Đây là một trong các yêu cầu đưa ra tại diễn đàn Du lịch miền Trung – Tây nguyên với chủ đề “Du lịch miền Trung – Tây nguyên hướng tới đẳng cấp thương hiệu” được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa phối hợp với tỉnh Quảng Nam tại TP. Tam Kỳ (Quảng Nam) vào 10//06.

Còn phân tán, manh mún, mạnh ai nấy làm

Khu vực Miền Trung – Tây Nguyên là dải đất có nhiều di sản, lợi thế lớn về du lịch biển đảo và giàu tiềm năng phát triển du lịch chất lượng cao.

Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên: Miền Trung - Tây Nguyên là địa bàn quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Những năm gần đây, du lịch của một số địa phương trong khu vực đã có sự chuyển mình đáng khích lệ, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế và tái cơ cấu kinh tế địa phương. Trong đó có nhiều điểm sáng như Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Nam, Đà Nẵng, Khánh Hòa… Tuy nhiên, ngành du lịch chưa thực sự phát triển tương xứng với tiềm năng, kỳ vọng. Chưa tạo dựng được những thương hiệu đẳng cấp quốc tế, để nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Đồng quan điểm trên, ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam thừa nhận, nhận thức của người dân trong việc phát triển du lịch còn chưa cao, khiến công tác phát triển du lịch của địa phương gặp khó khăn, gây ảnh hưởng nỗ lực đến nhà đầu tư. Mong muốn qua diễn đàn, tỉnh Quảng Nam và các địa phương khác sẽ định hướng hội nhập, đầu tư, chính sát đột phá trong phát triển du lịch miền Trung Tây Nguyên, cũng như quản lý điểm đến và môi trường kinh doanh du lịch, tạo dựng hình ảnh điểm đến du lịch gần gũi, thân thiện và hiệu quả.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn

Cụ thể, PGS.TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đánh giá, tiềm năng du lịch miền Trung - Tây nguyên vẫn còn lớn nhưng chưa được tận dụng tốt, nhiều cơ sở cho sự phát triển bền vững, định hướng đẳng cấp cao đã và đang bị xói lở như: rừng ở Tây Nguyên bị huỷ hoại, bờ biển miền Trung bị xói lở, di sản văn hóa hư hại, bản sắc văn hoá địa phương bị xói mòn...

Bởi lẽ, mô hình kinh tế ở đây hướng tới khai thác cạn kiệt tài nguyên và các nguồn lực sẵn có; thi hành chiến lược Công nghiệp hóa theo hướng không định hướng công nghệ cao, chỉ tập trung phát triển các ngành công nghiệp "cổ điển", bỏ qua nguyên tắc lợi thế, bỏ rơi nông nghiệp và du lịch - dịch vụ.

Chưa kể, cách phát triển du lịch Việt Nam là thiếu định hướng chiến lược hướng tới đẳng cấp cao một cách rõ rệt. Duy trì mô thức phát triển du lịch định hướng "sản lượng khách" quá lâu, kéo theo nhiều hệ lụy.

Bên cạnh đó, chưa nhận thức đầy đủ thế mạnh của du lịch Việt Nam như một tổng thể liên kết thương hiệu để định vị Việt Nam như một địa chỉ du lịch khác biệt và đẳng cấp.

Hiện tại, du lịch đang phát triển theo lối truyền thống "mạnh ai nấy làm", cạnh tranh "gà nhà", "ăn xổi" và "cùng xuống đáy". Phân tán, manh mún, địa phương chủ nghĩa nên tranh chấp lợi ích, kiềm chế nhau ở tất cả các cấp độ.

TS. Nguyễn Thu Hạnh, Chủ tịch Liên hiệp Khoa học phát triển Du lịch bền vững bổ sung thêm, liên kết ngành, liên kết các địa phương trong phát triển du lịch đến hiện nay vẫn là khâu yếu nhất trong phát triển du lịch của Việt Nam. Vì vậy, ngành du lịch Việt Nam chưa thực sự cạnh tranh được với một số quốc gia. Do đó, trong tương lai, cần tổ chức thêm nhiều cuộc hội thảo mời các địa phương tham gia và phải có bàn tay cao nhất của lãnh đạo trung ương thì mới có thể liên kết được các địa phương lại với nhau.

Hướng du lịch đến đẳng cấp thương hiệu

Để giải quyết những yêu cầu đặt ra cho ngành du lịch trong thời kỳ mới, diễn đàn đã thảo luận về yêu cầu phát triển du lịch miền Trung - Tây Nguyên trong thời kỳ mới; những chính sách đột phá trong phát triển du lịch; quản lý điểm đến và môi trường kinh doanh du lịch, tạo dựng hình ảnh điểm đến chất lượng, an toàn, thân thiện; những rào cản đối với doanh nghiệp trong phát triển du lịch; vai trò động lực tạo đẳng cấp của cộng đồng doanh nghiệp…

Theo TS. Trần Du lịch, Trưởng Nhóm Tư vấn Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung cho rằng, để phát triển thành kinh tế mũi nhọn, chính liên kết miền Trung Tây Nguyên, dĩ nhiên miền Trung dài, Tây Nguyên rộng lớn, chúng ta khoanh lại và tạo nên các tour nối kết được giữa các cơ sở lưu trú với lữ hành và tạo thành một chương trình quốc gia cho nối kết vùng. Tôi xin nói lại đây là ngành khai thác nhiều nhất tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm, thứ hai là xuất khẩu tại chỗ mà không cần vận tải nhiều. Đây là nguồn rất lớn chúng ta cần khai thác, ông Trần Du lịch nhấn mạnh.

Du lịch miền Trung - Tây Nguyên chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, kỳ vọng

Tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo: để đẩy mạnh phát triển du lịch theo hướng nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị trên cùng một sản phẩm, chúng ta phải cùng nhau “xắn tay áo lên để cùng làm” bằng những hành động cụ thể, để du lịch trở thành mũi nhọn thực sự.

Việc kết nối trong khu vực cần đi vào chiều sâu thật sự, chứ không phải chỉ là hình thức. Bởi miền Trung - Tây nguyên là khu vực có nhiều nét văn hóa, tự nhiên độc đáo, đa dạng, chính vì vậy mỗi địa phương cần tận dụng lợi thế, nét độc đáo về tự nhiên, văn hóa để tạo ra những sản phẩm du lịch mang màu sắc riêng biệt, thu hút du khách. Chính vì thế, muốn du lịch sớm trở thành mũi nhọn thì mình phải kết nối thực sự, không bắt chước và phải tìm những nét độc đáo của mình, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu, các địa phương cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch, có thái độ phục vụ chuyên nghiệp; phát huy vai trò của Hiệp hội Du lịch Việt Nam trong liên kết, huy động doanh nghiệp cùng tham gia đào tạo nhân lực cấp cao cho du lịch./.