Ngày 23/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác Chính phủ đã có cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt TP. Hồ Chí Minh về tình hình kinh tế-xã hội địa phương.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc

Nhiều đề xuất từ UBND TP. Hồ Chí Minh

Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2017, kinh tế thành phố tiếp tục tăng trưởng, cao hơn so cùng kỳ. Công tác quản lý đô thị có chuyển biến tích cực, chỉ đạo quyết liệt công tác quản lý trật tự đô thị, lòng đường, vỉa hè trên địa bàn đạt được kết quả bước đầu, tạo được sự đồng thuận của nhân dân.

Nhiều công trình hạ tầng được khởi công, hoàn thành đưa vào sử dụng nhằm phát triển kết cấu hạ tầng, giảm ùn tắc giao thông, giảm ngập nước; nhân dân thành phố sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng tăng 2,6% so cùng kỳ. Thành phố tiếp tục nâng cao chất lượng cung cấp nước sạch cho nhân dân, bảo vệ môi trường và thực hiện các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu.

Các nguồn lực xã hội được huy động hiệu quả nhằm thực hiện tốt công tác chăm lo cho các đối tượng chính sách có công, hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội. Cải cách hành chính, cơ chế một cửa, một cửa liên thông được triển khai hiệu quả, góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch, giảm thời gian, tiết kiệm chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Các hoạt động đối ngoại được triển khai hiệu quả, toàn diện, gắn kết đầu tư, mở rộng hội nhập với khu vực và thế giới.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Chủ tịch Lê Thanh Liêm cũng cho biết, TP. Hồ Chí Minh vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần phải tập trung khắc phục trong thời gian tới, như: Môi trường kinh doanh, sức cạnh tranh của nền kinh tế tuy có cải thiện nhưng chưa đạt yêu cầu; phát triển thị trường gặp nhiều khó khăn; tăng trưởng chủ yếu dựa vào đóng góp của yếu tố vốn và lao động; phát triển công nghiệp hỗ trợ còn chậm; tiềm năng du lịch chưa được phát huy; việc đổi mới khoa học công nghệ trong quản lý, sản xuất còn hạn chế…

Thay mặt lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Lê Thanh Liêm kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét giải quyết một số nội dung.

Cụ thể, Thành phố kiến nghị bổ sung vốn ODA cấp phát từ ngân sách Trung ương cho 2 dự án trọng điểm của thành phố giai đoạn 2017-2020 là dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên và dự án cải thiện môi trường nước thành phố, lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ nhằm đảm bảo tiến độ thực hiện đúng theo các Hiệp định đã cam kết, tránh phát sinh các chi phí cam kết, lãi phạt chậm, đồng thời đưa các dự án hoàn thành đúng tiến độ, đưa vào sử dụng vào năm 2020.

Nhằm tạo thuận lợi cho công tác giải ngân và tránh tình trạng phải điều chỉnh, bổ sung kế hoạch vốn ODA hàng năm, Thành phố kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận việc giải ngân vốn ODA đối với các dự án được thực hiện theo hiệp định đã ký kết và tiến độ của dự án nhằm phát huy tối đa hiệu quả đầu tư.

Về sử dụng nguồn vốn từ việc cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp của Thành phố, TP. Hồ Chí Minh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ thống nhất bỏ cơ chế thí điểm và cho phép HFIC chính thức thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại toàn bộ các doanh nghiệp thuộc UBND Thành phố; đối với danh sách các doanh nghiệp chuyển giao về HFIC, Thành phố được chủ động thực hiện và báo cáo Thủ tướng Chính phủ để đảm bảo tiến độ và lộ trình cổ phần hóa.

Về hỗ trợ từ ngân sách Trung ương để đầu tư các dự án quan trọng trên địa bàn thành phố giai đoạn 2017-2020, TPHCM đề nghị Thủ tướng chấp thuận bố trí 9.963 tỷ đồng từ nguồn vốn của SCIC cho 36 dự án chống ngập cấp bách của thành phố theo Thông báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; chấp thuận bổ sung 10.000 tỷ đồng cho thành phố để đầu tư hạ tầng giao thông, hệ thống cảng sông, cảng biển (như sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái, cảng Hiệp Phước) để phục vụ cho hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn.

Hiện nay, tổng mức đầu tư của các dự án trên là 37.282 tỷ đồng, phần còn lại thành phố sẽ tự cân đối để triển khai thực hiện.

Thành phố cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về việc tạm dừng thực hiện thủ tục bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; cho Thành phố được chủ động sử dụng các địa chỉ nhà đất theo Quyết định số 09 để thanh toán cho các dự án đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng theo hình thức Xây dựng - Chuyển giao (BT).

