Doanh nhân Lê Linh Duy, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tam Nông

Cách đây không lâu, lãnh đạo hệ thống siêu thị Satra đã có cuộc điện thoại trực tiếp với CEO Lê Linh Duy để bàn về hợp đồng đưa gà ta Tam Nông vào hệ thống siêu thị này. Tất nhiên, ông Duy không thể từ chối, vì đây là một trong những mục tiêu mà ông đặt ra khi bắt đầu “công cuộc” bán gà ta đầy tranh cãi.

Trước Satra, gà ta Tam Nông đã có mặt trên kệ hàng ở Big C, Co.opMart, Lotte Mart…, bên cạnh những thương hiệu lớn cùng ngành như Ba Huân, San Hà hay CP… Không chỉ là gà ta, chim cút, thỏ, gà ác, bồ câu, bò tơ... hay măng tre, chuối rừng cũng đã theo chân Lê Linh Duy lên kệ các siêu thị lớn trên toàn quốc.

Phải nói rằng, so với các thương hiệu lớn đã có mặt tại các siêu thị trên 10 năm, thì Tam Nông là lính mới, với thâm niên chỉ hơn 1 năm. Để có được cuộc điện thoại đặt hàng từ một hệ thống siêu thị lớn như Satra hẳn không phải dễ dàng, nhất là với những đặc sản địa phương - vốn ngon, nhưng lại khá xa lạ với cung cách làm ăn công nghiệp.

Nhưng nghe vị giám đốc điều hành này kể hành trình đưa đặc sản vào siêu thị, thì con đường này thậm chí còn chưa gập ghềnh bằng việc thuyết phục người nông dân tuân thủ các quy trình về chăn nuôi để có được số lượng lớn sản phẩm đủ chất lượng. Nếu không qua được ngưỡng này, thì mọi nỗ lực của Tam Nông, dù lớn đến đâu, cũng sẽ không thể thâm nhập được các siêu thị lớn.

“Tôi đã xác định, không thể nóng vội vì các loại sản vật địa phương nhiều khi có được là nhờ quy trình sản xuất riêng có và được truyền từ nhiều đời trước. Nhưng nếu không có giải pháp, cơ hội giới thiệu sản vật quý báu này ra thị trường rộng lớn sẽ rất mờ mịt”, ông Duy nhớ lại những ngày đầu cực kỳ gian khó.

Đơn cử như gà ác, người dân lâu nay không có khái niệm về quy trình và tiêu chuẩn chăn nuôi. Nhưng nếu muốn đưa sản phẩm này vào siêu thị, họ phải tuân thủ theo quy trình được định sẵn, phải đăng ký với cơ quan thú y của địa phương để có được giấy chứng nhận gà được tiêm phòng đầy đủ, chứng nhận kiểm dịch động vật…

Tam Nông của CEO Lê Linh Duy đã đứng ra hoàn tất cả thủ tục đó, tập hợp những người nuôi gà ác lại để hướng dẫn theo một quy trình nuôi đảm bảo cho sản phẩm hợp chuẩn ngay từ đầu nguồn, hoàn tất các thủ tục để được phép vận chuyển gà ác từ các hộ nuôi ở địa phương đến nơi giết mổ tập trung, rồi từ đây dùng xe đông lạnh vận chuyển đến các siêu thị.

“Đã có nhiều lúc, thấy tôi vất vả quá, vợ và gia đình tôi khuyên bỏ cuộc, trở về với công việc mát mẻ ở phòng máy lạnh, nhưng làm việc nhiều với những người nông dân, tìm hiểu kỹ càng về những sản vật chứa đựng cả những không gian văn hóa của một địa phương, thậm chí cả dân tộc, tôi tin rằng, không có lý do gì mà những sản phẩm có giá trị đó lại không có được một vị trí trên kệ siêu thị - kênh bán hàng hiện đại”, ông Duy tâm sự.

II

Năm 1999, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Đà Lạt, chuyên ngành tiếng Anh, Lê Linh Duy đã chọn TP.HCM để lập nghiệp. Khi đó, với ưu thế ngoại ngữ, Linh có cơ hội làm việc tại nhiều công ty nước ngoài, từ đó phát hiện ra khoảng trống thị trường trong lĩnh vực tư vấn xây dựng thương hiệu tại Việt Nam.

“Nhiều ông chủ nước ngoài hỏi tôi về những doanh nghiệp am hiểu thương hiệu để giúp họ chuyển ngữ slogan nước ngoài sang tiếng Việt một cách dễ hiểu nhưng vẫn trọn nghĩa. Tôi đã nghĩ, đây là cơ hội của mình”, Duy kể lại.

Lê Linh Duy đã khởi nghiệp bằng một công ty tư vấn về ngôn ngữ, dịch thuật và quảng cáo, với cái tên rất tây: Openlad. Hồi đó, việc hoàn tất các thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp chưa thuận như bây giờ. Ngay cả lĩnh vực kinh doanh là “tư vấn về ngôn ngữ” của Công ty Openlad cũng phải viện tới cả từ điển tiếng Việt mới qua được sự phân vân của cán bộ Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM về cái loại hình kinh doanh chưa nghe thấy bao giờ này.

Openlad là tiền thân của Công ty Tam Nông hiện nay. Ở thời điểm thành lập Openlad, Duy đã dịch và tư vấn thương hiệu cho nhiều doanh nghiệp FDI lớn khi họ mới tới Việt Nam đầu tư, như Mercedes, Isuzu, Prudential, Siemens, Bảo hiểm Bảo Long, thậm chí phối hợp với chuyên gia người Australia làm hiệu chỉnh cho Báo Vietnam Investment Review.

