Sáng tạo gặt “quả ngọt”

Trong các thành quả năm 2016 của Nhà hát Múa rối Thăng Long có thể nói, việc đưa kịch bản chính kịch “Hồn Trương Ba da Hàng thịt” vào sân khấu múa rối là một quyết định sáng tạo và đầy táo bạo. Đây là lần đầu một vở rối được dàn dựng từ kịch bản chính kịch của đạo diễn Lưu Quang Vũ.

Tập thể cán bộ, nhân viên Nhà hát Múa rối Thăng Long luôn chủ động, sáng tạo, vượt khó và bước đầu gặt hái nhiều thành tựu rực rỡ

Khi có ý tưởng này, đạo diễn Lê Chí Kiên cũng nhận được nhiều phản hồi, trong đó phần nhiều là lo lắng về sự thất bại sẽ xảy ra. Tuy nhiêm đạo diễn Lê Chí Kiên vẫn quyết hiện thực hóa vở kịch này ở sân khấu múa rối bởi bằng trải nghiệm nghề và thấu hiểu khán giả luôn mong muốn được xem cái mới. Hơn ai hết, người nghệ sĩ phải hiểu rằng, để thu hút được khán giả đến với nhà hát, không có lời mời gọi nào thuyết phục hơn, hấp dẫn hơn là mang đến cho công chúng bữa tiệc nghệ thuật đầy mới lạ, bổ ích. Sự mới lạ ấy không phải theo quan điểm cá nhân chủ quan người nghệ sĩ, mà còn phải được đặt trong bối cảnh chung thị hiếu thưởng thức của khán giả và thị trường giải trí đương thời. Bởi lẽ, xã hội hiện đại ngày nay, trong sự bùng nổ của các loại hình truyền thông, giải trí thì công chúng có quá nhiều loại hình giải trí, quá nhiều lựa chọn.

Nhờ sự sáng tạo của vở “Hồn Trương Ba da Hàng thịt” đã mang lại sự bất ngờ thú vị cho khán giả, khi lần đầu tiên các diễn viên của nhà hát múa rối hiện diện trên sân khấu với diễn xuất trực tiếp của mình, chứ không chỉ thông qua con rối như trước nữa.

Kết quả là tháng 11 năm 2016, vở rối cạn thử nghiệm “Hồn Trương Ba da Hàng thịt” của Nhà hát Múa rối Thăng Long đã giành được giải tiết mục thử nghiệm rối xuất sắc tại Liên hoan Sân khấu thử nghiệm lần thứ 3 - 2016. Đồng thời, vở diễn đã mang lại nhiều giải thưởng cho các cá nhân, như: 02 Huy chương Vàng cá nhân (vai diễn Ông Đế Thích, vai vợ anh hàng thịt), 02 Huy chương Bạc cá nhân (vai ông Trương Ba và vai vợ ông Trương Ba)… Trước đó, tại Giải thưởng vở diễn dân khấu năm 2015 của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Nhà hát đạt Giải B cho vở diễn rối nước “Bay lên từ mặt nước”.

Nhà hát đạt Giải B cho vở diễn rối nước “Bay lên từ mặt nước”

Những thành tựu nổi bật của Nhà hát Múa rối Thăng Long mấy năm gần đây là minh chứng sống động cho một hướng đi đúng đắn là làm nghệ thuật phải bám sát hiện thực cuộc sống, phải đổi mới để đáp ứng nhu cầu mới. Rối nước không chỉ còn là những tích trò đơn lẻ mà đã được xây dựng thành những câu chuyện hấp dẫn người xem. Đặc biệt, việc đưa lên sân khấu nhiều vở mới hấp dẫn cũng là một trong những cách để các nhà hát cạnh tranh để tồn tại. NSND Nguyễn Hoàng Tuấn, Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long, chia sẻ: “Qua những thành công vừa qua, chúng tôi càng thấu hiểu rằng, sáng tạo là mệnh lệnh “sống còn” của Nhà hát”.

Doanh thu vượt trội

Chắc chắn chính nhờ vào việc thực hiện tốt mệnh lệnh sống còn đó mà những năm gần đây, Nhà hát Múa rối Thăng Long liên tục gặt hái thành công và trở thành một điểm sáng về năng lực “tự bơi” trong nền kinh tế thị trường, đồng thời vẫn luôn sẵn sàng tham gia và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị - xã hội của mình.

Đơn cử, chào mừng đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà hát đã chủ động biểu diễn chương trình Múa rối nước xem miễn phí (trong 3 ngày) phục vụ nhân dân cả nước và khách du lịch chương trình rối nước “Bay lên từ mặt nước” (đã đạt giải Huy chương Bạc tại Liên hoan múa rối Quốc tế lần thứ IV – Hà Nội 2015).

