PV: Chào anh, cái tên Mr. Potato thực sự gây ấn tượng với tôi khi lần đầu nghe thấy. Cái “gã” Khoai Tây được nhân cách hoá ấy có ý nghĩa gì với anh?

Minh Nhựt: Thật ra cái tên này nó được chọn một cách khá là tình cờ. Ban đầu, khi Nhựt cần viết một bản kế hoạch kinh doanh để tìm kiếm nhà đầu tư, thì cái tên “mr.potato” là cái đầu tên đầu tiên mình nghĩ đến vì mục đích đặt tên cho dự án và có thể đi vào những hạng mục khác rồi mới quay lại tìm tên chính thức sau.

Tuy nhiên, sau khi mọi thứ trong bảng kế hoạch đó đã xong, Nhựt quay lại đặt tên cho quán và liệt kê cả chục sự lựa chọn khác như “ potato world, potato kingdom, Potato corner, French Fries heaven…” nhưng tất cả đều quá nhàm chán và không có gây được cảm tình với bản thân Nhựt. Nên Nhựt quyết định giữ nguyên tên “mr.potato” – và mr.potato không được viết hoa, cũng là cách Nhựt thể hiện mong muốn thương hiệu của mình đến với khách hàng một cách gần gũi chứ không khoa trương hay hoa mỹ.

Động lực gì khiến anh từ bỏ một công việc là trợ lý một tập đoàn cà phê nước ngoài với mức lương cao để bắt tay vào khởi nghiệp? Anh có điều gì chắc chắn là mình sẽ thành công?

Động lực từ mong muốn của bản thân, Nhựt biết bản thân muốn khởi nghiệp (hay luôn miệng nói là “làm ăn”) ngay từ cấp 2, cấp 3. Rồi đến một ngày Nhựt suy nghĩ là mình còn trẻ, mới 23 tuổi, dù ra làm ăn 2 -3 năm có thất bại, mình vẫn còn trẻ và vẫn còn có thể làm lại được. Chứ đợi công việc ổn định, 32- 33 tuổi mới dám theo đuổi ước mơ của mình, rồi thất bại, già rồi ai nhận vào làm nữa (cười).

Nhựt là người rất thực tế, Nhựt biết năng lực và kinh nghiệm của mình quá nhỏ bé trong môi trường kinh doanh khốc liệt, và hiểu rõ là không gì đảm bảo thành công cả, phải có nỗ lực, phải có tính toán kỹ càng và phải có may mắn. Vì vậy, Nhựt xác định là tập trung vào làm tốt 2 yếu tố đầu vì may mắn mình không làm chủ được, chỉ có là chuẩn bị cho tốt để may mắn có đến thì mình nắm bắt được.

Những kiến thức tiếp thu lúc học tại trường và công việc làm trợ lý có giúp gì cho anh trong quá trình kinh doanh? Hẳn phải có điều gì đó khiến anh muốn bứt mình ra khỏi thân phận người làm thuê và kích hoạt được tư duy làm chủ?

Việc học trong trường phổ thông và trường đại học nó hoàn toàn khác xa với thực tế. Nhưng về cơ bản, tất cả những năm tháng ngồi ở ghế nhà trường giúp tạo cho Nhựt một nền tảng để tư duy và những kỹ năng phân tích cần thiết để vào “học” ở trường đời. Còn 3 năm đi làm cho tập đoàn ngoài những kỹ năng chuyên môn cụ thể, điều giá trị nhất là kinh nghiệm, kỷ luật, tính khách quan và sự bình tĩnh khi đối mặt với những vấn đề khác nhau.

Anh có thể tiết lộ số vốn khởi nghiệp dành cho Mr Potato là bao nhiêu không? Anh huy động vốn từ đâu?

mr.potato là công ty cổ phần. Vốn đầu tư ban đầu của mrpotato là trên 1 tỷ đồng. Một phần vốn tích góp từ những năm đi làm, một phần huy động từ các cổ đông và phần còn lại là vay vốn ngân hàng

Việc nghiên cứu thị trường có phải là công việc khó khăn, tốn kém không?

