“Hãy cố gắng thắp lên một ngọn nến còn hơn cứ ngồi nguyền rủa bóng tối” đó là phương châm sống của hầu hết những người khuyết tật. Chính điều đó đã giúp họ vượt lên số phận, tạo nên những kỳ tích bằng chính nghị lực phi thường của mình.

Mùa trung thu vừa qua, chúng tôi có dịp về huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng để tiếp xúc cũng như tìm hiểu về cuộc sống của những người khuyết tật nơi đây. Khác với cái nhìn đầy ái ngại và cảm thương, chúng tôi lại thấy được những ánh sáng của nghị lực, thấy được niềm tin về tương lai tươi đẹp của những thân phận kém may mắn – những người khuyết tật.

Gặp người phụ nữ khuyết tật thích làm chuyện “bao đồng”

Người ta vẫn thường rỉ tai nhau như thế khi nói đến chị Đỗ Thị Vân Lan – người phụ nữ bị khuyết tật bẩm sinh, thuê nhà nuôi 6 người khuyết tật khác ở TT Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương.

Chị Đỗ Thị Vân Lan

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo tại xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng, từ nhỏ chị Đỗ Thị Vân Lan đã không được may mắn như nhiều đứa trẻ cùng trang lứa, chị bị dị tật chân trái. Bất hạnh là thế nhưng chị luôn lạc quan, tin yêu vào cuộc sống. Hàng ngày chị vừa học vừa phụ giúp gia đình,và chị hát. Tiếng hát trong trẻo nhưng ngọt ngào mà ông trời ban cho chị như xua tan cái nhọc nhằn, tủi thân của một người khiếm khuyết.

Thời gian trôi qua, chị lớn dần trong vòng tay của bố mẹ. Năm 18 tuổi, chị Lan lấy chồng, một năm sau đó ( năm 1999) chị sinh được một đứa con trai. Mặc dù thiếu thốn nhiều thứ, nhưng hai vợ chồng sống với nhau rất hạnh phúc. Năm 2003 chị lại vỡ òa trong niềm vui khi biết mình đang mang thai ba tháng. Thế nhưng, niềm vui chưa kịp nở hoa thì chồng chị Lan bị tai nạn trên đường đi làm về. Để rồi gia đình chị phải sống cảnh mẹ góa con côi nương tựa lẫn nhau. Vội gạt nước mắt, chị Lan ngẹn ngào nói không thành lời: “ Khi nghe tin chồng mất, lúc đó tôi rụng rời chân tay và ngất lịm đi. Lúc tỉnh dậy, tôi như không tin vào mắt mình, chỉ muốn tìm đến cái chết. Thế nhưng, khi thấy đứa con đầu khóc, lại thương đứa con trong bụng, tôi tự nhủ phải cố gắng vượt qua”.

Chồng mất, một thân một mình nuôi con 4 tuổi, lại có thêm đứa con trong bụng, thế nhưng chị Lan vẫn không muốn sống nương nhờ đến bố mẹ. Hàng ngày chị đi làm thuê, làm mướn, dành dùm từng đồng tiền một.

Để nuôi hai con ăn học, chị Lan phải lam lũ vất vả, chật vật từng đồng một, thế nhưng khi gặp những người kém may mắn, chị luôn sẵn lòng giúp đỡ cưu mang họ. Cũng bởi sự đồng cảm, giàu lòng nhân ái, chị Lan đã cưu mang 6 người khuyết tật nặng, tạo công ăn việc làm, nhận họ về chung sống với mình như một đại gia đình. Tại căn nhà nhỏ của một nhà hảo tâm cho thuê tạm, ở thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương, hình ảnh những mạnh đời kém may mắn được chị Lan nhận nuôi khiến chúng tôi xao lòng. Đó là chị Ka Huệ ( 48 tuổi) người dân tộc Churu, chị bị dị tật bẩm sinh. Xương ngực và cột sống bị lòi ra ngoài, hai chân bị bại liệt. Anh Lâm Văn Hải ( 48 tuổi) quê ở Thái Nguyên bị mù và cụt một tay do tai nạn lao động. Chị Nguyễn Thị Mộng Lài ( 47 tuổi) bị dị tật bẩm sinh, hai chân bị liệt. Anh Thái Văn Quý (34 tuổi) bị nhiễm chất độc da cam, người bị cong vẹo, hai mắt kém linh hoạt, di chuyển bằng xe lăn. Chị Mai 21 tuổi ở Bình Phước bị mù bẩm sinh. Anh Nguyễn Văn Hận 29 tuổi ở tận xứ Bạc Liêu cũng bị mù hai mắt.

