Dù là 1,5 hay 4 triệu USD thì công ty của bạn cũng sẽ tiêu hết số tiền đó trong cùng 1 khung thời gian

Đương nhiên khi có nhiều vốn hơn, khi làm bất cứ điều gì bạn cũng thấy dễ dàng hơn. Tuy nhiên, dù ít, dù nhiều, theo nhiều nghiên cứu, số tiền ấy cũng “bay hơi” chóng vánh chỉ trong vòng từ 12 – 24 tháng.

Do đó, lời khuyên đưa ra cho các startup là “Bất kỳ khi nào có một món ngon được đưa tới, hãy lấy 2 rồi sau đó cất 1 đi. Đừng bao giờ dùng cả 2”. Điều này thật sự đúng với bối cảnh thị trường hiện nay khi mà các startup rất dễ dàng huy động vốn.

Thà huy động được ít hơn nhưng tạo được một ngân sách chi tiêu hợp lý còn hơn là huy động được cả triệu USD nhưng cũng tiêu hết một cách lãng phí trong từng ấy thời gian.

Huy động được bao nhiêu xác định giá trị công ty bạn

Ở những vòng huy động đầu, giá trị một công ty thường được xác định thông qua việc họ huy động được bao nhiêu tiền. Lượng cổ phần các nhà đầu tư muốn nắm giữ khi đầu tư vào một công ty là từ 15 – 30%. Riêng trong giai đoạn đầu, tỉ lệ thường là từ 20 – 25%.

Nếu nhà đầu tư đồng ý huy động cho bạn 5 triệu USD thì điều này ám chỉ giá trị công ty của bạn là khoảng 20 triệu USD và bạn chịu mất 20% cổ phần công ty.

Tương tự như vậy, bạn sẽ mất 25% cổ phần công ty nếu như nhà đầu tư chỉ định giá startup của bạn trị giá 15 triệu USD.

Trên thực tế, việc công ty được định giá thấp, khoảng 8 triệu USD có thể sẽ dễ dàng huy động được số vốn từ 2 – 3 triệu USD hơn thay vì 5 triệu USD.

Càng huy động được nhiều, các vòng sau càng khó

Nếu vòng đầu bạn gọi vốn thành công 5 triệu USD thì để huy động thành công 8-10 triệu USD ở vòng tiếp theo sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với 5 triệu USD ban đầu.

Nếu bạn huy động thành công 5 triệu USD và không thể nâng số tiền đó lên trong vòng tiếp theo, bạn sẽ ‘khó ăn nói’ với các nhà đầu tư ở vòng huy động đầu. Họ có thể nghĩ rằng xung quanh có rất nhiều dự án hấp dẫn, tại sao mình lại phải mắc kẹt với một startup không tăng trưởng?

Do đó đừng vội mừng khi bạn gọi được số vốn “khủng” đáng mơ ước mà hãy bắt tay vào để phát triển dự án và chuẩn bị cho vòng gọi vốn tiếp sau.

Những ràng buộc kìm hãm sự sáng tạo

Tất nhiên huy động được vốn sẽ đi kèm với sự ràng buộc nhất định. Các dự án startup sẽ không thể tự do làm theo kế hoạch của riêng mình mà phải còn chú ý tới các nhà đầu tư. Bạn sẽ phải cố gắng nhiều hơn để đạt được những kết quả tốt trong một thời gian ngắn theo như kỳ vọng của họ.

Và khi đó bạn sẽ phải đưa ra những quyết định khó khăn về việc nên/không nên thực hiện điều gì, tuyển dụng ai và sa thải ai. Nó cũng buộc bạn phải cân nhắc kỹ lưỡng hơn khi đàm phán về giá tiền thuê văn phòng hay trả lương cho nhân viên sao cho hợp lý nhất…

Như vậy có được tiền của nhà đầu tư bạn sẽ phải suy nghĩ chặt chẽ và hoạt động hết công suất hơn rất nhiều.

Một số nhà sáng lập bỏ qua bước đầu

Một số nhà sáng lập startup cho rằng họ đã có đủ kinh nghiệm và kỹ năng cần thiết để bắt tay vào huy động vốn ở những vòng thứ 2 và bỏ qua vòng đầu.

Một số khác thì nghĩ, thay vì huy động số tiền “cỏn con”, họ muốn bắt đầu huy động với số tiền lớn hơn, “liều mình” một là thành công, hai là thất bại, “được ăn cả, ngã về không”.

Tuy nhiên đó là suy nghĩ hoàn toàn sai lầm, nó gây ra rủi ro lớn cho cả nhà đầu tư và nhà sáng lập.

Lựa chọn sáng suốt

Bên cạnh việc cân nhắc nên huy động bao nhiêu tiền, bạn cũng cần xem xét tới việc nên huy động từ ai. Việc hiểu rõ đơn vị sẽ rót tiền đầu tư vào công ty bạn, đưa ra lựa chọn sáng suốt sẽ giúp bạn quyết định số tiền đúng đắn cũng như xây dựng nên những mối hợp tác lâu dài sau này với các nhà đầu tư.

Nên chọn những nhà đầu tư có cùng tầm nhìn, chiến lược và mục tiêu giống bạn để tránh những rắc rối hay mâu thuẫn nảy sinh sau này.