Dù là một sản phẩm mới ở thị trường Việt Nam, nhưng mr.potato mới theo một cách rất là quen thuộc. Thị trường thức ăn nhanh ở Việt Nam rất nổi bật trong những năm gần đây và luôn được cập nhật, cho nên tư liệu thì Nhựt đọc đến giờ vẫn chưa hết. Thời gian và công sức là chi phí nặng nhất ở khoản này.

Mất bao lâu để anh và các cộng sự của mình lên thực đơn cho Mr Potato?

Thời gian lên menu mất khoảng 4- 5 tháng, trong đó bao gồm nghiên cứu về khoai (tạo hình, bảo quản, chiên) và nghiên cứu các loại nước xốt.

Những cửa hàng thức ăn nhanh luôn cho mình những nét riêng khác biệt để tạo ưu thế cạnh tranh với đối thủ. Trong trường hợp của mr.potato, lợi thế đó là gì?

Nét độc đáo của mr.potato là sự đa dạng về nước xốt và bột lắc. Trong đó mr.potato đặc biệt quan tâm đến khẩu vị và xu hướng ẩm thực của giới trẻ Việt.

Ngoài ra, khoai tây chiên thực chất bắt nguồn từ phương Tây, nơi người dân có thói quen đi bộ trong thời tiết mát mẻ và thưởng thức khoai tây chiên nóng giòn trên tay. Ở Việt Nam, vì yếu tố thời tiết và loại hình giao thông là xe máy quá nhiều nên khách thích ăn uống trong nhà, nơi có điều hòa nhiều hơn. Vì thế, mr.potato cũng trang trí quán mang phong cách đường phố, với nhiều nét đặt trưng từ nhiều thành phố nổi tiếng trên thế giới.

Tuy nhiên, thực tế thì mr.potato đã thành công đâu. Nếu có thì chắc là thành công trong kế hoạch tồn tại qua năm đầu tiên. Ở thời điểm hiện tại, lợi thế lớn nhất của mr.potato là luôn sự nhìn nhận và hiểu rõ là mình còn cách “Thành công” xa lắm. Vẫn còn rất nhiều khó khăn phía trước dành cho mr.potato.

Những khó khăn nào anh đã gặp phải trong quá trình khởi nghiệp?

Khó khăn thì rất là nhiều, tuy nhiên những khó khăn cơ bản mà chắc ai khởi nghiệp cũng phải trải qua như:

+Nhân sự: đội ngũ nhân viên trẻ còn đi học, nên thay đổi liên tục, việc đảm bảo nhân viên mới được training tốt là một thử thách mang tính dài hơi.

+ Tâm lý khách hàng: khách hàng cũng trẻ luôn, khách chịu thử những cái mới, nhưng cũng vì thế rất ít khách hàng trung thành. Mình phải luôn đổi mới.

+ Kinh nghiệm: kinh nghiệm của người đứng đầu (là Nhựt) còn ít và hạn chế nên khó tránh khỏi những sai lầm trong kế hoạch quản lý nói chung.

Chuyên làm về khoai tây chiên, chắc bản thân anh cũng rất thích loại củ này?

Thật ra Nhựt thích khoai tây chiên ở mức độ… bình thường. Điều này lại là một lợi thế vì nó giúp Nhựt khách quan hơn khi đánh giá về chất lượng trong quá trình làm việc.

Hiện tại mr.potato mới có mặt ở Sài Gòn. Anh có kế hoạch gì để mở rộng sang các thị trường khác chưa? Như Hà Nội chẳng hạn?

Hà Nội luôn là thị trường mục tiêu của mr.potato và nếu mr.potato đến được với người tiêu dùng ở Hà Nội thì đây sẽ là một bước tiến lớn. Sau khi đến Hà Nội và một số tỉnh thành khác, mr.potato cũng có tham vọng “vượt biên” ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Dù còn quá sớm để nói tới thành công, nhưng sự nỗ lực và ước mơ của anh thật đáng để ghi nhận. Anh có chia sẻ gì dành cho những bạn trẻ Việt Nam, những người cũng đang mang trong mình đầy hoài bão?

Nhựt luôn nhắc nhở bản thân là nếu mình đã biết mình thật sự muốn làm gì, thì mình phải quyết tâm theo đuổi đến cùng nhưng không được hấp tấp và đôi khi có những vấn đề mà mình phải biết lùi lại để có góc nhìn rộng hơn về nó vì “muốn nhanh thì phải từ từ”.