Ấn tượng đầu tiên đó khắc sâu trong chị cho đến ngày hôm nay khi đã trở thành một nhà thiết kế thì chiếc áo dài chính là sản phẩm đầy tâm huyết, đam mê và kết tinh sự sáng tạo với thương hiệu riêng Pascale Valery Tùng Lâm.

Chiếc áo dài qua bàn tay sáng tạo của nhà thiết kế Pascale Valery


Thế thì áo dài của Pascale Valery Tùng Lâm có khác gì so với áo dài truyền thống của Việt? Là một người con sinh ra giữa hai nền văn hóa Đông và Tây, bản thân chị cũng chịu sự tác động sóng đôi này. Mặc dù, hiểu rõ được những giá trị, nét đẹp của chiếc áo dài Việt Nam, cách mặc của người phụ nữ Việt Nam nhưng chị cũng đứng trước băn khoăn – với tư cách là một nhà thiết kế, làm thế nào để chiếc áo dài đến gần hơn với người phụ nữ châu Âu…

Vốn dĩ hình thể của phụ nữ châu Á và châu Âu có sự khác biệt rất lớn – chính điều đó đã thôi thúc chị Pascale không ngừng sáng tạo và thay đổi những chi tiết trên chiếc áo dài truyền thống đế giúp nhiều người mặc cảm thấy thoải mái và quốc tế hóa chiếc áo dài Việt Nam. Chiếc áo dài của chị có thể là trang phục đi chơi, dạo phố khi được cải tiến nhiều chi tiết: cổ thấp xuống chứ không quá cao, phom rộng chứ không ôm quá sát người, vạt áo chỉ dài qua đầu gối chứ không dài sát đất, làm hàng nút cài ở giữa thân trước thay cho nút bấm kiểu truyền thống, tay ráp tròn chứ không raglan. Màu sắc nhã nhặn hơn áo truyền thống, họa tiết đơn giản hơn…

Năm 1997, trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Pháp ngữ năm 1997 tại Hà Nội, một bộ sưu tập áo dài ấn tượng do chị thiết kế đã được trình diễn. Những hình ảnh quen thuộc của trang phục truyền thống Việt Nam với hơi thở hiện đại được thể hiện bởi những người mẫu Pháp. Lý giải về những biến tấu trên những chiếc áo dài này, chị Pascale cho biết đó là áo dài chị thiết kế cho phụ nữ Pháp!. Vâng, văn hóa chính là sợi dây kết nối hiệu quả giữa con người cũng như các dân tộc. Hình ảnh chiếc áo thể hiện được nét văn hóa của cả 2 quốc gia trở thành một công cụ ngoại giao quý báu.

Ban đầu, khi mới về Việt Nam chị hợp tác với một công ty khá lớn ở vị trí nhà thiết kế. Tuy nhiên, khi đã nắm bắt được môi trường kinh doanh chị đã mạnh dạn mở cho mình một gallery riêng với thương hiệu Pascale Valery Tùng Lâm với “Tùng Lâm” là tên tiếng Việt của chị. Nhận xét về các nhà thiết kế trẻ Việt Nam, chị cho rằng họ đều có kỹ thuật tốt, sáng tạo nhưng ở khâu chọn chất liệu – các nhà thiết kế chưa chọn được chất liệu phù hợp với thị trường. Và quan trọng nhất là chiến lược marketing cho sản phẩm phải được trang bị chu đáo.

Những thiết kế phóng khoáng và quyến rũ của chị Pascale trong bộ sưu tập dành cho các thí sinh của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2008

Thương hiệu của chị không chỉ kinh doanh tại Việt Nam mà còn ở Pháp. Chị chia sẻ, mặc dù vấp phải sự cạnh tranh của rất nhiều thương hiệu thời trang hiện đại nhưng chiếc áo dài của chị vẫn có “đất diễn” ở Pháp. Rất nhiều phụ nữ Pháp và châu Âu yêu chiếc áo dài Việt Nam. Và điều hạnh phúc ở chị chính là nhìn thấy một phụ nữ châu Âu khoác lên mình chiếc áo dài. Đó chính là hình ảnh lan tỏa của chiếc áo dài Việt Nam.