Tốc độ và quy mô của ngành dịch vụ tăng chậm

Trong những năm qua, ngành dịch vụ tỉnh Hậu Giang đạt được một số kết quả khá khả quan, giá trị gia tăng ngành dịch vụ (theo giá so sánh 2010) không ngừng gia tăng qua các năm, từ 5.302 tỷ đồng năm 2010 tăng lên 7.261 tỷ đồng năm 2015, và 7.869 tỷ đồng năm 2016. Như vậy, tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm 2011-2015 đạt 6,4%, năm 2016 đã tăng 8,4%.

Bên cạnh đó, tỷ trọng ngành dịch vụ trong cơ cấu kinh tế của tỉnh có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng từ 42,9% (2010) lên 43,9% (2015) và 49% (2016).

Điều này cho thấy, quy mô ngành dịch vụ của tỉnh chiếm một vị trí quan trọng trong nền kinh tế, tuy nhiên chỉ mới giải quyết việc làm cho 28% tổng lao động. Do vậy, việc chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động từ lĩnh vực nông nghiệp sang ngành dịch vụ, đang là mục tiêu phải hướng tới, trong đó, doanh nghiệp là một bộ phận chủ yếu tạo ra GRDP, có tính quyết định trong việc giữ vững nhịp độ tăng trưởng kinh tế ổn định ở mức cao và tác động tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế cũng như biến đổi các vấn đề đời sống xã hội.

Nhìn tổng thể, khu vực dịch vụ ở Hậu Giang vẫn còn một số hạn chế, như: đầu tư phát triển cho ngành còn dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm; nội dung phát triển một số ngành kinh tế quan trọng trong khu vực dịch vụ lại chưa được thể hiện rõ nét, cụ thể như: dịch vụ tài chính; hỗ trợ sản xuất, kinh doanh; vận tải; thông tin truyền thông; du lịch, logistics...

Một trong những nguyên nhân làm cho tốc độ và quy mô của ngành dịch vụ tăng chậm, ngoài các cơ chế, chính sách nhằm cải thiện môi trường đầu tư, còn phải kể đến yếu tố vốn đầu tư.

Vốn đầu tư toàn xã hội cả tỉnh trong giai đoạn 2012-2016 tăng bình quân 7,5%/năm, riêng ngành dịch vụ chỉ tăng 5,3%/năm; trong đó dịch vụ tài chính ngân hàng tăng 11,3%, dịch vụ y tế tăng 7,2%, giáo dục tăng 6,4%, lưu trú và ăn uống tăng 2,5%; vận tải và kho bãi tăng 2,4%; bán buôn và bán lẻ tăng 1,8%.

Điều này cho thấy, nguồn vốn đầu tư toàn xã hội của Tỉnh, gồm có đầu tư công và đầu tư từ vốn ngoài nhà nước, đã tập trung chủ yếu cho kết cấu hạ tầng, y tế, giáo dục và công nghiệp, còn ngành các dịch vụ khác đầu tư thấp. Tỷ trọng vốn đầu tư ngành dịch vụ chỉ chiếm từ 21 đến 27% trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Quy mô đầu tư như trên chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh, trong khi đây là khu vực tạo ra phần lớn giá trị gia tăng và việc làm cho tỉnh. Cũng chính vì đầu tư thấp, mà chất lượng một số loại hình dịch vụ còn thấp.

Bảng: Đầu tư vào các ngành dịch vụ theo giá hiện hành

ĐVT: Tỷ đồng

Năm

2012

2013

2014

2015

2016

I

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội của 3 khu vực

11.650

12.770

13.228

14.328

15.540

II

Tổng vốn đầu tư ngành dịch vụ

3.240

3.134

3.590

3.100

3.978

III

Tỷ trọng vốn đầu tư ngành dịch vụ/ tổng vốn đầu tư

27,8

24,5

27,1

21,6

25,6

Trong đó:

1

Bán buôn, bán lẻ

680

962

985

765

731

2

Vận tải, kho bãi

100

111

119

102

110

3

Lưu trú và ăn uống

105

127

135

122

116

4

Thông tin truyền thông

60

96

98

88

81

5

Tài chính, ngân hàng

535

636

640

740

820

6

Kinh doanh bất động sản

35

49

52

22

25

7

Giáo dục đào tạo

250

280

475

350

320

8

Y tế

220

258

475

259

290

9

Nghệ thuật vui chơi giải trí

25

26

27

28

30

10

Dịch vụ khác

1.230

589

584

624

1.455

Nguồn: Cục Thống kê tỉnh Hậu Giang

5 giải pháp cần thực hiện

Những yêu cầu từ thực tiễn và vai trò quan trọng của ngành dịch vụ đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đòi hỏi tỉnh Hậu Giang cần phải điều chỉnh cơ cấu đầu tư theo hướng tăng cường thêm cho khu vực dịch vụ, một phần thuộc vốn đầu tư công và phần lớn là thu hút đầu tư của doanh nghiệp, dân cư và đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhằm thúc đẩy phát triển ngành dịch vụ, góp phần tăng giá trị gia tăng và tỷ trọng của ngành dịch vụ trong cơ cấu kinh tế của tỉnh đến năm 2020 và 2025. Cụ thể, Tỉnh cần quan tâm một số vấn đề sau:

