Cách thành phố Đà Lạt khoảng 50km theo tỉnh lộ 723, nằm trong không gian mở rộng của TP. Đà Lạt khi Thành phố được nâng cấp thành Thành phố trực thuộc Trung ương. Vườn có nguồn tài nguyên đa dạng sinh học phong phú, cảnh quan thiên nhiên đẹp với nhiều thác nước có đủ điều kiện khai thác du lịch sinh thái.

Hiện nay đang xây dựng Phương án thành lập Trung tâm Du lịch sinh thái và Giáo dục môi trường nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc hợp tác đầu tư với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước trong lĩnh vực phát triển du lịch sinh thái và giáo dục môi trường.

Trung tâm Du lịch sinh thái và Giáo dục môi trường thuộc VQG Bidoup Núi Bà là một loại hình du lịch đặc biệt, rất thích hợp với sự năng động, khao khát tìm hiểu thế giới tự nhiên của giới trẻ. Đây là một hình thức giáo dục sinh động giúp du khách và trẻ em, học sinh, sinh viên hình thành ý thức bảo vệ môi trường vì một tương lai tốt đẹp cho thế hệ mai sau. Chính vì vậy, cuối tháng 5/2013, tại Đà Lạt, VQG Bidoup - Núi Bà đã phối hợp với Viện Sinh thái học miền Nam tổ chức hội thảo với sự tham vấn của các nhà khoa học về việc quy hoạch và phát triển bảo tàng sinh thái - văn hóa bản địa tại Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà, nhằm mục đích bảo tồn, lưu trữ tài nguyên thiên nhiên, khôi phục và phát huy di sản văn hóa vật thể (lâm sản ngoài gỗ) và phi vật thể (kiến thức bản địa) của các dân tộc thiểu số Việt Nam, giáo dục môi trường, quan hệ giữa con người và thiên nhiên, thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái gắn với văn hóa và nâng cao thu nhập trong cộng đồng dân tộc bản địa.

Dự kiến Bảo tàng sẽ được xây dựng tại chân núi Langbian, do nhóm ông K’Plin - Già làng cộng đồng người Cơ Ho thiết kế ban đầu. Bảo tàng Sinh thái - văn hóa góp phần nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường rừng và văn hóa bản địa với các chức năng chính như: Trưng bày, triển lãm; Thuyết minh văn hoá - sinh thái - lâm sản ngoài gỗ được trưng bày; Tổ chức trình diễn các nghề truyền thống, điệu múa, lễ hội; Tổ chức hội thảo, hội nghị có liên quan.

VQG Bidoup - Núi Bà là một trong bốn trung tâm đa dạng sinh học của Việt Nam, là mẫu chuẩn hệ sinh thái quốc gia rộng 70.038 ha. Nơi đây được đánh giá là 1 trong 221 khu sinh quyển chim thế giới và có 3 trong 63 vùng chim quan trọng của Việt Nam; hội tụ các kiểu rừng kín thường xanh, rừng thưa cây lá kim, rừng hỗn giao lá rộng và lá kim á nhiệt đới, rừng lùn đỉnh núi, kiểu phụ rừng rêu… với thế giới động thực vật vô cùng phong phú và đặc sắc.

Rừng nguyên sinh

Ông Đỗ Văn Ngọc - Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Bidoup Núi Bà cho biết: Vườn Quốc gia được thành lập chính thức năm 2004, riêng Trung tâm Du lịch sinh thái và Giáo dục môi trường được thành lập vào tháng 2.2011. Với sự hỗ trợ của Dự án JICA (Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản), một trung tâm du khách và 3 tuyến du lịch sinh thái mẫu đã được triển khai. Đó là thác nước Thiên Thai, chinh phục đỉnh Langbian và đỉnh Bidoup.

Thác Thiên Thai

Tại Trung tâm Du lịch sinh thái và Giáo dục môi trường được xây dựng giữa rừng thông xanh bạt ngàn, lúc nào cũng có nhân viên của Vườn sẵn sàng hướng dẫn, giới thiệu du khách về thế giới động thực vật và những điều lý thú của thiên nhiên. Trong tuyến chinh phục Langbian, du khách sẽ cùng tham quan, ngắm cảnh, lắng nghe tiếng chim hót vang rừng, tìm hiểu về các loài thực vật và đến thăm làng Bon Đưng. Với tuyến chinh phục Bidoup, du khách sẽ được đưa tới tận khu vực có các loài động thực vật cổ như: Thông 2 lá dẹt, thông 5 lá, cây pơ mu trên 1.300 tuổi, các loài hoa và chim rừng, những mỏm đá phủ đầy rêu phong… Ngoài ra, sẽ có thêm những tuyến du lịch khác được mở như: Tham quan thác Cổng Trời và hồ Suối Vàng, tuyến thác K’Long KLanh (cách đường Tỉnh lộ 723 khoảng 2 km) và chinh phục đỉnh Hòn Giao có sinh cảnh của rừng lùn đỉnh núi mây, sương mù bao phủ gần như quanh năm nơi đây.

Ngay sau hội thảo quy hoạch và phát triển bảo tàng sinh thái - văn hóa bản địa tại Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà, trong khuôn khổ chương trình Tây Nguyên 3, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật cũng đã cử 30 nhà khoa học của Viện từ Hà Nội vào nghiên cứu, khảo sát tại Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà nhằm đánh giá hệ sinh thái rừng là rộng thường xanh và hệ sinh thái rừng khộp tại đây. Trên cơ sở đó, lập hồ sơ trình UNESCO xem xét công nhận đây là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới.

VQG Bidoup - Núi Bà tuy đã rất quen thuộc với các nhà khoa học trong nước và quốc tế nhưng lại là một điểm đến còn mới với nhiều du khách . Để đến đây, du khách có thể tiếp cận qua 3 hướng chính là: Hướng đi qua thị trấn Lạc Dương, tuyến ĐT 723 (Đà Lạt - Nha Trang) và tuyến Đông Trường Sơn (qua hồ Suối Vàng). Trong đó, tuyến đường 723 Đà Lạt- Nha Trang là hướng thường được các tour tuyến du lịch lựa chọn và là đường dân sinh đi qua các khu vực dân cư vùng ven thành phố Đà lạt và huyện Lạc Dương./.