Để tiếp tục đẩy mạnh cơ chế tự chủ tại các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn thành phố, TP. Hồ Chí Minh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ phân cấp cho HĐND Thành phố được quyết định số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập của thành phố; phân cấp cho UBND Thành phố được quyết định tỷ lệ trích nguồn cải cách tiền lương từ nguồn thu của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của thành phố, đảm bảo đủ nguồn cải cách tiền lương khi Chính phủ tăng lương theo lộ trình; phân cấp cho UBND Thành phố được thành lập, tổ chức lại, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND Thành phố nhằm phù hợp với đặc điểm phát triển kinh tế - xã hội của một đô thị đặc biệt.

Thành phố cũng kiến nghị Chính phủ sớm ban hành các Nghị định quy định cơ chế tự chủ trong các lĩnh vực giáo dục đào tạo; dạy nghề; y tế; văn hóa, thể thao và du lịch; thông tin truyền thông và báo chí, theo hướng cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công, giao quyền tự chủ phù hợp, nâng cao năng lực quản trị, hiệu quả hoạt động đồng bộ cả về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy nhân sự và tài chính. Đồng thời, các bộ ngành cũng ban hành các văn bản hướng dẫn cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong từng lĩnh vực để địa phương triển khai thực hiện.

Ngoài ra, để tạo điều kiện thuận lợi cho thành phố thu hút đầu tư các dự án hợp tác công tư (PPP), đẩy mạnh xã hội hóa cung ứng các dịch vụ công, kiến nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và phân loại danh mục dịch vụ sự nghiệp công theo hướng: đối với loại dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước, nhà đầu tư/đơn vị được phép tự xác định giá theo nguyên tắc thị trường hoặc trên cơ sở phương án tài chính của dự án PPP được duyệt, Nhà nước sẽ hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng chính sách phù hợp với lộ trình giá dịch vụ sự nghiệp công.

Để sớm hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, tạo điều kiện thu hút đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP. Hồ Chí Minh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Thành phố được quyết định lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án Khu phức hợp Trung tâm Hội nghị triển lãm trong khu đô thị mới Thủ Thiêm theo quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu; cho phép Thành phố được bổ sung công trình xây dựng 4 cầu, công trình nạo vét rạch, đào hồ trung tâm và các kênh mới vào dự án đầu tư Xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu dân cư phía Bắc và hoàn thiện đường trục Bắc - Nam trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm theo hình thức BT và thực hiện điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Hạ tầng kỹ thuật Khu dân cư phía Bắc.

Qua thực tiễn 2 năm giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, để khắc phục các bất cập và phát huy hiệu quả cơ chế liên kết vùng để các địa phương cùng phát triển, Thành phố kiến nghị ban hành chính sách phát triển Vùng để giải quyết đồng bộ 4 vấn đề cơ bản của phát triển Vùng, gồm: phân bố lực lượng sản xuất; xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông; đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực; quản lý, sử dụng nguồn nước và bảo vệ môi trường; đồng thời có cơ chế Hội đồng Vùng dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng hoặc Phó Thủ tướng Chính phủ, nhằm khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh toàn Vùng và tạo điều kiện phát triển hài hòa giữa các địa phương trong Vùng, góp phần giảm áp lực tăng dân số cơ học, quá tải các bệnh viện, ùn tắc giao thông,... đối với TP. Hồ Chí Minh.

Hiện nay cơ chế Chủ tịch Hội đồng vùng luân phiên giữa Chủ tịch UBND các tỉnh không phát huy được hiệu quả, khó đảm bảo sự liên kết, sự thực thi các chủ trương, chính sách chung của Vùng.

Hiện nay, Thành phố cũng đang gặp một số khó khăn về thủ tục đầu tư làm ảnh hưởng đến tiến độ của các dự án thoát nước, giảm ngập (nhất là đối với các dự án cấp bách, nhưng phê duyệt sau ngày 31-10 của năm trước không được triển khai theo quy định của Luật Đầu tư công). Để có cơ sở đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án thoát nước, giảm ngập thuộc Chương trình giảm ngập nước, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; góp phần giải quyết tình trạng ngập nước, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép UBND Thành phố được triển khai các dự án thuộc Chương trình giảm ngập nước giai đoạn 2016-2020 ngay sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Thành phố sẽ chịu trách nhiệm về tính hiệu quả của các dự án theo quy định của pháp luật.

Xây dựng thương hiệu TP. Hồ Chí Minh năng động

Phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng TP. Hồ Chí Minh có vị trí vô cùng quan trọng với cả nước, đóng góp lớn về GDP, thu ngân sách, năng suất lao động và nhiều ý tưởng sáng tạo, đột phá, công nghệ mới thường được triển khai ở TP. Hồ Chí Minh rồi lan rộng ra cả nước. Thành phố tăng thêm 1% GDP thì GDP cả nước tăng 0,21%.