Một là, tăng cường cải thiện môi trường kinh doanh. Có môi trường kinh doanh ổn định, thông thoáng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và hộ cá thể tăng doanh thu, lợi nhuận và thông qua đó thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh.

Hai là, tiếp tục cải thiện cơ chế, khả năng tiếp cận vốn vay của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngoài quốc doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa phải sử dụng vốn tự có để đầu tư.

Nhờ đó, số lượng doanh nghiệp có quy mô nhỏ chiếm đại đa số và các doanh nghiệp chậm đổi mới công nghệ, dẫn đến khả năng cạnh tranh của nền kinh tế sẽ rất kém và gặp nhiều bất lợi trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Ba là, tăng cường kêu gọi đầu tư, từng bước hiện đại hóa kết cấu hạ tầng thương mại - dịch vụ, nhất là mạng lưới chợ, các dịch vụ vận chuyển, thông tin…; kết hợp giữa thương mại truyền thống với thương mại hiện đại, tạo thành mạng lưới phân phối hàng hóa và cung ứng dịch vụ đáp ứng được nhu cầu sản xuất và tiêu dùng đến tận vùng sâu.

Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư phát triển chợ, nhất là chợ ở xã nông thôn mới, tập trung nâng quy mô và chất lượng phục vụ của các chợ đã có. Nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ nhất là khách sạn, nhà hàng, ăn uống, vận tải, viễn thông, ngân hàng, bảo hiểm, logictics..., để hội nhập sâu vào kinh tế vùng, kinh tế quốc tế.

Bốn là, kêu gọi đầu tư và khai thác hợp lý các loại hình du lịch mà Hậu Giang có thế mạnh như du lịch các di tích lịch sử văn hóa, du lịch trên sông, du lịch sinh thái miệt vườn, du lịch nông nghiệp nông thôn, du lịch cộng đồng trong đó tập trung vào các khu du lịch trọng điểm, đặc biệt là du lịch cộng đồng tại vùng khóm Cầu Đúc; vùng quýt đường Long Trị; Khu Bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng; Trung tâm Nông nghiệp Mùa Xuân; Khu du lịch sinh thái Việt Úc - Hậu Giang, bảo tồn, phát huy và khai thác có hiệu quả cơ sở hạ tầng xung quanh Chợ nổi Ngã Bảy, đầu tư, nâng cấp Chợ nổi Ngã Bảy phục vụ phát triển du lịch sông nước miệt vườn phù hợp với đề tài khoa học cấp tỉnh đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Xây dựng và khai thác tuyến du lịch trên kênh Xáng Xà No, đặc biệt là đoạn thuộc địa bàn thành phố Vị Thanh.

Phát huy giá trị các làng nghề phục vụ du lịch, trước mắt tập trung vào các làng nghề truyền thống đã có thương hiệu. Ưu tiên đầu tư cho các làng nghề nổi tiếng, gần các khu, điểm du lịch, sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Quy hoạch xây dựng các siêu thị, các điểm mua sắm, phố đi bộ.

Chú trọng khai thác các tài nguyên du lịch nhân văn phi vật thể như: các lễ hội dân gian, đờn ca tài tử, cải lương, các làn điệu dân ca và hò đối đáp.

Đầu tư hệ thống nhà hàng đạt chuẩn phục vụ khách du lịch; khuyến khích phát triển các món ăn đặc trưng của Hậu Giang như: cháo lòng Cái Tắc, các món chế biến từ cá thát lát, cá rô đồng, các món ăn có sử dụng nguyên liệu là các loại trái cây đặc sản của Hậu Giang như khóm Cầu Đúc, bưởi năm roi Phú Hữu, quýt đường Long Trị, cam sành Ngã Bảy.

Năm là, rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các ngành dịch vụ đến năm 2020 và tầm nhìn 2025, xác định các ngành dịch vụ chủ lực để khai thác được tiềm năng, lợi thế của địa phương trong điều kiện hội nhập sâu vào kinh tế quốc tế./.