Mục tiêu của Hội nghị là nhằm tìm giải pháp để phát triển ngành nuôi, chế biến tôm thành ngành kinh tế nông nghiệp trọng điểm, thích ứng với biến đổi khí hậu trong thời gian tới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị

Đối với ngành hàng tôm Việt Nam, tôm nước lợ là đối tượng nuôi trồng thủy sản chủ lực, với kim ngạch xuất khẩu dẫn đầu toàn ngành thủy sản, chiếm tỷ lệ khoảng 45% tổng giá trị kim ngạch. Tôm nước lợ đang được nuôi tại 30 tỉnh thành và trở thành sản phẩm hàng hóa lớn ở nước ta gồm 02 loài: tôm sú và tôm thẻ chân trắng.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, cho rằng: cả nước có 28 tỉnh duyên hải, với bờ biển dài 3.260 km, hàng ngàn con sông lớn nhỏ đổ ra biển, tạo ra những dư địa cho phát triển con tôm.

Chính điều kiện thiên nhiên ưu đãi đó đã cho chúng ta con tôm đặc sản là tôm sú, một trong rất ít quốc gia có đối tượng tôm nuôi này. Cùng với đó là trong 02 năm gần đây nước ta nhập khẩu con tôm thẻ, đã trở thành một trong những con nuôi bản địa, cùng với con tôm càng xanh, tất cả cho thấy dư địa phát triển con tôm rất lớn.

Năm 2013, lần đầu tiên sản lượng và giá trị xuất khẩu tôm thẻ chân trắng đã vượt con tôm sú. Đến năm 2016, cả nước có tổng diện tích thả nuôi tôm trên 694.600 ha; trong đó, diện tích thả nuôi tôm sú trên 600.399 ha, còn lại là tôm thẻ chân trắng. Tổng sản lượng thu hoạch đạt trên 657.200 tấn. Trong đó, tôm sú 263.853 tấn, tôm thẻ chân trắng 393.429 tấn. Đến nay, tôm Việt Nam đã xuất khẩu sang 90 thị trường, kim ngạch đạt trên 3,1 tỷ USD, tăng 6,7% so với năm 2015. Trong đó, tôm chân trắng chiếm trên 62%, tôm sú chiếm gần 29,5%, tôm biển khác chiếm 8,3%.

Bên cạnh hoạt động nuôi tôm thương phẩm, các ngành công nghiệp phụ trợ cũng có bước phát triển mạnh. Cả nước có 2.422 cơ sở sản xuất tôm giống nước lợ, sản xuất được hơn 100 tỷ con tôm giống; trên 350 cơ sở chuyên và không chuyên chế biến tôm với công suất trên 1,4 triệu tấn sản phẩm/năm, vượt so với nhu cầu nguyên liệu trong nước.

Mặc dù ngành hàng tôm Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại và đang đứng trước nhiều thách thức về tôm giống, giá thành sản xuất, vùng nuôi, dịch bệnh, công nghệ, cạnh tranh thương mại, ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu…

Tới đây do tác động của biến đổi khí hậu, ở Đồng bằng sông Cửu Long nước mặn có thể xâm nhập sâu và mặn hơn nữa, đây sẽ là thách thức nhưng cũng là lợi thế tạo nên chỗ đứng cho chính loài thủy sản. Trong đó, có con tôm nước lợ. Về thị trường, có thể khẳng định chưa có giới hạn cho đầu ra đối với con tôm. Bên cạnh đó, đến nay chưa có con gì nuôi lại có tốc độ sinh khối, giá trị thu nhập cao như con tôm.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị

Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, ngành tôm được khẳng định cả về mặt quản lý và khoa học có thể phát triển thành ngành mũi nhọn của đất nước. Việt Nam có đủ điều kiện và lợi thế để phát triển ngành tôm. Mục tiêu đặt ra là chậm nhất đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu ngành tôm đạt 10 tỷ USD. Ngành tôm Việt Nam phấn đấu đạt khoảng 10% GDP cả nước.

Về tầm nhìn đối với ngành tôm, Thủ tướng cho rằng, Việt Nam, trước hết là Đồng bằng sông Cửu Long là thủ phủ của ngành công nghiệp nuôi trồng và chế biến tôm chất lượng cao trên toàn thế giới. Từ đây, chúng ta sẽ chứng kiến những thương hiệu toàn cầu về tôm, đưa Việt Nam đi tắt trên con đường xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, giá trị gia tăng cao, trở thành điểm sáng của thế giới về ứng dụng các công nghệ tiên tiến liên quan đến sản phẩm tôm như sản xuất con giống, nguồn thức ăn, công nghệ sinh học và tự động hóa trong nuôi trồng, chế biến tôm. Việt Nam phấn đấu trở thành một công xưởng sản xuất tôm của thế giới.

