Năm 2015, chúng tôi định hướng tập trung vào lĩnh vực kinh doanh cốt lõi là tôn, thép, nhựa. Cụ thể, đầu tư để nâng cao năng lực cung ứng hàng hóa cho thị trường miền Bắc và miền Trung, hoàn thành và đưa vào hoạt động Nhà máy Ống thép Bình Định trong tháng 12/2014 và Nhà máy tôn Hoa Sen Nghệ An trong năm 2015; nâng chi nhánh từ 150 lên khoảng 300 trong 3 năm tới; chuẩn bị nhân lực để thực thi hiệu quả chiến lược của Tập đoàn cũng như ứng phó và thích nghi với biến động của thị trường.


Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen (HSG)

Đối với thị trường bên ngoài, nhiều quốc gia có xu hướng bảo hộ sản xuất trong nước. Điều này gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Chúng tôi ứng phó bằng cách đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; tư vấn chuyên gia tư vấn, luật sư hàng đầu trong lĩnh vực phòng vệ thương mại; thành lập Tổ chống kiện bán phá giá; phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, cơ quan trong nước và nước ngoài có liên quan khi phát hiện trường hợp có nước không tuân thủ nguyên tắc chung của WTO.

Giữ vững sân nhà để vươn ra sân người.


Ông Nguyễn Lộc, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dây cáp điện

Năm 2014, Công ty CP Dây cáp điện (Capi) đạt kế hoạch cả doanh thu và lợi nhuận. Cổ tức năm 2014 khoảng 20%. Năm 2015, chúng tôi tự tin xây dựng kế hoạch doanh thu thuần đạt 5.300 tỷ đồng (tăng 15,22% so với năm 2014) và lợi nhuận trước thuế đạt 180 tỷ đồng (tăng 12,90% so với năm 2014), cổ tức từ 25 - 30%.

Trong chiến lược phát triển từ năm 2012 - 2017 và tầm nhìn đến năm 2020, Capi xác định quay lại ngành cốt lõi là sản xuất dây cáp điện, với tốc độ tăng doanh thu và lợi nhuận bình quân từ năm 2012 - 2017 đạt khoảng 15-20%/năm, giữ vững thị trường sân nhà.

Trên lộ trình khẳng định vị thế ở ASEAN vào năm 2020, Capi đối mặt với nhiều thách thức, về tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ và đặc biệt là sự cạnh tranh gay gắt từ các thương hiệu lớn trong khu vực ASEAN.

Ở trong nước, áp lực cạnh tranh rất lớn khi gần 200 doanh nghiệp đang hoạt động, trong khi hệ thống quản lý chất lượng chưa chặt, ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp trong ngành.

Cơ hội cho nhà xuất khẩu Việt Nam.

Ông Võ Minh Nhựt, Tổng giám đốc Công ty TNHH BlueScope Việt Nam

Việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ tạo ra cơ hội và thách thức cho cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực cơ khí, xây dựng như chúng tôi. Đang có nhiều câu hỏi cần giải đáp, đó là liệu cơ cấu đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong giai đoạn sắp tới sẽ thay đổi như thế nào; liệu rằng doanh nghiệp khi tham gia đấu thầu, thiết kế, thi công dự án nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam có dễ dàng hơn so với hiện nay hay không.

Chúng tôi hy vọng rào cản về thương mại, các biện pháp phòng chống bán phá giá, tự vệ thương mại sẽ giảm đi, và như vậy cơ hội cho các nhà xuất khẩu của Việt Nam cao hơn.

Đầu tư xuất khẩu hàng nông sản chất lượng cao.


Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Intimex

Năm 2015, Việt Nam sẽ hội nhập mạnh mẽ với thế giới. Nếu không chuẩn bị đầy đủ để đón cơ hội, rủi ro với doanh nghiệp sẽ rất lớn.

Nguyên tắc cạnh tranh là ai mạnh hơn sẽ thắng. Nếu một doanh nghiệp không đủ cơ sở vật chất, không đủ đội ngũ cán bộ và không đủ tầm, thì họ sẽ thua những doanh nghiệp có đủ các yếu tố đó.

Để chuẩn bị cho giai đoạn cạnh tranh mới, chúng tôi tập trung đầu tư xuất khẩu hàng nông sản chất lượng cao. Chúng tôi hiểu rằng, nếu không vượt qua được điều này, bản thân doanh nghiệp sẽ đối diện rủi ro.

Cơ hội mở đến đâu, mình phải nỗ lực hơn đó để nắm bắt. Chúng tôi sẽ xây dựng thêm nhà máy chế biến đặt ở các vùng nguyên liệu, tạo cơ hội đêể người nông dân bán sản phẩm trực tiếp cho Intimex với giá tốt nhất.

Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ phối hợp với người nông dân, có giải pháp phù hợp để tạo ra sự ổn định về giá cả trên thị trường trong nước và có lợi cho giá xuất khẩu.

Tôi mong rằng, Intimex và các doanh nghiệp liên kết để đảm bảo sự ổn định giá cả hàng nông sản xuất khẩu, đảm bảo quyền lợi cho nông dân.

Đã vượt qua giai đoạn khủng hoảng.


Ông Trịnh Tiến Dũng, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty cổ phần Cơ khí xây dựng - thương mại Đại Dũng

Doanh nghiệp được hưởng lợi nhiều từ những cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, từ sự ổn định của chính sách tài chính - tiền tệ và nhiều giải pháp hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp. Nhờ vậy, nhiều doanh nghiệp như chúng tôi đã vững bước vượt qua thời buổi khủng hoảng kinh tế và tiếp bước vào năm 2015 một cách tự tin hơn.

Sản phẩm kết cấu thép của Đại Dũng đã và đang xuất khẩu đi 25 nước trên thế giới. Chúng tôi có 4 nhà máy kết cấu thép quy mô lớn, gồm 8 xưởng chuyên sản xuất kết cấu thép, với diện tích gần 400.000 m2 (40 ha), trang thiết bị máy móc hiện đại. Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh tăng trưởng doanh từ 20% đến 25% trong các năm qua.

“Đánh mạnh” ở tất cả phân khúc.


Ông Võ Anh Tài, Tổng giám đốc Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist

Chúng tôi đã trải qua một năm với đủ cung bậc cảm xúc, với những biến động của ngành du lịch vì thiên tai, dịch bệnh hay sự kiện chính trị không tốt, các chỉ số kinh tế chưa thật sự khởi sắc.

Tuy nhiên, kinh doanh vẫn là kinh doanh, nên chúng tôi không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh theo trục đa phương, đa quy mô trên 3 lĩnh vực kinh doanh chính của Saigontourist gồm lữ hành, lưu trú và giải trí. Việc bám chắc trục đó giúp chúng tôi đạt tổng doanh thu trên 3.500 tỷ đồng, tăng 400 tỷ đồng so với năm 2013 và được công nhận đứng đầu trên cả ba mảng trong ngành du lịch Việt Nam.

Ở thị trường Việt Nam, chúng tôi tiên phong trong phát triển du lịch tiết kiệm. Trong năm 2015, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh đa dạng các dòng sản phẩm, từ du lịch tiết kiệm đến du lịch cao cấp đến các thị trường khác nhau. Đối với thị trường quốc tế, Saigontourist xác định đầu vào du lịch cao cấp. Hiện chúng tôi là đại diện du lịch cao cấp cho các hãng tàu châu Âu, châu Á, chủ yếu là Pháp, Italia và một số thị trường khác bắt đầu có dấu hiệu tốt như Ấn Độ.

Tập trung phát triển bền vững.


Ông Petrus Ng, Tổng giám đốc BASF Việt Nam

Việt Nam là một trong những thị trường tại châu Á - Thái Bình Dương mà BASF nhận thấy có cơ hội rõ nét. Trong năm 2015, BASF luôn tìm kiếm các mối quan hệ hợp tác với doanh nghiệp trong nước và nước ngoài tại Việt Nam nhằm thúc đẩy các giải pháp phát triển bền vững.

Chúng tôi đầu tư vào nhà khoa học trẻ như thúc đẩy phát triển bền vững dành cho các nghiên cứu sinh tiến sỹ tại châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, đồng thời tạo cơ hội hợp tác với các nhà khoa học từ các nơi trong khu vực và trên thế giới; phát triển đội ngũ nhà khoa học tương lai thông qua BASF Kids’Lab, một chương trình giáo dục tương tác nhằm giới thiệu môn hoá học tới học sinh tiểu học. BASF vừa ra mắt phòng thí nghiệm cung cấp dịch vụ kỹ thuật liên quan tới sản phẩm nhựa PU tại Việt Nam.

Việc đầu tư này khẳng định cam kết của chúng tôi nhằm giúp khách hàng Việt Nam vượt qua thách thức trong lĩnh vực của mình bằng hiệu quả sản xuất hay giải pháp thân thiện môi trường.

Tạo dấu ấn “Made in Vietnam” trong khu vực ASEAN.


