Ảnh minh họa TL

Gánh hàng của chị có những gì? Bao điện thoại di động, hộp quẹt, bấm móng tay, móc chìa khóa, mắt kính, đồ chơi trẻ em, và rất nhiều thứ linh tinh khác nữa. Cái thứ gì mà thường ngày người ta hay dùng, nhỏ nhỏ, vừa vừa, tiện mua, tiện bán, là có mặt trong cái gánh hàng của chị.


Đôi chân chị ngày nào cũng đi. Nắng đi, mưa đi, bão gió cũng đi. Mỗi ngày phải ngót nửa trăm cây số. Làm nghề này cực lắm. Mưa nắng gì cũng phải lao thân ra đường, đi hết quán này đến quán nọ, đường lớn tới hẻm nhỏ. Rồi thì van vỉ, nài nỉ người ta mua hàng. Mỗi món hàng có bao nhiêu đâu, chỉ vài ba ngàn, cùng lắm là cái mắt kiếng 10 ngàn, cái bao da di động hơn chút nữa. Là đồ bán dạo, nên rẻ lắm. Khách hàng của chị, chủ yếu cũng là dân nghèo, thỉnh thoảng thiếu thứ này, thứ kia, ham rẻ thì mua. Chứ khách sang ai mà mua cho, người ta nhiều tiền, xài hàng hiệu, đến cửa hàng lớn, đến “sốp” để lựa, ba cái đồ hàng rong này, ngó cũng chẳng thèm nữa là. Chị biết rồi, mấy người ăn mặc sang sang, là chị không dám tới gần. Nhớ cái hồi mới vào nghề, chẳng biết chi, tới gần một ông bụng bự, áo quần sang trọng, đang uống cà phê, chị lại gần đon đả mời. Không thấy ổng ứ hự, chị mời nữa, bỗng thấy ổng quắc mắt, móc ra tờ 10 ngàn, nhét vào cái giỏ rách mướp to tướng của chị, rồi gằn giọng, từ nay người ta đang có chuyện, đừng xáp vô nữa nha. Chị hoảng hồn tháo lui, từ bữa đó, chỉ dám lòng vòng ở ngoài, không bao giờ bén mảng vô trong những quán cà phê sang trọng, cũng như tránh xa những ông khách kiểu như ông bụng bự nọ.


Nhiều hôm cực lắm. Đi mỏi chân, mời chào mỏi miệng mà chỉ bán được một cái móc khóa 3 ngàn. Buổi sáng đã nhịn ăn, đến giác trưa đói quá cũng chẳng dám ăn. Cũng không dám về phòng trọ, sợ đói quá không đi ra nổi. Thế là ngồi gà gật ở góc rạp hát, đợi xế nắng thì đi nữa. Đến chiều bán được mới dám mua ổ bánh mỳ không 2 ngàn. Vừa ăn vừa đi bán. Tối về mua thêm hộp cơm 4 ngàn, ăn xong rồi đi ngủ. Đó cũng là kinh nghiệm của chị. Có bán được mới dám ăn, không thì thâm vào vốn. Ăn thì nhẹ sáng, nặng tối, trước khi đi ngủ phải ăn no vừa cái bụng, để tránh bao tử cào ruột, ngủ không được.


Căn nhà trọ thấp lè tè, lợp tôn. Cũng may mà ít khi về nhà buổi trưa, chứ không thì chịu chẳng thấu. Đến tối về tắm rửa qua loa, rồi lăn ra ngủ. Chẳng mấy khi dám bật điện sáng, làm gì cũng tranh thủ lúc sớm mai, vì sợ tốn tiền điện. Năm chị em thuê chung một căn phòng, giá trăm hai một tháng, tiền điện nước dè xẻn, vừa đủ trăm rưỡi. Chia ra, mỗi người phải chịu 30 chục ngàn, chẳng đáng là bao, thế mà chị Tía, cũng như mấy chị khác, mỗi lần đến tháng trả tiền, lại xuýt xoa. Ba chục ngàn, bán bao nhiêu món hàng mới được chừng ấy tiền?


Chị Tía to khỏe, khách được nhiều hàng, còn đỡ. Chỉ tội cho bà Năm Vòng, người nhỏ xíu, tuổi hơn sáu chục rồi, hàng chẳng mang được là bao. Hàng ít thì bán được ít, có hôm về bà cứ chép miệng ăn năn mãi, vì có người khách hỏi mua hộp quẹt mà bà không có. Không có bởi vì bà không mang được nhiều. Thế là hôm sau, bà vội vàng nhờ chị Tía mua thêm mấy cái hộp quẹt, dăm cái kính mắt, để treo vào gánh hàng, sợ khách hỏi mà không có thì uổng. Nhiều hôm đi về bà Năm cứ thở hổn hển, ăn chẳng được, nằm sóng soài vì mệt. Thế mà nghe chị em bàn mua thêm hàng, bà lại đòi mua dùm cho bà thứ này, thứ kia. Cũng phải thôi, cùng đi buôn bán, người ta bán được, hàng mỗi ngày mua thêm, còn mình thì gánh hàng ngày một còm cõi đi, chỉ lèo tèo vài thứ, ai mà chẳng sót ruột.


