Những doanh nhân giỏi kiếm tiền năm 2014

Ông Trần Đình Long và Hòa Phát tiếp tục có thêm một năm tăng trưởng tốt nhờ mảng thép và ghi nhận lợi nhuận từ dự án Mandarin Garden. Cổ phiếu Hòa Phát tăng 35% từ đầu năm đến nay giúp cho tài sản của gia đình ông Long tăng thêm 1.907 tỷ đồng, bên cạnh đó 188 tỷ đồng cổ tức – tương ứng với tổng mức tăng xấp xỉ 2.100 tỷ đồng, đưa tài sản cá nhân lên hơn 5.740 tỷ đồng. Năm ngoái, ông Trần Đình Long nằm trong top 3 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.

Vợ ông Trần Đình Long, bà Vũ Thị Hiền trong năm 2014 tài sản cá nhân cũng được cộng thêm gần 490 tỷ đồng. Những cộng sự tại doanh nghiệp của ông chủ ngành thép này như Tổng giám đốc Trần Tuấn Dương, các thành viên Hội đồng quản trị - Nguyễn Mạnh Tuấn, Doãn Gia Cường cũng có thêm tổng cộng hơn 480 tỷ đồng.

Ngoài các thành viên của Tập đoàn Hòa Phát, trong danh sách top 20 doanh nhân bội thu từ sàn chứng khoán năm qua, các cá nhân hoạt động trong ngành thủy sản chiếm đa số. Vị nữ tướng ngành cá tra - bà Trương Thị Lệ Khanh - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Vĩnh Hoàn có tài sản tăng thêm 1.200 tỷ đồng, trong khi vợ chồng vua tôm Minh Phú - ông Lê Văn Quang và bà Chu Thị Bình cộng thêm vào tài sản gần 1.700 tỷ đồng cổ phiếu. Ái nữ của Chủ tịch Minh Phú - Lê Thị Dịu Minh cũng có tài sản tăng hơn 160 tỷ đồng trong năm nay.

Tại tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) của ông Đoàn Nguyên Đức dù mảng bất động sản đã được thu hẹp sau đợt tái cơ cấu, song các dự án trong lĩnh vực nông nghiệp (trồng mía, nuôi bò, cao su...) đã hỗ trợ đắc lực cho tốc độ tăng trưởng của công ty. Trong khi tại FLC, khoản lãi gần 240 tỷ đồng sau 9 tháng đã gấp hơn 5 lần cùng kỳ năm ngoái, kéo theo giá cổ phiếu từ đầu năm cũng tăng gần 15%.

Năm qua, HAGL cũng tập trung nguồn lực cho khu phức hợp tại Myanmar đồng thời có thêm nguồn thu mới từ bắp (ngô). Lợi nhuận của HAGL được kỳ vọng sẽ tăng đột biến khi đưa dự án Myanmar và cọ dầu vào khai thác; tuy vậy việc giá cao su giảm mạnh theo giá dầu sẽ là thách thức không hề nhỏ đối với HAGL. Năm 2014, ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai xếp thứ 3 trong số những người có tổng tài sản tăng mạnh nhất với gần 1.190 tỷ đồng.

Một doanh nghiệp khác trong ngành bất động sản là Quốc Cường Gia Lai cũng có những dấu hiệu khởi sắc. Bà Nguyễn Thị Như Loan - nữ tướng của Quốc Cường Gia Lai sau một năm chèo lái doanh nghiệp qua những tin tức nợ nần, đã có cuộc trở lại ấn tượng với giá trị tài sản cổ phiếu tăng hơn 230 tỷ đồng. 9 tháng đầu năm, Quốc Cường Gia Lai lãi gần 6 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ năm ngoái. Trước đó, công ty lãi vỏn vẹn hơn 400 triệu đồng trong năm 2013.

Năm 2013, ngành thủy sản đã trải qua một năm 2013 chật vật với những vụ việc tại Thủy sản Phương Nam, Thủy sản Bình An. Tuy nhiên, với quá trình tái cơ cấu mạnh mẽ, nhưng chính sách hỗ trợ vốn của Chính phủ và nhu cầu thế giới dần hồi phục, các doanh nghiệp thủy sản trong nước đã hồi sinh và ổn định trở lại.
Không được biết đến nhiều như Hòa Phát hay HAGL nhưng 2 doanh nghiệp thủy sản Minh Phú (MPC) và Vĩnh Hoàn (VHC) lại là những cổ phiếu ấn tượng nhất năm qua khi giá cổ phiếu cũng như lợi nhuận đều đạt mức tăng trưởng 3 con số.

Đầu năm nay, cổ phiếu MPC chỉ dao động quanh mức 20.000 đồng/cp nhưng sau đó đã tăng lên xấp xỉ 100.000 đồng trước khi điều chỉnh về quanh mức 80.000 đồng như hiện tại. Hiện Minh Phú đang tiến hành mua lại cổ phiếu của cổ đông nhỏ lẻ để chuẩn bị cho việc hủy niêm yết.

Tăng gần 1.900 tỷ đồng trong năm 2014, chủ tịch Minh Phú Lê Văn Quang cùng vợ là bà Chu Thị Bình hiện sở hữu lượng cổ phiếu trị giá hơn 2.600 tỷ đồng, chia đều cho cả hai người.

Trong khi Minh Phú chuyên về tôm thì Vĩnh Hoàn của bà Trương Thị Lệ Khanh lại chuyên về xuất khẩu cá tra. Với lượng cổ phiếu trị giá 1.700 tỷ đồng, bà Khanh hiện là đại diện duy nhất của ngành thủy sản đứng trong top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán.

Ông Dương Ngọc Minh - doanh nhân lão luyện trong ngành cá tra cũng có thêm 690 tỷ đồng từ nắm cổ phần Công ty Thủy sản Việt Thắng và Hùng Vương.