dịp Tết Nguyên đán, Tháng hành động vì ATTP và Tết Trung thu.

Công tác tuyên truyền đã giúp nâng cao nhận thức, thực hành về ATTP của các nhóm đối tượng. Theo kết quả điều tra kiến thức hàng năm với cùng 1 đối tượng, năm 2015 so với năm 2012, kiến thức của người sản xuất tăng từ 76% lên 81,9%, kiến thức của người kinh doanh tăng từ 73% lên 84,6%; kiến thức của người tiêu dùng tăng từ 65,8% lên 82,5%.

Thứ năm, nhờ thực hiện tuân thủ về vệ sinh ATTP từ một nước chủ yếu nhập khẩu lương thực, thực phẩm, đến nay, nông sản, thực phẩm của chúng ta đã xuất khẩu đến gần 120 nước và vùng lãnh thổ. Nhiều thị trường khó tính, như: Mỹ, Nhật Bản, Canada, Hàn Quốc... đã sử dụng thực phẩm của Việt Nam với doanh số gần 40 tỷ USD, nhiều loại nông sản, như: gạo, chè, cà phê, hạt tiêu... của Việt Nam đã đứng vào hàng top đầu trong các nước xuất khẩu.

Thứ sáu, thị trường thực phẩm trong nước cũng được quan tâm nhiều hơn: nhiều vùng nguyên liệu an toàn, như: vùng rau sạch, chăn nuôi an toàn... đã được xây dựng. Nhiều nhà máy chế biến thực phẩm đã được thế giới chứng nhận về hệ thống ATTP.

Thứ bảy, công tác phối hợp liên ngành đã có nhiều cố gắng, 100% các địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP ở các cấp. Riêng Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về vệ sinh ATTP do 01 đồng chí Phó Thủ tướng làm Trưởng ban và đồng chí Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm Phó Trưởng ban. Đồng thời, giúp việc cho Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về vệ sinh ATTP còn có Tổ Công tác, định kỳ 3 tháng họp 1 lần, ngoài ra còn tổ chức rất nhiều cuộc họp đột xuất để giải quyết các sự cố về ATTP. Nhờ vậy, nhiều vụ việc về ATTP đã được giải quyết nhanh chóng.

Mặc dù đã có rất nhiều cố gắng, nhưng công tác đảm bảo ATTP, tuy nhiên nhìn thẳng vào thực tế vẫn còn tồn tại những vấn đề sau:

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã đầy đủ để quản lý ATTP, tuy nhiên, số lượng văn bản còn quá nhiều do 3 ngành: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương cùng ban hành văn bản quản lý đối với các sản phẩm thuộc lĩnh vực quản lý gây khó khăn cho địa phương trong triển khai thực hiện.

Một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đảm bảo chất lượng, ATTP chưa thực sự hiệu quả do thủ tục để được hưởng chính sách hỗ trợ còn khó khăn, phức tạp.

Bên cạnh đó, ở nhiều địa phương mặc dù tổ chức thanh, kiểm tra nhiều nhưng tỷ lệ xử lý thấp, kỷ luật không nghiêm, vẫn còn có sự đùn đẩy trách nhiệm giữa các ngành có liên quan.

Cấp Bộ chỉ đạo giải pháp, nhưng địa phương không có nguồn lực tương thích để thực hiện có hiệu quả, đồng bộ các giải pháp.

Việc thực thi pháp luật ở nhiều địa phương còn hình thức, chưa công khai và xử lư nghiêm các vụ việc vi phạm, cũng như chưa tạo được động lực khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn. Lực lượng cán bộ quản lý nhà nước về ATTP còn thiếu về số lượng và hạn chế về chuyên môn, đặc biệt các cán bộ tuyến cơ sở không có chuyên môn sâu về ATTP dẫn đến việc hiểu và áp dụng văn bản không đúng.

Công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước về ATTP, nhất là tuyến cơ sở còn hạn chế và không có sự phối hợp trao đổi thông tin ảnh hưởng đến doanh nghiệp.

Đồng thời, công tác vận động, tuyên truyền, giáo dục về ATTP chưa thường xuyên, kết quả còn hạn chế; còn tình trạng nội dung thông tin không chính xác hoặc chưa được kiểm chứng, thiếu căn cứ khoa học, gây ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh và niềm tin của nhân dân đối với công tác quản lý ATTP.

Một số nhóm giải pháp

Việc toàn xã hội quan tâm đến ATTP vừa là cơ hội, vừa là thách thức với cơ quan quản lý, do đó để tăng cường công tác đảm bảo ATTP, trong thời gian tới, Cục An toàn thực phẩm sẽ triển khai đồng bộ ba nhóm giải pháp sau:

Một là, nhóm giải pháp về thể chế, chính sách

Cần rà soát, đề xuất các cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, phát triển sản xuất theo hướng sản xuất quy mô lớn, đảm bảo ATTP gắn với thị trường tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu phù hợp với đặc thù của địa phương. Bên cạnh đó, tăng cường quản lý ATTP của chính quyền, đặc biệt tuyến cơ sở, xã phường.

