Phát biểu tại hội thảo ông Cao Đức Phát, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương khẳng định, trong những năm qua, ngành nông nghiệp có tăng trưởng khá cao, chất lượng nông sản ngày càng được cải thiện, tỷ lệ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tăng, trong đó nhiều doanh nghiệp đã đầu tư và ứng dụng công nghệ cao.

Đến nay, cả nước có 3 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là Hậu Giang, Phú Yên, Bạc Liêu. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cấp giấy chứng nhận cho 26 doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Bên cạnh đó, 3 địa phương đã xây dựng đề án thành lập khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là Thái Nguyên, Thanh Hóa, Lâm Đồng.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đến tháng 3/2017, cả nước có 15 dự án ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp đang được Nhà nước hỗ trợ với tổng số vốn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước trên tổng số vốn đối ứng từ doanh nghiệp là 156,3/284,5 tỷ đồng.

Toàn cảnh hội thảo

Tuy nhiên, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn chậm do những rào cản về vốn đầu tư còn hạn chế. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp còn hạn hẹp, không ổn định, khả năng cạnh tranh và hiệu quả kinh tế sản xuất một số sản phẩm còn thấp, chưa tương xứng với mức độ đầu tư. Nguồn nhân lực chất lượng cao am hiểu về khoa học - kỹ thuật trong nông nghiệp còn thiếu và yếu.

Theo TS. Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết, việc ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, bất cập. Hiện nay, sản xuất nông nghiệp còn manh mún và không đồng đều. Nguồn vốn dành cho lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có, nhưng thực tế điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn còn gặp nhiều khó khăn, thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp. Bên cạnh đó, nhiều địa phương chưa quy hoạch khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm, quy hoạch phát triển cây trồng vật nuôi chủ lực trên địa bàn. Doanh nghiệp chưa chủ động đầu tư nghiên cứu, phát triển công nghệ; liên kết giữa doanh nghiệp và các tổ chức khoa học và công nghệ còn lỏng lẻo. Thiếu chính sách bảo hiểm nông nghiệp đặc biệt cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với chi phí đầu tư lớn.

Ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết thêm, hiện nay tỷ lệ nông sản sản xuất thô còn chiếm tỷ lệ cao, chất lượng thấp, nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng khiến mất đi tính cạnh tranh. Bởi vậy, Việt Nam không những mất đi lợi thế thị trường xuất khẩu mà còn trở thành thị trường tiêu thụ cho các nước. Ngoài ra, tỷ lệ ứng dụng cơ giới, công nghệ trong sản xuất nông nghiệp quá thấp, quy mô diện tích sản xuất manh mún, năng suất thấp khiến giá thành nông sản cao, khó cạnh tranh.

Để thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, TS. Nguyễn Thị Thanh Thủy cho rằng, các địa phương cần triển khai quy hoạch khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên cơ sở phù hợp với quy hoạch phát triển cây trồng vật nuôi chủ lực trên địa bàn. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư thành lập trung tâm, viện nghiên cứu; tham gia thực hiện các nhiệm vụ có hỗ trợ từ ngân sách nhà nước như các đơn vị nghiên cứu công lập. Hình thành mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp liên kết với những tổ chức công nghệ để thúc đẩy quá trình nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp.

Tăng cường đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại để giúp doanh nghiệp tiếp cận với thị trường, định hướng sản xuất doanh nghiệp cho phù hợp với nhu cầu thị trường. Hỗ trợ đào tạo, tập huấn đội ngũ nông dân, doanh nghiệp, cán bộ quản lý, nghiên cứu khoa học chuyên nghiệp, đảm bảo có trình độ để tiếp thu, đáp ứng với trình độ và sự phát triển của công nghệ.

GS, TS. Hoàng Ngọc Hòa, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước để ra chương trình mục tiêu và có cơ chế hỗ trợ, thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp công nghiệp và dịch vụ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nói riêng. Đồng thời, Bộ Tài chính cần có những chính sách ưu đãi liên quan đến phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nhất là chính sách thuế, thủ tục hải quan, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp. Bên cạnh đó, Ngân hàng nhà nước cần có chính sách tín dụng ưu đãi đối với phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong tái cấu trúc ngành nông nghiệp nước ta. Nhất là chính sách cho vay vốn đối với các doanh nhân khởi nghiệp trong lĩnh vực chế biến, tiêu thụ nông phẩm./.