Sự kỷ luật có giết chết sáng tạo trong công việc?

Để có thể thành công, sự kỷ luật là điều không thể thiếu. Và trong công việc, cuộc sống cũng vậy, kỷ luật là một yếu tố giúp bản thân mỗi chúng ta có thể hoàn thiện được mình hơn.

Bởi lẽ, sự kỷ luật là chìa khóa để chúng ta loại bỏ những thói quen xấu. Kỷ luật mang chúng ta đến gần hơn với đồng nghiệp. Kỷ luật tạo cho chúng ta một môi trường làm việc chuyên nghiệp hơn. Và quan trọng hơn cả, sự kỷ luật giúp bản thân mỗi chúng ta phát hiện được nhiều khả năng đặc biệt của bản thân mình.

Bạn có bao giờ thử hỏi rằng, nếu như không có kỷ luật, cứ để bạn mãi tự do với sở thích, cá tính, thói quen của mình thì liệu rằng bạn có thể có được những thành quả của ngày hôm nay hay không? Bởi lẽ, chắc hẳn các bạn cũng hiểu rằng, sự dễ dãi, hài lòng và thỏa hiệp bao giờ cũng sẽ khiến con người ta dần mất đi sự kiên trì, cố gắng. Thậm chí là mất đi niềm tin và lý tưởng sống của bản thân mình.

Thật ra, với tất cả mỗi chúng ta, sự kỷ luật đã đi vào tiềm thức. Từ nhỏ, chúng ta đã từng được học 5 điều Bác Hồ dạy trong đó có điều thứ 3: "Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt". Và chắc hẳn rằng, ở từng giai đoạn, từng độ tuổi, từng môi trường thì yêu cầu của sự kỷ luật ấy sẽ khác nhau nhưng mà luôn cần thiết.

Khi chúng ta còn nhỏ, còn cắp sách đến trường, chúng ta phải tuân thủ kỷ luật của thầy cô, trường lớp đưa ra; khi chúng ta trưởng thành, làm việc ở Tập đoàn, Công ty, đoàn thể chúng ta phải tuân thủ nội quy, kỷ luật của đoàn thể, của công ty…

Và dù ở độ tuổi, ở môi trường nào đi chăng nữa, kỷ luật luôn là một hành trang để giúp ta tốt hơn và giúp chúng ta phát huy được nhiều khả năng của bản thân mình hơn. Vậy thì không có lý do gì kỷ luật lại trở thành con dao giết chết sự sáng tạo. Mà ngược lại, đó là nền tảng để mang đến những sáng tạo, là cái nôi nuôi dưỡng những hạt giống sáng tạo.

Kỷ luật tự giác - khơi nguồn cảm hứng cho mọi sáng tạo

Như trên đã trình bày, kỷ luật là hành trang để mang đến sự sáng tạo. Tuy nhiên, bạn đừng bao giờ áp đặt sự kỷ luật thành một khuôn khổ gò bó, đừng bao giờ xem đó là sự ép buộc. Bởi lẽ, sự áp đặt, ép buộc nào cũng khiến con người ta cảm thấy khó chịu, bực tức và đôi khi khiến chúng ta mất đi định hướng riêng cho mình, khiến chúng ta bị lệ thuộc, phụ thuộc vào sự kỷ luật mà người khác đưa ra.

Mà hãy cố gắng để hình thành cho bản thân sự kỷ luật tự giác, bởi lẽ, chỉ có kỷ luật tự giác mới mang con người đến gần hơn với khả năng sáng tạo và sự thành công.

Chúng ta đừng bao giờ bỏ qua sự kỷ luật. Bởi lẽ, sáng tạo dù tốt đến mức nào cũng dựa trên những nền tảng vững vàng, những khuôn khổ và những nguyên lý chung. Chẳng hạn, khi đến với nhạc lý, dù ngày nay các tác phẩm nhạc lý có sáng tạo theo một phong cách hiện đại hơn. Song suy cho cùng đều cùng dựa trên một nguyên lý chung đó là tính nhân văn, xây dựng các tuyến nhân vật, âm điệu…

Và bạn hãy nhớ rằng, sự dễ dãi sẽ giết chết sáng tạo còn nhanh không kém gì so với sự áp đặt, gò bó. Do đó, để sáng tạo thì bản thân mỗi người hãy biết cách tự do tư duy trên nền tảng kỷ luật tự giác./.