Ông Nguyễn Thành Phương, Tổng giám đốc Tập đoàn Kangaroo

Mở cửa bao giờ cũng mang đến thách thức mới, từ chất lượng dịch vụ, sản phẩm, sự sáng tạo, hoạt động truyền thông, thương hiệu… Nếu doanh nghiệp nội không bắt kịp với môi trường mới, doanh nghiệp ngoại sẽ thắng ngay trên sân nhà.

Chúng tôi đã chuẩn bị cho hội nhập từ 3, 4 năm trước, khi xác định sẽ trở thành tập đoàn số 1 Đông Nam Á vào năm 2016. Đó là tích lũy về vốn, cơ sở hạ tầng, độ phủ hàng hóa, đối tượng khách hàng. Có thể nói, Kangaroo đã cắm rễ sâu tại Việt Nam, sản phẩm phủ đến từng gia đình. Tại các thị trường khác, Kangaroo đã tạo ra dấu ấn mới về hàng “made in Vietnam” trong khu vực.

Khi gia nhập AEC, riêng các hoạt động xuất khẩu của Kangaroo sẽ thuận lợi hơn nhiều, thủ tục thuế quan, hải quan, các rào cản thương mại sẽ giảm đi đáng kể. Riêng việc giảm thiểu thời gian lưu thông hàng hóa đã là một thắng lợi lớn cho doanh nghiệp rồi.

Chăm chút cho sản phẩm thế mạnh.

Ông Nguyễn Xuân Hàn,Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ Phú Nhuận (MASECO)

Năm 2015, cạnh tranh quốc tế sẽ diễn ra ồ ạt và khốc liệt. Chúng tôi đang rà soát lại mình, chăm chút cho sản phẩm có thế mạnh và những giá trị cốt lõi cần được giữ gìn và phát triển.

Có thể nói, năm 2014, thành công với chúng tôi là đã đứng vững với doanh thu tăng 20%, bảo toàn như năm 2013, trong khi chi phí đầu vào tăng. Doanh thu xuất khẩu đạt hơn 1.000 tỷ đồng, trong nước khoảng 700 tỷ đồng.

MASECO hình thành từ sự sáp nhập các công ty dịch vụ khác nhau ở TP.HCM nên có nhiều lĩnh vực hoạt động. Chúng tôi đã tiết giảm, chỉ giữ lại những lĩnh vực kinh doanh thế mạnh là thương mại, xuất nhập khẩu, sản xuất kinh doanh sản phẩm điện tử, dịch vụ, khách sạn nhà hàng và kinh doanh bất động sản.

Kênh đầu tư hấp dẫn tập trung vào 5 lĩnh vực.


Ông Andy Ho, Giám đốc điều hành VinaCapital

Nền kinh tế Việt Nam tương đối ổn khi nhìn vào chỉ số lạm phát và lãi suất. Chi phí vốn thấp tạo cơ hội cho đầu tư..

Chiến lược đầu tư của VinaCapital trung và dài hạn nên không thay đổi khi thị trường lên xuống. Dĩ nhiên, có một số vấn đề liên quan đến giá dầu, đồng ruble, tăng trưởng của Trung Quốc chậm lại, Mỹ phục hồi… nên lượng tiền rút ra mạnh, kéo theo thị trường chứng khoán suy giảm. Nhưng, chúng tôi vẫn tiếp tục giải ngân, mua mấy công ty trên sàn chứng khoán và mấy công ty chưa niêm yết.

Về triển vọng đầu tư năm 2015, vàng không còn hấp dẫn. Những ngành nghề tăng trưởng mạnh là bất động sản, vật liệu và dịch vụ xây dựng, dịch vụ tiêu dùng, hàng tiêu dùng, nông lâm sản.

Chuyển từ đầu cơ sang đầu tư.

Ông Nguyễn Tuấn Hải, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Alphanam

Tôi nhìn nhận năm 2015 là một năm sáng sủa, ngày càng sáng sủa. Kết quả của những khoản đầu tư trước đã bắt đầu cho khai thác.

Riêng với Alphanam, sẽ có sự thay đổi về chiến lược kinh doanh khi có sự tham gia chính thức của những người kế nhiệm - hai người con của tôi.

Chúng tôi xác định không mở rộng kinh doanh, tập trung vào những hoạt động hiện có. Đó là bất động sản, sản xuất vật liệu xây dựng, hoàn thiện công trình xây dựng và đầu tư tài chính, mua bán - sáp nhập doanh nghiệp.

Trong lĩnh vực bất động sản, chúng tôi sẽ chuyển từ nhà đầu tư, nhà đầu cơ đất sang đầu tư phát triển các dự án trên quỹ đất sẵn có, chọn phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng. Về hoạt động mua bán – sáp nhập, cơ hội năm 2015 có thể sẽ không dồi dào. Chúng tôi đang cân nhắc những hình thức đầu tư phù hợp trong lĩnh vực này.

