Khi thực tế không như mong muốn, mọi người dễ rơi vào trạng thái hoang mang, thất vọng, đặc biệt là với các bạn sinh viên vừa ra trường vẫn mang trong mình nhiều lý tưởng, hoài bão. Bạn sẽ làm gì khi gặp phải trường hợp đó?

Để có được câu trả lời cụ thể, chúng tôi đã liên hệ với CareerLink.vn, một trong những công ty hỗ trợ tuyển dụng nhân sự và tìm kiếm việc làm hàng đầu tại Việt Nam. Với trên 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tuyển dụng, từng tư vấn nhiều nhóm ứng viên khác nhau nên công ty hiểu rất rõ những băn khoăn mà các bạn sinh viên vừa ra trường thường đối mặt.

Thông tin việc làm mới nhất tại https://www.careerlink.vn/tim-viec-lam-tai/ho-chi-minh/HCM

CÔNG VIỆC KHÔNG NHƯ Ý

Thật khó để định nghĩa được khái niệm “công việc không như ý” là gì? Có quá nhiều lý do như lương thấp, làm việc trái ngành, đồng nghiệp không thân thiện… để bạn không muốn tiếp tục công việc hiện tại. Với các bạn trẻ vừa tốt nghiệp, việc thay đổi từ môi trường học đường sang môi trường công sở không chỉ có sự mới lạ mà còn là áp lực. Bạn phải tuân theo nội quy công ty, luôn có ánh mắt dò xét thái độ làm việc của bạn, luôn chịu sự đánh giá không chỉ từ cấp trên mà còn từ đồng nghiệp, mọi sai sót đều bị nhắc nhở ngay lập tức… Tất cả những điều đó khiến bạn cảm thấy thế giới thay đổi và muốn nghỉ việc ngay lập tức. Những ý nghĩ như: mình chọn công việc này là đúng hay sai; mình có nên tiếp tục làm ở đây; mình có tìm được công việc tốt hơn không… sẽ xuất hiện. Bạn nên làm gì?

GIẢI TỎA CẢM XÚC

Khi gặp khó khăn, bạn có khuynh hướng tìm người quen để chia sẻ về tình trạng hiện tại của mình. Tuy nhiên, trong tình huống này bạn nên tìm một người thân thiết lớn tuổi hơn để chia sẻ chứ không phải là bạn bè cùng trang lứa. Khi nói chuyện cùng bạn bè, hiệu ứng đám đông rất dễ hình thành. Những người bạn cũng vừa ra trường, suy nghĩ và cảm xúc không khác với bạn là bao sẽ dễ đưa ra những lời khuyên dựa theo lời kể có phần mang tính chủ quan của bạn. Trong khi đó, một người lớn tuổi hơn có nhiều trải nghiệm sẽ có cái nhìn khách quan, đưa ra lời khuyên thích hợp cho trường hợp của bạn.

TẠO TƯ DUY TÍCH CỰC

Thay vì chìm đắm trong suy nghĩ rằng mình kém may mắn, mình không bằng bạn bè… thì hãy tạo cho mình tư duy tích cực: Ít nhất là bạn đang có thu nhập từ công việc để trang trải cuộc sống và có điều kiện mở rộng quan hệ xã hội.

Ngoài ra, khi đi làm là khi bước vào thực tế, bạn sẽ nhận ra được mình thiếu những kiến thức và kỹ năng gì trong công việc. Từ đó, bạn xác định được nếu muốn làm công việc này thì cần học thêm gì? Trong trường hợp bạn đang làm công việc trái chuyên môn hoặc đây là công việc bạn không hề muốn gắn bó thì bạn vẫn có thể học được nhiều thứ từ chính công việc đó, những thứ mà đôi khi bạn tưởng như vô ích như cách sắp xếp vị trí ngồi trong phòng họp, cách trả lời điện thoại, cách nhận danh thiếp... Đối với một người ham học hỏi thì đây là những kiến thức đáng giá.

Một điều các bạn trẻ cần luyện tập nữa là không so sánh mình với người khác. Bạn có thể hỏi thăm môi trường làm việc, lương bổng của bạn bè nhưng đó là thông tin biết để tham khảo, để bạn xây dựng mục tiêu rằng mình phải làm gì để đạt được mức lương đó, đạt được vị trí đó. Tuyệt đối không hỏi thăm để so sánh và hình thành những ý nghĩ tiêu cực.

ĐẶT MỤC TIÊU DÀI HẠN

Chỉ vài tuần sau khi nhận việc, bạn nhận ra đây không phải là công việc bạn mong muốn và cảm giác thất vọng, chán nản nhanh chóng xuất hiện. Quyết định đơn giản nhất lúc này chính là nghỉ việc. Tuy nhiên, không phải nơi làm việc nào cũng được như bạn mong muốn, đây là sự thật mà bạn nên biết! Đổi hết công việc này đến công việc khác cũng không phải là giải pháp tốt. Điều cần thiết là tập thích nghi. Vì vậy, bạn nên đặt ra mục tiêu rằng mình sẽ cố gắng làm công việc này trong bao lâu? Mình muốn làm công việc gì và mình phải làm gì để có được công việc đó? Khi xác định được mục tiêu, bạn sẽ có hướng đi đúng đắn. Nếu không có mục tiêu, bạn dễ rơi vào trạng thái chán nản, nhanh chóng bỏ việc, vội vã tìm một chỗ khác và rất có khả năng lại thất vọng vì mọi thứ vẫn không như ý.

Mọi tình huống đều cần có trải nghiệm để tự bản thân rút ra được kinh nghiệm và đưa đến quyết định đúng cho bản thân. Dù làm công việc gì, vị trí nào thì bạn cũng hãy làm hết sức mình và khi đưa ra quyết định thì không phải hối hận về nó. Chúc các bạn thành công trong sự nghiệp và luôn yêu thích công việc của mình./.