Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1956/QĐ-TTg, ngày 27/11/2009. Qua 7 năm thực hiện đã đạt được kết quả nhất định, tuy nhiên đối với yêu cầu về tái cơ cấu ngành nông nghiệp và hội nhập kinh tế quốc tế, đòi hỏi công tác đào tạo nghề nghiệp cho lao động nông thôn phải đổi mới và sát với thực tiễn.

Theo Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giai đoạn 2011-2015 số người được đào tạo nghề nông nghiệp là 1.148.917 người, đạt 75% so với kế hoạch đề ra. Tính riêng năm 2016, số lao động được học nghề nông nghiệp trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng là: 126.189/161.055 lao động (đạt 78,3% so với kế hoạch đề ra).

Sau học nghề có 872.696 người, chiếm 83,69% có việc làm mới hoặc nâng cao hiệu quả của việc làm cũ, trong đó có, 29.236 lao động được tổ chức, doanh nghiệp tuyển dụng vào làm việc; có 26.753 lao động sau khi học xong, tổ chức sản xuất được các hợp tác xã, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm; 9.244 người sau khi học xong đã thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp. Đồng thời, đã xuất hiện ngày càng nhiều những mô hình sản xuất có hiệu quả tốt do được nâng cao trình độ sau đào tạo nghề.

Năm 2016, số lao động học nghề nông nghiệp trình độ sơ cấp dưới 3 tháng là 126.189/161.055 lao động đạt 78,3% so với kế hoạch

Nội dung đào tạo nghề tập trung vào đào tạo nông dân nòng cốt để thực hiện các dự án trong chương trình xây dựng nông thôn mới, nông dân làm dịch vụ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp như: thú y viên; dẫn tinh viên; phòng trừ dịch bệnh cây trồng, vật nuôi; dịch vụ thủy nông; thuyền trưởng, máy trưởng… đào tạo cho nông dân ở các vùng khó khăn, vùng nghèo về kỹ thuật sản xuất các loại cây trồng vật nuôi để nâng cao thu nhập, đảm bảo an sinh xã hội.

Các cơ sở đào tạo nghề được đầu tư nâng cấp, bước đầu đáp ứng được yêu cầu của chương trình đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động ở nông thôn. Bên cạnh đó, hệ thống Khuyến nông đã bắt đầu tham gia vào chương trình đào tạo nghề nông nghiệp nên các cơ sở đào tạo nghề đảm bảo các quy định được mở rộng từ Trung ương đến địa phương.

Ngoài ra, công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề và kiểm tra, giám sát đã được quan tâm thực hiện nên đã góp phần nâng cao được số lượng, chất lượng đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn.

Mặc dù đạt được một số kết quả đáng khích lệ, nhưng theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công tác đào tạo nghề lao động nông thôn còn có một số hạn chế. Đó là, phương pháp đào tạo chủ yếu là đào tạo tập trung ở trên lớp, do đó nhiều nông dân không có điều kiện để tham gia với thời gian 3 tháng.

Bên cạnh đó, một số nội dung đào tạo theo yêu cầu của sản xuất nông nghiệp hiện nay như: Sản xuất công nghệ cao, vệ sinh an toàn thực phẩm, sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu không có trong chương trình đào tạo. Nguồn kinh phí dựa chủ yếu vào ngân sách của Trung ương hỗ trợ, kinh phí hàng năm bố trí hạn chế nên các mục tiêu về số lượng đặt ra đạt thấp (75%).

Ngoài ra, việc phân công và cơ chế phối hợp chưa phù hợp nên vai trò của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đối với đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn chưa được phát huy. Các bộ, ngành, tổ chức đoàn thể chính trị xã hội chưa có sự phối hợp gắn kết trong công tác tuyên truyền, định hướng thị trường, việc kiểm tra, giám sát thực hiện chương trình nên ảnh hưởng đến kết quả của chương trình đào tạo.

Để công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn đạt hiệu quả, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian tới cần đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn học nghề nông nghiệp và việc làm cho lao động nông thôn. Đồng thời, đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động làm trong các doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc nông dân có liên kết sản xuất với doanh nghiệp thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và ủy ban nhân dân các tỉnh, các địa phương bố trí kinh phí đủ để thực hiện số lượng lao động được đào tạo hàng năm theo kế hoạch được phê duyệt. Ngoài ra, cần đẩy mạnh sự phối hợp kiểm tra, giám sát của các cấp chính quyền và các tổ chức, chính trị, xã hội nhằm giúp cho công tác đào tạo nghề được thực hiện có hiệu quả./.