Cơ cấu kinh tế của Thành phố thể hiện sự năng động, xu hướng tích cực. Kinh tế tư nhân chiếm 59% (cả nước 49%), kinh tế nhà nước 16%, FDI 25%. Đi liền với cơ cấu GDP là cơ cấu vốn. Theo số liệu năm 2015, vốn đầu tư tư nhân chiếm 65%, vốn nhà nước 20%, vốn FDI 15%. Điều này cho thấy kinh tế tư nhân đang là động lực mạnh dẫn dắt sự tăng trưởng của Thành phố.

Hiện nay, Thành phố gặp một số khó khăn trong việc đạt kế hoạch tăng trưởng GDP. Chỉ số năng lực cạnh tranh tụt hạng, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế. Công nghiệp dịch vụ chiếm 99% GDP, nhưng đất dành cho công nghiệp dịch vụ chỉ 7% diện tích, trong khi một ha đất công nghiệp dịch vụ tạo giá trị gia tăng 50 tỷ đồng trong khi 1 ha đất nông nghiệp tạo giá trị gia tăng 68 triệu đồng.

Chỉ ra bất cập về hạ tầng đô thị, ùn tắc, úng ngập, ô nhiễm, kết nối giao thông với sân bay, bến cảng, Thủ tướng cho rằng không thể để TP. Hồ Chí Minh đi vào vết xe của các thành phố khói bụi, ô nhiễm và tắc nghẽn, làm mất đi sức hấp dẫn và tính cạnh tranh. Bên cạnh đó, Thủ tướng còn nêu ra thách thức về tăng năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực.

“Kết quả của chúng ta nổi bật, thách thức cũng rất lớn, cho nên các bộ, ngành gắn trách nhiệm của mình vào thách thức của Thành phố. Trung ương không đứng ngoài cuộc trước thách thức của Thành phố”, Thủ tướng nói.

Với tinh thần đó, Thủ tướng đưa ra quan điểm phát triển đối với TP. Hồ Chí Minh: Phải là Thành phố toàn cầu, là nơi hội tụ Đông Tây, đề cao các giá trị nhân văn, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa phương Nam của người Việt Nam (phóng khoáng, nghĩa hiệp, thân thiện, dũng cảm và hiếu khách), khẳng định vị thế quốc gia trong hội nhập quốc tế.

Gợi mở cho TP. Hồ Chí Minh, Thủ tướng nhắc lại tầm nhìn mà ông đã phát biểu cách đây 1 năm: “Đó là một nền kinh tế đổi mới sáng tạo, có sức lan tỏa, là động lực cho phát triển bền vững và là đầu tàu cho cả nước trong hội nhập sâu rộng có hiệu quả vào nền kinh tế khu vực và thế giới”.

Đặt vấn đề về các giá trị, nguyên tắc cốt lõi của TP. Hồ Chí Minh, Thủ tướng cho rằng đó là một đô thị thông minh với cơ sở hạ tầng thông minh, quản lý thông minh, đề cao kỹ trị, tôn trọng tiếng nói của người dân, xây dựng con người văn hóa, văn minh, xã hội gắn kết và rộng mở, tăng trưởng xanh, bền vững và sáng tạo. Thành phố cần phát triển bao trùm, tức là mọi người dân, mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng về cơ hội phát triển, hưởng lợi công bằng từ thành quả phát triển, môi trường khởi nghiệp thuận lợi cho mọi tài năng trẻ và bất kỳ ai có ý chí vươn lên.

Nguyên tắc cốt lõi nữa là năng động, hội nhập và phát huy bản sắc văn hóa phương Nam, xây dựng thương hiệu TP. Hồ Chí Minh năng động, hiện đại, hội nhập, giàu tính nhân bản và có chiều sâu văn hóa, luôn trân trọng, ghi nhớ, giữ gìn, phát huy những thành quả khai phá, những giá trị di sản và dấu ấn lịch sử của các bậc tiền nhân và mọi thế hệ người Việt trong tiến trình phát triển trên 300 năm của Thành phố.

Thủ tướng đặt mục tiêu then chốt cho TP. Hồ Chí Minh là tạo việc làm với thu nhập ngày càng cao cho người dân, tạo nguồn thu ngân sách bền vững. Chú trọng phát triển Thành phố bền vững, cạnh tranh. Tỉ trọng dịch vụ và sáng tạo trong cơ cấu kinh tế phải tăng nhanh và ngày càng lớn.

Nhất trí với 7 chương trình đột phá mà Đại hội X của Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh đề ra, Thủ tướng nhấn mạnh một số nội dung mà Thành phố cần có kế hoạch cụ thể cả trước mắt, lâu dài để triển khai. Đó là tiếp tục quy hoạch Thành phố, có tầm nhìn xa và đổi mới cách làm quy hoạch. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các bộ liên quan và Thành phố rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, báo cáo Thủ tướng trong tháng 8/2017.

Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, nhất là 4 chỉ số còn tồn tại mà Thủ tướng đã nêu (chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, thiết chế pháp lý, tính năng động). Thành phố phải dẫn đầu cả nước về cải cách hành chính và cơ chế một cửa; phải nằm trong 5 địa phương có chỉ số cạnh tranh tốt nhất, là nơi thu hút đầu tư nước ngoài cao hơn cả nước. Cần tạo ra đột phá mới trong đầu tư tư nhân.

Cùng với Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh cần đi tiên phong, trở thành trung tâm khởi nghiệp, trung tâm sáng tạo của cả nước, trung tâm giáo dục quốc tế, trung tâm y tế quốc tế. Thành phố phải tạo dựng môi trường tốt, cơ chế tốt để thu hút người giỏi trong nước và quốc tế đến TP. Hồ Chí Minh.

TP. Hồ Chí Minh cần đặc biệt lưu ý đến phát triển bền vững, đòi hỏi giải pháp căn cơ, dài hạn trong chống ngập và phải làm sớm. Thành phố có khối lượng chất thải công nghiệp dịch vụ lớn gấp 10-20 lần cả nước, phải xem lại chiến lược xử lý rác bằng giải pháp công nghệ mới.

“Ta tôn trọng giấy phép đầu tư đã cấp, nhưng không thể tiếp tục mở rộng chôn lấp rác”, Thủ tướng yêu cầu phải biến rác thành năng lượng, thành phân bón, rác phải được tái chế, sử dụng.

Thành phố cần chủ động xây dựng cơ chế thúc đẩy liên kết vùng, tạo sức hút mạnh hơn về cung-cầu và lan tỏa về công nghệ, sáng tạo giữa TP. Hồ Chí Minh với các địa phương. Cần cơ chế để phát huy vai trò dẫn dắt cũng như điều phối phát triển vùng của TP. Hồ Chí Minh, Thủ tướng nói và bày tỏ ủng hộ TP. Hồ Chí Minh lập đề án phát triển vùng để tìm ra một cơ chế khuyến khích các dự án liên kết vùng.

Thủ tướng đề nghị Thành phố xây dựng các giải pháp phát triển đô thị thông minh. Đó là sự thay đổi căn bản, toàn diện phương thức quản lý đô thị nhờ vào công nghệ mới trong đó lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm và mục đích phục vụ của một thành phố thông minh, hướng tới yếu tố “đáng sống” của Thành phố.

Trên cơ sở đó thu hút và giữ chân người tài.

TP. Hồ Chí Minh phải tiếp tục suy nghĩ để thí điểm những cơ chế mới, nhanh chóng xử lý các vấn đề điểm nghẽn, nhất là các điểm nghẽn như cơ chế khuyến khích và quản lý cán bộ, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, nguồn lực tài chính, cơ chế đất đai.

“Người ta thường hay nói “cái áo đã quá chật”. Các đồng chí tiếp tục nêu ra với Bộ Chính trị, với Chính phủ xem cái áo quá chật này là như thế nào, ở đâu?”, Thủ tướng yêu cầu.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh các giải pháp về bảo đảm an ninh an toàn, xây dựng cuộc sống trong lành, an bình, các điều kiện an sinh cho người dân.

Cuối cùng, Thủ tướng nhấn mạnh: Đội ngũ của TP. Hồ Chí Minh, cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị cần đổi mới tư duy, dám nghĩ dám làm; vượt qua suy nghĩ Thành phố đã đạt đến ngưỡng rồi, không thể phát triển bứt phá. Chúng ta hãy nhìn ra những thành công trong khu vực và thế giới. Hãy vượt qua tâm lý “an toàn là trên hết” để tìm cách đột phá, tìm những ý tưởng mới. Chính phủ sẽ cùng giải quyết các khó khăn và ủng hộ, song hành cùng cách làm mới của Thành phố.

Tại cuộc làm việc, Thủ tướng cho ý kiến, xử lý, giải quyết các kiến nghị của TP. Hồ Chí Minh.

Cũng tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cam kết từ nay đến cuối năm Thành phố sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế đạt mục tiêu đề ra, nộp ngân sách đạt và vượt kế hoạch.

Liên quan tới dự án sân golf gần sân bay Tân Sơn Nhất, đại diện Bộ Quốc phòng cho biết Bộ đã chỉ đạo dừng toàn bộ dự án để kiểm tra, thực hiện nghiêm ý kiến của Thủ tướng về vấn đề này. Quan điểm của Bộ Quốc phòng là ưu tiên phát triển hàng không./.