Những thành tựu trên cũng là một trong số 125 bài tham luận của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, cán bộ quản lý, lãnh đạo của thành phố và trong cả nước thảo luận tại hội thảo khoa học "TP.HCM – 40 năm xây dựng, phát triển và hội nhập". Chương trình do Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM tổ chức ngày 17-3 nhằm hướng đến kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2015).

Tăng trưởng bền vững

Phát biểu khai mạc hội thảo, Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải nhấn mạnh rằng trong suốt 40 năm qua kinh tế thành phố luôn duy trì mức tăng trưởng cao trong nhiều năm liên tục dù đối mặt với nhiều thách thức, bước đi từ đống tro tàn của cuộc chiến dai dẳng.

Theo đó, trong 10 năm (1975-1985), mức tăng GDP của thành phố chỉ tăng bình quân 2,7%/năm, thì trong giai đoạn 1991-2010 thành phố đạt tốc độ tăng trưởng khá cao với hai con số. Từ 2011 đến nay, thành phố cũng đạt mức tăng trưởng kinh tế xấp xỉ 10%/năm, gấp 1,6 lần mức bình quân chung của cả nước. GDP bình quân đầu người liên tục tăng nhanh, từ khoảng 700 USD giai đoạn 1995-1996, đến năm 2014 đã đạt mức 5.131 USD.

Ngoài ra, cơ cấu kinh tế trong suốt 40 năm qua của thành phố đã có sự chuyển biến rất tích cực, theo đúng định hướng đề ra. Đến năm 2014, tỷ trọng dịch vụ đã chiếm 59,6% trong GDP, công nghiệp và xây dựng chiếm khoảng 39,4%, khu vực nông nghiệp chỉ còn 1% và đang phát triển theo hướng hình thành một nền nông nghiệp đô thị sinh thái.

Kết quả trên còn có sự góp phần rất lớn của khu vực đầu tư FDI, vì đã đóng góp đến 23,8% trong tổng GDP của thành phố. Tính đến cuố năm 2014, toàn TP.HCM đã có 5.130 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký là 36,28 tỷ USD. Như vậy so với cả nước, TP.HCM chiếm 14,4% số vốn đăng ký và 30,1% số dự án đăng ký còn hiệu lực. Trong 2 tháng đầu của năm 2015, TP.HCM đã có 41 dự án FDI đăng ký mới và 20 dự án tăng vốn với tổng vốn đầu tư là 506 triệu USD.

Từ những nguồn lực tài chính trong và ngoài nước, thành phố đã tích cực đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, kết nối liên tỉnh và liên vùng. Từ đó, nhiều lực vực kinh tế khác như công nghiệp, hàng hải, bất động sản đã có điều kiện phát triển mạnh trong thời gian qua. Đặc biệt, thành phố đã mạnh dạn đầu tư một số tuyến đường cao tốc hiện đại như TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, TP.HCM – Trung Lương… và các tuyến đường sắt đô thị khối lượng lớn nhằm giúp đẩy nhanh tốc độ cạnh tranh kinh tế và hội nhập của thành phố với cả nước và các nước trên thế giới.

Tháp Bitexco, biểu tượng mới của TP.HCM

Mở rộng cơ sở hạ tầng

Nhiều chuyên gia khoa học tại hội thảo đều nhìn nhận, trong 40 năm qua, không gian đô thị TP.HCM đã mở rộng hơn với các chỉ số phát triển đáng khâm phục. Trong tầm nhìn phát triển không gian đô thị đến năm 2015, TP.HCM có hơn 600 đồ án quy hoạch với tổng diện tích là 60.700ha được pháp lý hóa, trong đó có 126 trường học các cấp với hơn 300.000m2 sàn xây dựng, 23 công trình y tế các loại với hơn 50.000m2 sàn xây dựng và gần 3 triệu m2 sàn xây dựng nhà ở các loại cho người dân, chưa tính đến nhà riêng lẻ do cá nhân tự xây dựng.

Ths. KTS Trần Trí Dũng, Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc TP.HCM, cho biết với chính sách kêu gọi nhiều nguồn vốn đầu tư để xây dựng các khu dân cư, khu đô thị mới có thời gian tăng nhanh đốt biến, cung cấp vài triệu m2 sàn nhà ở cho người dân trong thời gian ngắn, giải quyết hiệu quả bài toán thiếu chỗ ở cho người dân.

Nhiều năm qua, TP.HCM cũng đã thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn 5 huyện Củ Chi, Bình Chánh, Nhà Bè, Hóc Môn và Cần Giờ, với mô hình nhà ở gắn với sản xuất đã góp phần giải quyết nhu cầu chỗ ở ổn định cho người dân tại nhiều vùng ven, đời sống kinh tế còn quá nhiều khó khăn.

Mô hình tổ chức đô thị đa cực, thành phố trong gần 40 năm qua đã đầu tư hình thành nên các khu đô thị mới nhằm giải quyết tốt bài toán giãn dân. Trong đó, thành công lớn nhất phải kể đến là khu đô thị Phú Mỹ Hưng, khu đô thị Tây Bắc, hay như khu đô thị mới Thủ Thiêm đang được ưu tiên kêu gọi đầu tư phát triển hàng loạt dự án bất động sản…

Theo số liệu của Sở Xây dựng TP.HCM, với thêm hơn 8,3 triệu m² nhà ở được hình thành trong năm 2014, lũy kế từ năm 2011 đến nay, TP.HCM đã phát triển được 32,8 triệu m² sàn xây dựng nhà ở, đạt 84% so chỉ tiêu 39 triệu m² theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ IX. Cụ thể, TPHCM đã phát triển gần 29.500 căn chung cư thương mại (400 căn hộ hạng sang và 8.300 căn hộ cao cấp, gần 8.100 căn hộ trung cấp và 12.617 căn hộ bình dân); di dời, tháo dỡ, cải tạo, xây dựng mới và thay thế được hơn 320.000m² sàn chung cư cũ; hoàn thành 20 dự án nhà ở xã hội với quy mô hơn 6.000 căn với 379.000m² sàn xây dựng…

Các chuyên gia quy hoạch cho rằng, với xu hướng trở thành một siêu đô thị trong tương lai, TP.HCM đang phải đối mặt với việc “nở” các khu đô thị, khu dân cư. Do đó, giải pháp thiết kế đô thị đảm bảo được hài hòa nhu cầu ở của người dân trong và ngoài thành phố phải được tính trước một bước, nếu không thành phố sẽ là một đô thị lớn bị “nén” chặt.

Bên cạnh thành tựu đạt được, những hạn chế và các bài học kinh nghiệm về lãnh đạo phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, nghệ thuật tiến hành chiến tranh nhân dân, dựa vào dân, nhờ lòng dân và sức dân trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển thành phố hiện nay cũng được các diễn giả tham gia thảo luận. Những hạn chế, yếu kém trên tất cả các lĩnh vực được đem ra mổ xẻ, phân tích nguyên nhân, từ đó đề xuất những giải pháp khắc phục để thành phố ngày càng phát triển văn minh, hiện đại và nghĩa tình.