Tăng trưởng ngành nông nghiệp chưa thật sự vững chắc

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong giai đoạn 2011-2015, nông nghiệp đã duy trì được tốc độ tăng trưởng khá cao, cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch theo hướng tích cực; tốc độ tăng trưởng GDP ngành đạt 3,13%/năm, vượt chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra (2,6%-3%); giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng 3,68%/năm (thấp hơn mục tiêu đề ra). Mặt khác, chất lượng tăng trưởng đã được cải thiện, tỷ trọng giá trị gia tăng trong tổng giá trị sản xuất ngành tăng từ 57% năm 2010 lên 68% năm 2015. Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, tăng trưởng ngành chưa thật sự vững chắc và còn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém của một nền nông nghiệp sản xuất nhỏ.


Tăng trưởng ngành nông nghiệp còn thiếu bền vững

Triển khai kế hoạch 5 năm 2016-2020, trong 06 tháng đầu năm 2016, sản xuất nông, lâm, thủy sản đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, như: tình hình xâm nhập mặn xảy ra nghiêm trọng ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, hạn hạn gay gắt xảy ra trên diện rộng; cá chết bất thường ở 4 tỉnh ven biển miền Trung; thị trường tiêu thụ sụt giảm... đã tác động mạnh đến kết quả của ngành: GDP ngành giảm 0,18%, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản giảm 0,1%. Cả năm, GDP tăng 1,36%.

Bước sang năm 2017, ngay từ đầu năm Bộ đã quyết liệt chỉ đạo toàn ngành thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP, ngày 01/01/2017 về những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017 để phấn đấu đạt đượccác mục tiêu phát triển ngành đã đề ra. Đến nay, qua đánh giá tổng hợp tình hình thực hiện kế hoạch 9 tháng đầu năm và dự kiến cả năm 2017, ước tốc độ tăng trưởng ngành cao nhất khoảng 3%.

Bên cạnh đó, báo cáo cũng cho rằng, thời gian tới, Chính phủ và Bộ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại đồng bộ, tổng thể nền kinh tế và các ngành, các lĩnh vực gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; trong đó sẽ cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Đây là một quá trình đòi hỏi phải có thời gian, nhưng cần được đẩy mạnh để nâng cao thu nhập của nông dân và phát triển kinh tế đất nước. Theo đó, thực hiện chuyển đổi sản xuất từ chỗ chú trọng sản lượng sang chú trọng chất lượng và giá trị.

Chính vì vậy, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều khó khăn, biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng gay gắt, khó lường gây khó khăn lớn cho sản xuất của ngành thì khả năng đạt được chỉ tiêu tăng trưởng GDP toàn ngành 3,5%-4%/năm là không khả thi.

Kiến nghị xây dựng Luật Doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp

Đối với việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị quyết số 113/2015/QH13, đến nay, đã có 64 dự án tại 23 địa phương được hỗ trợ. Số lượng doanh nghiệp nông nghiệp tăng từ 2.379 doanh nghiệp năm 2007 lên 3.635 doanh nghiệp năm 2014 và đến 7 tháng đầu năm 2017 có 1.156 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đưa số lượng doanh nghiệp đạt trên 5.000 doanh nghiệp. Đặc biệt, đã thu hút được một số doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông nghiệp, đây là các doanh nghiệp đầu tàu trong việc ứng dụng khoa học công nghệ sản xuất quy mô lớn, sản phẩm đạt tiêu chuẩn và là nhân tố tạo hiệu ứng thúc đẩy các doanh nghiệp lớn khác đầu tư vào nông nghiệp.

Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho rằng, số lượng các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp có xu hướng tăng lên nhưng tốc độ tăng trưởng các doanh nghiệp còn chậm hơn so với các lĩnh vực khác, doanh nghiệp nông nghiệp chiếm dưới 1% tổng doanh nghiệp cả nước. Quy mô doanh nghiệp nông nghiệp chủ yếu nhỏ và vừa (55% doanh nghiệp có mức vốn giới 5 tỷ, gần 50% doanh nghiệp siêu nhỏ dưới 10 lao động). Khả năng ứng dụng KHCN còn thấp, 75% doanh nghiệp đang sử dụng máy móc thiết bị hết khấu hao, khu vực DNVVN siêu nhỏ sử dụng công nghệ lạc hậu 2-3 thế hệ. Ngân sách dành cho nông nghiệp giải ngân cho mục tiêu thu hút đầu tư còn thấp - hạn hẹp (Ngân sách trung ương năm 2015 hỗ trợ thí điểm, năm 2016 ngân sách trung ương hỗ trợ chỉ còn 185 tỷ đồng)...

Trên cơ sở đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị sửa đổi và hoàn thiện cơ chế chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Cụ thể là, Chính phủ đã giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự thảo sửa đổi thay thế Nghị định 210/2013/NĐ-CP với mục tiêu” Tạo động lực mạnh mẽ thu hút đầu tư và khuyến khích phát triển doanh nghiệp vào nông nghiệp thông qua kiến tạo cơ chế chính sách khả thi đáp ứng nhu cầu phát triển của doanh nghiệp ”. Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị chính phủ, Quốc hội sửa một số Luật liên quan như luật Đất đai; Luật Đầu tư; Luật Thuế, tiến tới xây dựng “Luật Doanh nghiệp đầu tư vào Nông nghiệp”./.