Hai là, nhóm giải pháp về tổ chức thực hiện

Kiện toàn Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Chi cục quản lý chất lượng Nông, Lâm sản và Thủy sản tại các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương về nhân lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất đủ khả năng đảm nhận quản lý ATTP tại các địa phương; triển khai đồng bộ thanh tra chuyên ngành ATTP tại xã, phường. Cần thành lập bộ máy của ngành công thương chuyên trách về ATTP tại các tuyến.

Bên cạnh đó, củng cố, kiện toàn các cơ quan kiểm tra nhà nước về ATTP. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện kết nối một cửa Quốc gia đối với kiểm tra thực phẩm nhập khẩu. Áp dụng phương pháp quản lý rủi ro, công nhận thừa nhận lẫn nhau với các cơ quan nước ngoài để giảm thiểu việc kiểm tra tại cửa khẩu.

Đẩy mạnh công tác thông tin giáo dục truyền thông, đặc biệt là truyền thông thay đổi hành vi. Bên cạnh việc phê phán những tồn tại, yếu kém cần dành thời lượng thích hợp để biểu dương các điển hình tiên tiến nhằm phản ánh đúng bức tranh về ATTP ở Việt Nam.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt tăng cường xử phạt vi phạm ở tuyến cơ sở, công khai tên, địa chỉ, sản phẩm, cơ sở vi phạm để tăng tính răn đe.

Thời gian tới, cần tăng cường công tác kiểm tra, xử phạt ở tuyến cơ sở, đồng thời, công khai tên, địa chỉ, sản phẩm, cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm để tăng tính răn đe

Tăng cường trách nhiệm của UBND các cấp theo quy định của Luật ATTP, Chỉ thị số 13/CT-TTg trong việc đảm bảo ATTP trên địa bàn, đặc biệt là việc kiểm soát ATTP thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể. Giám sát chặt chẽ việc kinh doanh và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng. Tăng cường kiểm soát thực phẩm nhập lậu, đặc biệt là các tỉnh có biên giới.

Hỗ trợ về kỹ thuật, kinh phí cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm áp dụng các mô hình quản lý ATTP tiên tiến, như: GMP, HACCP...

Tiếp tục đầu tư về hạ tầng, trang thiết bị cho các Labo của Trung ương đủ năng lực đóng vai trò là labo kiểm chứng về ATTP. Đầu tư kinh phí nâng cấp một số phòng thí nghiệm để đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, nâng cao năng lực các phòng thí nghiệm phân tích hiện có. Nâng cao tỷ lệ số phòng kiểm nghiệm đạt chuẩn ISO 17025 và GLP. Tăng khả năng kiểm nghiệm các chỉ tiêu.

Ba là, nhóm giải pháp về nguồn lực

Tăng cường biên chế cho đội ngũ chuyên trách ATTP của các tuyến, đủ khả năng quản lý và điều hành các hoạt động đảm bảo ATTP trên phạm vi toàn quốc.

Đẩy mạnh công tác đào tạo tại các trường đại học, các viện nghiên cứu có mã ngành đào tạo hệ cao đẳng, đại học. Tổ chức đào tạo lại cán bộ quản lý, thanh tra, kiểm nghiệm ATTP tại các tuyến; từng bước tăng tỷ lệ cán bộ có trình độ đại học, trên đại học. Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động kiểm nghiệm, tư vấn, chứng nhận về ATTP.

Đảm bảo cấp đủ ngân sách nhà nước cho hoạt động quản lý nhà nước về ATTP, chú trọng đầu tư cho công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật về ATTP, trang thiết bị kiểm nghiệm, xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về ATTP, tuyên truyền phổ biến kiến thức và pháp luật về ATTP,…

Tăng cường hợp tác quốc tế, tích cực vận động sự hỗ trợ của các nước, các tổ chức Liên Hợp quốc và các tổ chức quốc tế hỗ trợ cho công tác đảm bảo ATTP./.

Tài liệu tham khảo

Ban Bí thư (2011). Chỉ thị số 08-CT/TW, ngày 21/10/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới

Quốc hội (2009). Nghị quyết số 34/2009/NQ-QH12, ngày 19/06/2009 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng, ATTP

3. Chính phủ (2012). Nghị định số 38/2012/NĐ-CP, ngày 25/04/2012 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật ATTP

Chính phủ (2013). Nghị định Nghị định số 178/2013/NĐ-CP, ngày 14/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm

Theo Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế

Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 02+03