Thực tế, 2/3 phụ nữ Việt Nam từng chịu ít nhất một trong ba hình thức bạo lực thể chất, tinh thần và tình dục trong đời. 87% nạn nhân bạo lực gia đình không bao giờ tìm kiếm sự giúp đỡ của cơ quan chính quyền, dịch vụ chính thống. Nhiều thế hệ được nuôi dạy và lớn lên với niềm tin rằng nam giới là phái mạnh, có quyền làm những hành vi bạo lực với nữ giới. Ngược lại phụ nữ tin rằng những việc như thế là bình thường, là một phần của cuộc sống. Nguy hiểm hơn khi xã hội không cho rằng đấy là hành vi tội phạm.

Bên cạnh đó, việc mua bán trẻ em xuất hiện ở rất nhiều dạng khác nhau như mua bán trẻ em trong nội địa, qua biên giới, hoặc giữa các quốc gia và được tổ chức chặt chẽ, ở quy mô nhỏ...

Đây là một vấn nạn đau xót, trong khi Việt Nam đang làm mọi cách để tiến tới sự bình đẳng giới trong xã hội.

Từ khoảng 1 năm nay, một chiến dịch mang tên "Xương rồng trên cát" đã đồng hành với những người phụ nữ bị bạo hành bằng rất nhiều hoạt động ý nghĩa, như: tư vấn, tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng sống cho phụ nữ bị bạo hành, kêu gọi cộng đồng đóng góp những vật thiết yếu trong gia đình cho những nơi lánh nạn… được sự hưởng ứng rất mạnh mẽ từ cộng đồng.

Nhóm Xương rồng trên cát hiện có 55 thành viên chính làm việc ở những ngành nghề khác nhau, nhưng đến với nhau vì cùng chung một mong mỏi “phụ nữ sẽ không còn bị đánh – dù chỉ bằng một cành hoa”.

Khi chiến dịch được triển khai lập tức nhận được sự đăng ký rất nhiều của những người phụ nữ đang trong ngôi nhà lánh nạn mà Hội Phụ nữ gọi là “ngôi nhà bình yên”. Nhóm đã tổ chức đưa những người phụ nữ này đi khám bệnh chuyên khoa để phát hiện các vấn đề sức khỏe cho họ.

Nhóm cũng đã nhận được đăng ký tham gia thiện nguyện của hàng trăm người trên cả nước. Đồng thời, Nhóm cũng đã hình thành 6 điểm trên cả nước nhận đồ quyên góp để trợ giúp những người phụ nữ bị bạo hành.

Là người đầu tiên khởi xướng vs nhiều tâm huyết, bà Phan Thị Thùy Trâm cho biết “Lý do lớn nhất chúng tôi vẫn đang từng ngày xây dựng Chiến dịch lớn mạnh bởi vì chỉ có những người phụ nữ rơi vào bước đường cùng mới phải tìm đến những nơi lánh nạn, nên chúng ta không thể thờ ơ, lãng quên trước cảnh đời bất hạnh đó được. Và, chúng tôi muốn kêu gọi những người phụ nữ rơi vào hoàn cảnh này hãy liên lạc với chúng tôi để được tư vấn và hỗ trợ”.

Có thể nói, những phụ nữ bị bạo hành giờ đây sẽ không còn cô đơn, bởi bên cạnh họ luôn có những tấm lòng đồng cảm và thiện nguyện.