GRDP 6 tháng đầu năm tăng 3,03%

6 tháng đầu năm nay, mặc dù tình hình thời tiết do biến đổi khí hậu và diễn biến của thị trường gây bất lợi cho sản xuất nông nghiệp, song tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đã có những chuyển biến quan trọng, nổi bật so với cùng kỳ 2016.

Trong 19 chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội năm 2017, qua đánh giá tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 9 nhiệm kỳ 2015 – 2020, đến nay có 01 chỉ tiêu vượt kế hoạch (cơ cấu kinh tế); 01 chỉ tiêu đã đạt kế hoạch (tỷ lệ che phủ rừng); 06 chỉ tiêu đạt trên 80% kế hoạch (thu ngân sách; dân số trung bình; y tế; thông tin truyền thông và nhà ở; tỷ lệ sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch; tỷ lệ xử lý chất thải); có 09 chỉ tiêu đạt trên 50% kế hoạch (tổng vốn đầu tư toàn xã hội; nông thôn mới; xuất nhập khẩu; lao động việc làm; tỷ lệ hộ nghèo; giáo dục; chỉ số giá tiêu dùng; quốc phòng - an ninh).

Tái cơ cấu kinh tế tiếp tục được quan tâm, lĩnh vực công nghiệp tăng trưởng khá khoảng 7,3%, lĩnh vực dịch vụ phát triển ổn định và tăng trên 5%, do tình hình thời tiết bất thường, mưa dông, sạt lở đã gây thiệt hại không nhỏ về sản xuất nông nghiệp và đời sống của một số hộ dân.

Vì thế, tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP đạt 4,34%, nhưng vẫn tăng 3,03% so với cùng kỳ, trong đó khu vực I: 1,48% (cùng kỳ là âm 4,55%), khu vực II: 6,58% (cùng kỳ là 3,82%), khu vực III: 5,03% (cùng kỳ là 4,91%).

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch khá tích cực, tỷ trọng giữa 3 khu vực I, II, III là 27,7% - 20,19% - 52,11%, mức độ chuyển dịch so cùng kỳ là 0,95%.

Các thành phần kinh tế tiếp tục tăng trưởng về quy mô, mạnh nhất là kinh tế tư nhân. GRDP bình quân đầu người ước đạt 30,3 triệu đồng/năm, tăng 6,8% so cùng.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn theo giá hiện hành 8.771 tỷ đồng, tăng 10,6% so với cùng kỳ. Giá trị giải ngân vốn đầu tư công đạt 60% kế hoạch, tăng 9,7% so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn trên 4.474 tỷ đồng, đạt 85,1% dự toán Trung ương giao, trong đó thu nội địa 1.390 tỷ đồng, đạt 50,2% dự toán Trung ương và tăng 10,4% so với cùng kỳ.

Kim ngạch xuất nhập khẩu và dịch vụ thu ngoại tệ đạt trên 418 triệu USD, tăng 30,9% so với cùng kỳ; trong đó: xuất khẩu 285 triệu USD, tăng 41,7% so với cùng kỳ.

Số lao động được tạo việc làm 10.703 lao động, tương đương so với cùng kỳ. Các chỉ tiêu về môi trường đạt cao so với cùng kỳ.

Tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, đề án trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn như: Chương trình nông thôn mới; Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; Đề án phát triển giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản chất lượng cao; Đề án phát triển trạm bơm điện ứng phó với biến đổi khí hậu; Đề án nâng cao chất lượng hợp tác xã.

Thu hoạch lúa trên cánh đồng tại thành phố Vị Thanh

Sản xuất công nghiệp tiếp tục phát triển khá, giá trị sản xuất công nghiệp theo giá thực tế 11.392 tỷ đồng, tăng 7,24% so với cùng kỳ. Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tăng 7,6 % so với cùng kỳ. Các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành như: sản xuất giày dép; sản xuất hóa chất, sản xuất thuốc, hóa dược liệu… đầu tư mở rộng nhà máy, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh, hạ giá thành sản phẩm nên làm tăng giá trị sản xuất của các ngành này.

Việc tổ chức đối thoại chính quyền với doanh nghiệp được thực hiện khá tốt; đã thành lập Trung tâm Dịch vụ và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; duy trì kênh tiếp nhận thông tin riêng; cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4 về đăng ký doanh nghiệp; thời gian thực hiện các thủ tục hành chính đã giảm 30% so với quy định.

Trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 310 doanh nghiệp thành lập mới, với số vốn đăng ký là 1.900 tỷ đồng, tăng 2,4 lần về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016. Tổng vốn đăng ký của doanh nghiệp 6 tháng đầu năm tăng mạnh so với cùng kỳ, cho thấy quy mô doanh nghiệp đã tăng lên, vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 6,13 tỷ đồng (cùng kỳ là 2,07 tỷ đồng).

6 nhiệm vụ cần tập trung trong 6 tháng cuối năm

Thực hiện Chỉ thị 24/CT-TTg ngày 02/6/2017 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017; trong 6 tháng còn lại Hậu Giang quyết liệt thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể:

1. Rà soát bổ sung những giải pháp thực hiện các chương trình, đề án lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, đầu tư công, kế hoạch khởi nghiệp, hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển kinh tế tư nhân, kinh tế hợp tác. Thực hiện các giải pháp cụ thể để phục hồi tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản. Tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị đối với lúa gạo, trái cây và thủy sản; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nhằm tiết giảm chi phí; rà soát điều chỉnh cơ cấu cây trồng phù hợp để nâng cao thu nhập của nông dân; phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7-7,2%, cụ thể, khu vực nông nghiệp phải tăng trưởng 2,1%; công nghiệp phải tăng 11,49%; xây dựng phải tăng 8,05%; khu vực dịch vụ phải tăng 8% và hoàn thành 19 chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội năm 2017.

2. Thực hiện có hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các thành phần kinh tế phát triển nhanh và ổn định, chú trọng tổ chức xúc tiến thương mại để nhiều sản phẩm chủ lực có thêm thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước. Tăng cường đối thoại tiếp xúc doanh nghiệp, xem doanh nghiệp là đối tượng phục vụ. Tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2017. Tổ chức thêm các đợt xúc tiến đầu tư đến các tỉnh, thành phố trong khu vực phía Nam và phía Bắc. Ưu tiên thu hút đầu tư đối với các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật; phát triển công nghiệp điện tử, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, chế biến nông sản, sản xuất vật liệu xây dựng, may mặc, giày da, thủ công mỹ nghệ, công nghiệp phục vụ nông nghiệp, dược phẩm,… sử dụng công nghệ cao, ít ảnh hưởng đến môi trường.

3. Tập trung huy động nguồn lực đầu tư, vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách để huy động tối đa các nguồn vốn thuộc mọi thành phần kinh tế, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, sớm đưa các dự án vào hoạt động, nhất là các dự án ở khu công nghiệp và các dự án, công trình trọng điểm. Tiếp tục kêu gọi đầu tư vào Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang. Tăng cường huy động nhiều nguồn lực xây dựng nông thôn mới, phấn đấu đến cuối năm công nhận thêm từ 5- 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

4. Tăng cường công tác thu ngân sách Nhà nước, phối hợp đẩy mạnh các biện pháp chống thất thu ngân sách, thu hồi nợ đọng, phấn đấu hoàn thành đạt và vượt mức dự toán được giao năm 2017.

5. Triển khai cơ sở hạ tầng và tạo điều kiện cho nhà đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác tại Hòa An. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án nước sạch, trạm xử lý nước thải, nhất là tại các khu công nghiệp, khu dân cư, đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án hệ thống thoát nước và xử lý nước thải thành phố Vị Thanh. Giám sát và báo cáo kết quả giám sát việc vận hành thử nghiệm công trình bảo vệ môi trường của dự án “Nhà máy giấy Lee&Man Việt Nam. Nâng cao khả năng phòng tránh và hạn chế tác động xấu của thiên tai, biến đổi khí hậu, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các đê, kè, đập, tổ chức khảo sát, thăm dò địa chất ở những điểm đã xảy ra sạt lở và có nguy cơ sạt lở để cảnh báo cho người dân và xúc tiến kế hoạch bố trí lại dân cư, thực hiện các giải pháp công trình và phi công trình ứng phó phù hợp, bền vững lâu dài với sạt lở đất, hạn hán và xâm nhập mặn.

6. Chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế. Tích cực tham gia thực hiện liên kết vùng đồng bằng sông Cửu Long trong phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường hợp tác phát triển với các tỉnh, thành phố, doanh nghiệp, đặc biệt là thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ; mời gọi đầu tư từ Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc./.