Khi tìm hiểu chúng tôi được biết, những mảnh đời bất hạnh này đã được chị Lan nhận về nuôi và tạo việc làm cho họ. Anh Lâm Văn Hải cho biết: “ bản thân tôi vốn lành lặn là công nhân làm đường thu nhập ổn định. Nhưng năm 1992 tôi bị tai nạn, mất một tay, đôi mắt bị mù không nơi nương tựa. Hàng ngày tôi phải bán vé số để mưu sinh. Thấy tôi không người thân, chỗ ở, chị Lan đã bảo tôi về ở cùng gia đình chị. Chị dạy cho tôi hát rồi cùng chị đi hát khắp nơi để kiếm tiền. Từ đó chúng tôi gắn bó như một gia đình”. Cũng như anh Hải, những người ở đây cũng được chị Lan nhận về cho ăn ở chung và tạo việc làm. Tiếng cười và sự lạc quan luôn tràn ngập nơi căn nhà ấm áp này.

“Bán tiếng hát nuôi nhau”

Bản thân cũng bị khuyết tật, một mình nuôi hai người con ăn học nay lại thêm sáu người. Để trang trải cuộc sống hàng ngày, chị Lan cho biết: “ chúng tôi mỗi người một công việc, sáng anh Hải, anh Quý đi bán vé số, tôi cùng chị Lài đan len kiếm vài chục ngàn. Chiều về cả gia đình cùng nhau đi hát, diễn văn nghệ trong các thôn, xã, thị trấn kiếm được gần một trăm ngàn mỗi đêm”. Vốn có năng khiếu về ca hát, chị Lan đã truyền dạy lại cho mọi người, cùng họ thành lập đội văn nghệ của người khuyết tật Đơn Dương.

Chị Lan và con gái trong một buổi biểu diễn văn nghệ

Ông Trần mạnh Thu ( chủ tịch Hội khuyết tật tỉnh Lâm Đồng) cho biết: “ Đội văn nghệ của người khuyết tật Đơn Dương được chị Đỗ Thị Vân Lan ( hiện là chủ tịch hội khuyết tật huyện Đơn Dương) thành lập vào năm 2013, dù chỉ mới hoạt động được 2 năm nhưng đã tạo công ăn việc làm cho rất nhiều người khuyết tật. Bản thân chị Lan là một tấm gương giàu nghị lực, ngoài việc tạo công ăn việc làm cho người khuyết tật, chị còn thăm gia động viên, kêu gọi các mạnh thường quân giúp đỡ những mạnh đời bất hạnh. Chúng tôi rất quý chị”.

Đội văn nghệ khuyết tật huyện Đơn Dương

Với những việc mà chị Lan đã làm, nhiều người cảm thấy biết ơn và cảm phục. Thế nhưng, đối với chị Lan, niềm vui, sự hạnh phúc là được giúp đỡ nhiều mảnh đời bất hạnh, được nhìn thấy hai đứa con chăm ngoan học giỏi. Hiện đứa con đầu của chị Đỗ Triệu Vỹ đang học lớp 10, con gái út La Hy Nhã học lớp 7. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng chị Lan và những thành viên trong gia đình người khuyết tật luôn quý trọng, gắn bó với nhau, luôn lạc quan và yêu đời./.