“Lúc đó, vừa làm công ty, vừa ‘chạy xô’ thêm bên ngoài, mỗi tháng tôi kiếm được vài ngàn USD”, Lê Linh Duy nhớ lại. Nhưng cũng nhờ các chuyến “chạy xô” mà Duy tư vấn khá nhiều chương trình về nông nghiệp thời điểm đó, như “Tỷ phú nhà nông”, “Bệnh viện đa khoa”…

Lúc đó, Duy chợt nhận ra rằng, chưa có bất kỳ đơn vị nào liên quan đến nông nghiệp làm thương hiệu. “Mình là người trong cuộc, tư vấn hoặc đề nghị, đề xuất các chương trình nông nghiệp, nhưng người tổ chức không thực hiện, nên thấy rất tiếc”, Duy nói và cho biết, anh bắt đầu xa dần việc dịch thuật để gần hơn với các thương hiệu cho sản vật nông nghiệp.

Không chỉ là ý tưởng, Duy bắt đầu chọn những sản vật địa phương đặc thù để xây dựng thương hiệu. Gà ác, thịt chim cút, thịt bồ câu, rồi sau này là gà ta, vịt đồng, thịt bò tơ… đã qua tay nhà thương hiệu Lê Linh Duy.

Big C là đơn vị đầu tiên nhập sản phẩm gà ác Tam Nông để bán, ban đầu chỉ tiêu thụ 40 con/ngày. Đến nay, Tam Nông đã cung cấp cho các siêu thị tới 40.000 - 50.000 con/ngày. Đã có 6 - 7 tỉnh cung cấp sản phẩm cho Tam Nông. Các sản phẩm này luôn được thu mua với giá cao và ổn định. Doanh số năm 2013 của Tam Nông tăng 40% so với năm trước đó.

III

Trong mỗi gói sản phẩm gà ta của Tam Nông đều kèm theo lá chanh và ớt – những gia vị mang hồn vía của món ăn Việt. Chính sự tinh tế này khiến người tiêu dùng nhanh nhớ đến một thương hiệu mới.

Tương tự, các sản phẩm thực phẩm tươi sống, như thịt gà, bò tơ… hay các loại tiêu, đậu đỗ, rau sạch đều được CEO Lê Linh Duy tính toán từng chi tiết khi đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng.

“Khác với những thực phẩm công nghiệp khác, tôi muốn những đặc sản vùng, miền dù vào siêu thị cũng phải giữ được nhiều nhất hồn vía của nó. Đó chính là sức sống bền vững của những sản phẩm này và cũng là sự phát triển bền vững của chúng tôi”, Duy tâm sự.

Hiện giờ, CEO Lê Linh Duy có kế hoạch dài hơi hơn, đó là làm sao để mỗi vùng, miền phải có một sản vật đặc trưng và có thể đi ra nước ngoài qua đường siêu thị. Chẳng hạn, chả cá miền Trung, bò tơ Củ Chi, gà ác miền Tây, nem Thủ Đức (TP.HCM)…

“Tôi đang triển khai việc này. Tôi đã tiếp cận hầu hết các đơn vị kinh doanh siêu thị nước ngoài và họ đã đồng ý với quy trình mà Công ty Tam Nông đang làm. Chỉ còn một số thủ tục cuối cùng nữa thôi”, Lê Linh Duy nói.

Xa hơn, Duy còn tính chuyển sang làm thương hiệu các mặt hàng nông sản đang được xuất khẩu thô với số lượng lớn, như gạo, cà phê, hạt tiêu… Việc đầu tư trang trại bò giống chất lượng cao tại Buôn Ma Thuột cũng đã bắt đầu. Vị CEO của các sản vật địa phương này tính toán, mỗi năm, Việt Nam phải nhập một lượng lớn thịt bò từ Australia và Campuchia, do nguồn cung trong nước còn yếu. Hiện tại, Công ty Tam Nông đã nhập khẩu 140 con bò giống ở Australia chất lượng cao về khu chuồng trại rộng 4.000 m2, ở làng nghề Châu Sơn (thôn 2, xã Cư Ebur, TP. Buôn Ma Thuột). Dự kiến, từ nay đến Tết Nguyên đán, Công ty sẽ đầu tư thêm 2 trang trại ở quận Thủ Đức (TP.HCM) và tỉnh Tiền Giang.

Hỏi về lý do thôi thúc ông mãi chạy theo công việc làm thương hiệu cho sản vật địa phương, Lê Linh Duy nói: “Bản thân tôi xuất thân trong một gia đình nông dân. Từ nhỏ, tôi đã chứng kiến cảnh bố mẹ cầu mong mấy con lợn trong chuồng bán được giá để có tiền cho con ăn học. Tôi không muốn những người nông dân vướng phải cảnh này, không muốn những sản vật quê hương bị mai một…”.

Chat với Lê Linh Duy

Nhiều người nói anh đang xây cây cầu nối người nông dân với siêu thị và người tiêu dùng?

Cầu khỉ thôi (cười).

Nhưng dù sao cầu khỉ vẫn hơn để người nông dân phải… đu dây qua sông, đúng không?

Tôi chỉ hy vọng, ít nhất người nông dân cũng có thể phần nào nương tựa vào thương hiệu mà chúng tôi xây dựng.

Vì sao anh chỉ chọn sản vật địa phương để làm thương hiệu?

Bản thân sản vật đã là sự khác biệt. Mỗi vùng, miền đều có một sự khác biệt về loại sản vật nào đó.