Định hướng cho ngành tôm thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ, cần khảo sát để quy hoạch những vùng phù hợp để phát triển nuôi tôm, không để tình trạng tự phát. Công tác quy hoạch phải đi liền với nhiệm vụ bảo tồn các điều kiện tự nhiên nhằm bảo vệ sinh thái cho tôm và các loài sinh vật có giá trị kinh tế khác. Quy hoạch tôm để phát triển chứ không phải để kìm hãm phát triển.

Khẳng định “nuôi tôm chính là nuôi nước”, Thủ tướng yêu cầu các tỉnh, thành phố trong cả nước cần mạnh dạn áp dụng, đưa tiến bộ khoa học, công nghệ vào xử lý nguồn nước cấp, nước nuôi và nước thải.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải nhanh chóng tìm được câu trả lời về giống và thức ăn cho tôm ở đâu để cung cấp, đáp ứng đầy đủ.

Thủ tướng đề nghị các nhà chuyên môn phải chỉ ra được từng địa phương phù hợp với loại tôm nào, tiêu chuẩn, chất lượng ra sao, thị trường tiêu thụ từng loại. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các viện nghiên cứu cần tham vấn chặt chẽ cho người dân về vấn đề này. Xây dựng thương hiệu sản phẩm tôm dựa trên đặc thù, lợi thế tự nhiên của địa phương.

Các cơ quan nhà nước cần chú trọng hỗ trợ cung cấp thông tin cho người dân và doanh nghiệp về tình hình cung, cầu, giá cả thị trường để người dân, doanh nghiệp cân đối kế hoạch nuôi tôm hợp lý, tránh chạy theo thông tin truyền miệng, không chính thống. Cần chú trọng đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh tập trung hay phụ thuộc quá lớn vào một thị trường dẫn đến rủi ro khi thị trường đó gặp khó khăn hay biến động.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh của con tôm Việt Nam, đòi hỏi phải cải thiện được năng suất trên cơ sở giảm được chi phí trung gian. Muốn vậy cần phải liên kết phát triển giữa các doanh nghiệp, các nhà chế biến, cung ứng…

Về các vụ kiện bán phá giá, Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải đồng hành, có trách nhiệm và sự sẵn sàng cao nhất nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của các DN Việt Nam chân chính.

“Khi cần thiết, chúng ta không ngần ngại sử dụng các tham vấn pháp lý tốt nhất, những chuyên gia, luật sư giỏi nhất trong và ngoài nước để bảo vệ quyền lợi chính đáng của chúng ta”, Thủ tướng khẳng định.

Nhân dịp này, Thủ tướng nhắc nhở khâu trung gian: Làm gì cũng phải nghĩ sâu xa, vì cái chung, không được có tư tưởng tham bát bỏ mâm. Chính phủ tuyên chiến với các hành vi bơm tạp chất vào tôm cũng như các vi phạm làm ảnh hưởng đến uy tín của tôm Việt Nam ở mọi khâu.

Nhắc lại câu nói “muốn đi nhanh thì đi một mình nhưng muốn đi xa thì đi cùng nhau”, Thủ tướng mong muốn các nhà sản xuất trong ngành phải đoàn kết, hỗ trợ, giúp đỡ nhau, “đừng vì phát triển mà phá nhau không lành mạnh”.

Giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong quý I trình Thủ tướng phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về con tôm để phát triển bền vững, hình thành một ngành công nghiệp sản xuất tôm Việt Nam.

Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa tôm nước lợ vào danh mục sản phẩm chủ lực quốc gia, xây dựng chương trình khoa học công nghệ tập trung cho phát triển ngành tôm Việt Nam. Xây dựng cơ chế, chính sách huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp và các tổ chức khác tham gia vào phát triển ngành tôm.

Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức triển khai chính sách về bảo hiểm nông nghiệp, tiếp tục thực hiện việc bảo hiểm đối với sản xuất thủy sản.

Bổ sung “tôm giống” vào danh mục hàng hóa phải được đăng ký niêm yết giá, kê khai giá hoặc phải được kiểm tra yếu tố hình thành giá (theo Nghị định 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá).

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu, chỉ đạo các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng có cơ chế vay vốn ưu đãi cho các doanh nghiệp, hộ nuôi tôm, trong đó lưu ý về cơ chế bảo đảm tiền vay không cần thế chấp hoặc thế chấp bằng tài sản là ao, đầm nuôi và tôm nuôi.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp với các địa phương tổ chức rà soát và có kế hoạch bố trí nguồn lực, đầu tư hạ tầng để bảo đảm cung cấp đủ điện cho các vùng nuôi tôm.

Bộ Công Thương, Bộ Công an phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm soát lưu thông con giống, vật tư hóa chất, thuốc thú y, ngăn chặn nạn bơm chích tạp chất... trong ngành sản xuất tôm. Đặc biệt, trước mắt triển khai có kết quả Đề án kiểm soát, ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu đối với 4 tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang./.