“Nhiều người ngại khởi nghiệp vì sợ thất bại, trong sự nghiệp của ông, thất bại nào khiến ông nhớ nhất?", Đỗ Sơn Dương, Giám đốc điều hành Toong đặt ra câu hỏi cho ông Philippe Varin.

“Nếu không có thất bại, tôi đã không tồn tại được trong 50 năm qua ở lĩnh vực công nghiệp”, ông Philippe trả lời.

“Tôi có nhiều thất bại trong sự nghiệp của mình. Tôi luôn luôn làm việc trong những tình huống phức tạp, như là thay đổi thể chế hay chuyển đổi cơ cấu. Tôi đã làm nhiều chục năm trong lĩnh vực ô tô, và giờ các bạn thấy đấy, tôi đã chuyển sang làm về năng lượng hạt nhân”, ông nói tiếp.

Theo cựu CEO của Peugeot, thất bại trong khởi nghiệp, trong kinh doanh là điều tất nhiên. Lấy ví dụ về lĩnh vực ô tô, lĩnh vực mà rất nhiều năm ông gắn bó, Chủ tịch Areva cho biết khi đưa ra quyết định làm một nhãn mác mới hay ra một dòng xe mới là đã đứng trước khả năng thất bại: 50 ăn, 50 thua.

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh “vấn đề ở đây là phải học hỏi từ những thất bại đó”. Cũng theo ông, thất bại của các doanh nghiệp khởi nghiệp không như những tập đoàn lớn, bởi các startup có sự đồng hành, hỗ trợ từ những doanh nghiệp đã đầu tư, rót vốn vào. Đây là điểm mạnh nhưng cũng đồng thời là điểm yếu, vì các startup sẽ luôn ở trong tình huống bị hối thúc từ phía các nhà đầu tư cũng như việc mất đi tính tự chủ trong những quyết định của mình. Trong khi đó, đổi các tập đoàn lớn, họ được tự quyết, tự do hơn trong những hành động, chiến lược đầu tư.

Do vậy, ông Phillipe cho rằng cần có những vườn ươm khởi nghiệp nhằm tạo ra môi trường hỗ trợ, dẫn dắt, giúp đỡ các startup để họ không bị cô đơn. Và các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng nên nhìn sự thật một cách trần trụi nhất, để “khi thấy nguy cơ chông chênh thì nhanh chóng chuyển hướng”.

Ông Philippe cho biết thêm hiện ngài Đại sứ Pháp cũng đang làm việc rất tích cực với một vài đơn vị trong việc kết nối các startup Việt Nam với các tập đoàn lớn của Pháp.

Lời khuyên của ông đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam là hầu hết các tập đoàn lớn của Pháp làm trong lĩnh vực công nghiệp đều có mặt tại Việt Nam. Các bạn trẻ Việt Nam có thể thiết lập quan hệ với họ thông qua kênh của Đại sứ quán. Và khi gắn kết được với “ăng ten” của họ tại Việt Nam, các bạn sẽ có cơ hội “nối dài cánh tay” sang Paris.