Quê bà Năm ở xa lắm, nghe đâu ở miền Trung. Nhà có đứa con trai nghiện lên, nghiện xuống, bị đưa vô trại. Còn cô con gái thì lấy chồng, cũng cảnh nghèo, đẻ ba đứa con, thiếu ăn triền miên. Tội cho bà Năm, già rồi mà phải tha hương, tự kiếm sống nuôi thân. Làm chẳng đủ ăn, nhưng bà nhất quyết ngày nào cũng phải dành tiền, khi năm trăm, lúc một ngàn, để cuối năm còn tính về quê, trừ tiền tàu xe, còn có gì đưa cho cô con gái tội nghiệp. Thằng con trai nghiện coi như bỏ, thôi thì phó mặc cho xã hội. Biết làm sao được. Nhớ lúc ông nhà còn sống, hai ông bà còn khỏe, làm lụng cũng đâu đến nỗi thiếu thốn quá. Bỗng đâu thằng con sinh tật đua đòi, mà cản không được. Nó nghiện lúc nào chẳng hay. Chăm chỉ làm ăn còn sợ đói, sợ nghèo, đằng này vô công rồi nghề, lại mắc nghiện, làm sao mà thoát được cảnh cùng cực.

Chị Tía thương cho thân già của bà Năm, ngày càng quắt queo, nhớ con, nhớ cháu cũng chẳng dám về. Sợ không đủ tiền tàu xe. Sợ về rồi không trở vô được nữa. Ở đây còn lần hồi kiếm sống qua ngày, về nhà làm gì để nuôi thân? Ở cái xứ của bà, nắng như thiêu đốt, mưa thì lũ giật, xóm nghèo xác xơ, làm ruộng không đủ ăn. Về nhà lại nặng gánh cho con cháu.

Nghĩ thương cho bà Năm, chị Tía lại cám cảnh thân mình. Xa chồng, xa con, nay đã ngót 7 năm. Cả năm lặn lội xứ xa, đến cận Tết về, gần chồng, gần con mấy ngày, lại vội vã đi. Thỉnh thoảng gom được tiền, thì gửi về phụ giúp chồng nuôi con ăn học. 7 năm xa nhà, con người chị dường như sức lực cứ mòn dần, mòn dần với gánh hàng rong ruổi.

Nằm bên cạnh chị Tía là chị Lương. Chị Lương hầu như đêm nào cũng sụt sịt khóc. Sợ mấy chị quở, chị Lương không dám khóc to, cứ nén tiếng khóc lại, ấm ức, thổn thức trong lòng. Mấy tháng trước, mấy chị còn dỗ dành, sau rồi mệt quá, cứ mặc cho chị khóc. Khóc chán, chị thiếp ngủ, mai lại dậy đi bán, tối về lại khóc. Dường như quen rồi.

Người ta nói, số nghèo, phận hẩm, chó cắn áo rách, dường như ứng vào chị Lương. Đã nghèo khó tha hương, chị lại còn xúi quẩy. Vào Nam đi bán được ít ngày, thấy hẩm hiu quá, chị nghe lời một bạn hàng, chuyển sang bán dạo đĩa lậu. Có lúc chị có cả hai, ba bì đĩa lậu. Đùng một cái, công an phát hiện, thu hết. Chị được miễn truy tố, nhưng phải nộp phạt gần chục triệu đồng, vì người ta giám định, phát hiện hàng của chị toàn là đĩa đồi trụy, dâm ô. Thế là khóc mếu về nhà bán nửa mảnh đất vườn, mang tiền nộp phạt. Giận mình thì ít, mà tiếc tiền, thương chồng con thì nhiều, chị không sao bình tâm được, hôm nào cũng khóc, khóc mãi không thôi.

***

Mấy ngày trước, gian phòng trọ của chị Tía, bà Năm lại có thêm một người. Một cô gái trẻ măng, đi cùng một bà già. Họ là hai mẹ con. Cô gái vừa lấy chồng xong. Hai vợ chồng đi cùng mẹ, rời quê vào Nam. Họ tưởng trong này là miền đất hứa. Anh chồng đi theo một tốp thợ làm bể cá. Ở chung với tốp thợ này luôn. Còn hai mẹ con cô gái thì dự định cũng sắm hai gánh hàng rong. Họ nói, ở quê nay bão lũ mất sạch cả. Thử vào đây một chuyến xem sao.

***

Thế là căn phòng trọ chật ních người. Đêm về lại nghe tiếng chị Lương sụt sịt, tiếng cô gái trẻ thở dài trở mình, tiếng ho sù sụ của bà Năm. Bảy người đàn bà trong đêm tối, trước khi chìm vào giấc ngủ, họ cố nghĩ xem, ngày mai mình đi vào con đường nào, để kiếm được nhiều khách mua đỡ cho gánh hàng rong nặng nề của họ.

***

Tết sắp về. Phố nhỏ dường như có thêm nhiều gánh hàng rong. Cả mấy anh bán chổi lông gà, cong lưng đạp xe lòng vòng, chở theo những cây chổi dài thòng, mấy chị bán bóng bay, xe chở đầy bóng, mồ hôi nhễ nhại đi khắp thị xã, mấy gánh hủ tiếu bốc khói, đêm đến lại cất tiếng rao. Những gánh hàng rong, những mảnh đời rong, đang hối hả, nhọc nhằn chờ đón một cái Tết nhọc nhằn.

Tiểu ký sự của