Cạnh tranh bằng nghiên cứu và phát triển.

Ông Nguyễn Quốc Khánh, Giám đốc điều hành Chuỗi cung ứng Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk)

Để chiến thắng trên thị trường sữa Việt Nam, doanh nghiệp phải được sự công nhận của người tiêu dùng. Để đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng lại không chỉ phụ thuộc vào tỷ lệ đàn bò nhiều hay ít mà là nghiên cứu và phát triển, đổi mới công nghệ, hoàn thiện hệ thống phân phối.

Chúng tôi xác định không chỉ cạnh tranh với các đối thủ trong nước mà còn cả các tập đoàn quốc tế. Mức độ cạnh tranh gay gắt, nhưng phải cạnh tranh ngang ngửa.

Tổng doanh thu thị trường sữa khoảng 3,5 tỷ USD, trong đó, chúng tôi vẫn đứng đầu, chiếm gần 50% thị phần.

Nhiều nhà đầu tư lớn sẵn sàng hoạt động.


Ông Atsushi Uehara, Tổng giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Long Đức

Khu công nghiệp Long Đức (huyện Long Thành, Đồng Nai) có tổng diện tích hơn 280 ha, tổng mức đầu tư của dự án là 1.000 tỷ đồng. Đây là KCN đa ngành và nhiều lĩnh vực như cơ khí, điện, điện tử, vật liệu cao cấp, dược phẩm, thiết bị trường học, văn phòng phẩm, bao bì, hàng trang trí nội thất …

Khi khánh thành tháng 9/2013, KCN Long Đức đã thu hút được 15 dự án của các doanh nghiệp Nhật Bản với tổng mức đầu tư khoảng 617 triệu USD; đã cho thuê được 80 ha và 3.300 m2 nhà xưởng.

Đến cuối năm 2014, tỷ lệ lấp đầy tại KCN Long Đức khoảng 60%, tổng mức vốn đầu tư 800 triệu USD. Nhiều nhà đầu tư lớn đã lắp đặt xong thiết bị, máy móc và sắp đi vào hoạt động sản xuất…

Sẽ mở rộng hoạt động.

Ông Sachin Somaiah Appaiah, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Molenbergnatie Việt Nam

Molenbergnatie Việt Nam (Bỉ) hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, vận hành kho ngoại quan, kho hàng hóa; lưu giữ, chế biến, bảo quản, đóng gói nông sản… Sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư với số vốn đăng ký ban đầu 17 triệu USD, tháng 3/2014, Công ty đã khởi công xây dựng tại KCN VSIP II-A.

Thị trường cà phê Việt Nam có sự phát triển tốt, nhiều khách hàng nước ngoài đã đến hợp tác. Tháng 12/2014, Công ty quyết định tăng vốn thêm 4 triệu USD. Tới đây, chúng tôi sẽ mở rộng lĩnh vực kho bãi, chế biến và bảo quản cà phê để đáp ứng nhu cầu khách hàng. Công ty cam kết đầu tư lâu dài nhưng cũng đề nghị chính quyền sớm giải quyết những khó khăn về hạ tầng kết nối để doanh nghiệp yên tâm hoạt động và mở rộng đầu tư.

Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã đến.

Ông Waraya Tsutomu, Tổng giám đốc Công ty TNHH Khu Kỹ nghệ Việt Nhật

Khu Kỹ nghệ Việt Nhật (VPTP) tại KCN Hiệp Phước có diện tích 13 ha, tổng mức đầu tư là 31 triệu USD được khởi công tháng 2/2014 và được đánh giá là KCN hỗ trợ tập trung đầu tiên của TP.HCM nhằm thu hút doanh nghiệp hỗ trợ của Nhật Bản…

Sau 11 tháng xây dựng, giai đoạn 1 đã hoàn thành phần hạ tầng. Trong đó, có 14.100 m2 nhà xưởng, văn phòng và nhà kho. Nhà xưởng cho thuê có 3 mô đun chính là 250 m2, 500 m2, 1.000 m2 và có thể lắp ghép lại thành nhà xưởng lớn hơn. Tại đây còn có tòa nhà văn phòng rộng 800 m2 với 2 tầng dành cho dịch vụ quản lý trọn gói. Sau khi VPTP hoàn thành giai đoạn 1, hàng chục doanh nghiệp Nhật Bản đã quan tâm, có kế hoạch thuê nhà xưởng. Trong thời gian tới, chủ đầu tư sẽ tiếp tục hoàn thiện nhà xưởng theo yêu cầu của khách hàng.