Tổng Giám đốc Bitas Đỗ Long có một thói quen "rất lạ” là hay nhìn chân người đi đường.

Khổ công gầy dựng

Thương hiệu Giày Bitas (công ty Bình Tân) có quá trình phát triển gần 23 năm, từ chỗ chỉ chuyên sản xuất các sản phẩm theo đơn đặt hàng, làm gia công cho nước ngoài và thực hiện phân phối sản phẩm qua mạng lưới phân phối nhỏ lẻ. Những năm gần đây, Công ty sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tân đã trở thành công ty chuyên sản xuất các mặt hàng tiêu dùng trong đó chủ yếu là các sản phẩm giày dép phục vụ cho thị trường trong nước và nước ngoài, rất có uy tín đối với người tiêu dùng.

Cùng với nhãn hàng thời trang Newtop (công ty Nhật Tân) vợ chồng ông Long đã trải qua nhiều cam go, thách thức để xây dựng, duy trì, phát triển. Có những thời kỳ, cả hai công ty có đến 5.000 công nhân, nhưng cũng có những lúc chỉ còn 1.000 - 2.000 công nhân. Hiện tại, chúng tôi cố định bộ máy với khoảng 2.000 người.

“Chúng tôi cũng từng làm OEM (gia công), cũng từng buộc công nhân làm "đầu tắt mặt tối" không có ngày nghỉ, cũng có lúc thắng lớn, cũng có khi lỗ lã "đau cả dòng họ” chứ không phải chỉ "đau cái đầu". TGĐ Bitas nhớ về quãng thời gian khó khăn của mình.

Khó khăn chưa dừng lại ở đó, thời điểm Liên Xô sụp đổ, hàng của Bitas xuất đi mất sạch, để lại số nợ 4 tỷ đồng, công ty phải cày trả nợ. Rồi nhà xưởng cháy, kinh nghiệm thương trường không có nên bị giam hàng... khiến ông trắng tay.

Có hơn 20 năm làm công tác quản lý từ thời bao cấp cho đến kinh tế thị trường, nên vị TGĐ này đã ném đủ ngọt bùi - cay đắng, thành công - thất bại đã nếm đủ. Vì vậy ông cũng không giật mình mỗi khi khó khăn.

Bởi sau những thất bại đó, ông chiêm nghiệm ra nhiều thứ, từ các nguyên tắc quản lý cho đến chi tiết nhỏ nhặt khi điều hành là chỉ thực hiện những gì đã nắm chắc, không mơ hồ. Mà muốn nắm chắc thì phải làm khảo sát, điều tra từ chính sách cho đến thị trường.

Còn trong công việc, ông luôn gợi cho mỗi cán bộ, công nhân viên hiểu rõ các thách thức mới đang ở kề bên, ngay trước mặt và trong tương lai như câu ngạn ngữ Nga: "Hãy coi chừng mặt nước đóng băng và một con chó im lặng". Với ông, hằng ngày, hằng giờ Bitas đều nỗ lực thay đổi mình để theo kịp thị trường và hội nhập.

Hay nhìn chân người đi đường

Ông Đỗ Long có một thói quen "rất lạ” là hay nhìn chân người đi đường. Theo ông khi nhìn chân của người nào đó thì ông hiểu được thói quen của con người cũng là đặc tính để dẫn dắt các bước đi từ chập chững cho đến vững chắc trong cuộc sống cũng như sự nghiệp.

Điều đó đã trở thành quán tính của người làm nghề giày dép như tôi. Nhờ nhìn chân xem người ta mang dép gì, loại gì, kiểu dáng gì, chất liệu gì, dáng dấp nào... mà chúng tôi đã liên tục cải tiến sản phẩm. Ông Long thổ lộ.

Cũng theo ông Long ở bàn chân mỗi người ở từng vùng miền khác nhau. Chẳng hạn, bàn chân người miền Tây và Tây Nguyên có dáng to, bè vì đi nhiều, còn bàn chân người ở những vùng phía Bắc lại dài và thon. Phải biết như thế chúng tôi mới sản xuất ra những sản phẩm phù hợp với người tiêu dùng.


Dù rất bận rộn, thường xuyên stress, nhưng ông Long có thú vui sưu tầm tiền và tem cổ, đây là sở thích của ông thời còn đi học phổ thông… Nói về đam mê của mình, ông Long cho biết, cái thú của những người yêu thích những "món này" là được gặp gỡ, trao đổi với những người có chung niềm đam mê, chia sẻ về những kỳ công của mình để có được món đồ yêu thích - những thứ có giá trị tinh thần cao hơn giá trị vật chất. Những lúc như thế, những mệt mỏi, căng thẳng dường như tan biến hết. Cũng có khi tôi và người thân trong gia đình cùng xem một bộ phim hay, cùng chọn một chỗ ăn uống ngon để thưởng thức.

Mỗi tuần, dù bận đến đâu ông cũng không bỏ qua một buổi dạo nhà sách, mua sách, sưu tầm tranh và dành một buổi gặp gỡ nhóm bạn bè thân thiết. Có như vậy mình mới cân bằng được cuộc sống và công việc. Ông Long chia sẻ về những phút thư giãn cuối tuần của mình.