NSND Nguyễn Hoàng Tuấn, Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long: "Nhà hát sẽ chỉnh sửa và nâng cao chương trình múa rối nước gồm tích trò cổ truyền dân gian phục vụ nhân dân thủ đô và khách du lịch trong và ngoài nước với chất lượng ngày càng tốt hơn'.

Bên cạnh đó, vào dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, Nhà hát cũng tham gia biểu diễn nghệ thuật phục vụ đêm Giao thừa (29 Tết), chương trình: “Sắc xuân dân tộc 2016“ do Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức tại tượng đài Vua Lý Thái Tổ và Đền Ngọc Sơn phục vụ nhân dân Thủ đô Hà Nội. Cũng trong suốt dịp Tết Bính Thân, Nhà hát đã biểu diễn thường xuyên và liên tục Múa rối nước phục vụ nhân dân với tần suất biểu diễn 5 đến 6 buổi diễn mỗi ngày.

Trước đó, chào mừng 41 năm ngày giải phóng miền Nam (30/04/1975–30/04/2016) và ngày Quốc tế Lao động 1/5, ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6, Trung thu…, Nhà hát Múa rối Thăng Long đã biểu diễn nhiều chương trình nghệ thuật Múa rối nước đặc sắc (trong đó có nhiều suất diễn miễn phí và giảm giá tới 50%), phục vụ nhân dân Thủ đô và khách du lịch, như: Rối cạn: “Ông già xì tin”, “Chuột Mickey và Vịt Donal nhảy Híp hop”, “Mặt nạ biến hình”, “Những con Thiên Nga”, “Những Chú lùn nhảy điệu Gangnam Style”, “Vũ điệu Latin”, “Anh Hề làm xây dựng”…

Cùng với đó, công tác đối ngoại luôn chú trọng. Nhà hát đã tích cực cử diễn viên đi biểu diễn tại Trung Quốc (từ 17/11 đến 25/11/2016) trong chương trình quảng bá, giới thiệu nét đẹp, đặc sắc của nghệ thuật truyền thống Việt Nam thúc đẩy xúc tiến du lịch giữa 2 nước Việt Nam – Trung Quốc của Tổng cục Du lịch; tham gia Liên hoan nghệ thuật truyền thống Châu Á-Thái Bình Dương năm 2016 tổ chức tại Đài Loan (Trung Quốc)…

Bên cạnh những thành tựu về nghệ thuật, công tác tài chính của Nhà hát cũng đã chấp hành nghiêm túc chế độ công khai tài chính tại đơn vị. Đặc biệt là nhờ sáng tạo nghệ thuật mà năm 2016, Nhà hát đã biểu diễn 1.783 buổi, thu hút 410.090 lượt người xem đem lại tổng doanh thu 41,966 tỷ đồng. Đây là kết quả rất đáng khích lệ, vì dự toán Ngân sách Sở Văn hóa và Thể thao giao cho Nhà hát năm 2016 là 34 tỷ đồng, đơn vị thực hiện 41 tỷ 966 triệu đồng đạt vượt mức kế hoạch được giao 23,4%.

Trong bối cảnh chung là nghệ thuật truyền thống đang có nhiều khó khăn, nhưng năm vừa qua, Nhà hát Múa rối Thăng Long vẫn thu hút được nhân lực mới. Đó là Nhà hát đã tuyển dụng được 11 chỉ tiêu của 9 vị trí việc làm theo kế hoạch đã được duyệt, đã có 11 thí sinh trúng tuyển vào viên chức. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao Nhà hát đã trình Ban Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội, Sở Nội vụ xem xét, xin tăng thêm 3 chỉ tiêu hợp đồng NĐ 68 của năm 2017.

Trong công tác Đảng, Nhà hát cũng luôn quan tâm chăm lo bồi dưỡng, phát triển Đảng viên mới; cử cán bộ là nguồn tham gia học lớp Trung cấp lý luận Chính trị, đào tạo bồi dưỡng làm nguồn bổ sung kế cận sau này. Và công tác Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, hoạt động xã hội từ thiện… cũng được lãnh đạo Nhà hát và toàn thể cán bộ, nhân viên tích cực ủng hộ, tạo điều kiện để mọi thành viên, tùy theo vị trí, năng lực của mình để tham gia tích cực. Điều đó không chỉ góp phần chăm lo nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của các thành viên Nhà hát mà còn của xã hội.

Nhà hát cũng nhận đào tạo, hướng dẫn 7 học sinh về Múa rối của khoa Kịch hát dân tộc trường đại học Sân khấu Điện ảnh để các em có thực tế chuyên môn về Múa rối.

Nhà hát cũng đã cải tạo, sửa chữa chỉnh trang mặt Rạp để phù hợp với yêu cầu thẩm mỹ thực hiện sự chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội, phù hợp với không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận.

Gắn với hoạt động biểu diễn, công tác an toàn về phòng cháy chữa cháy cũng được Nhà hát thực hiện nghiêm túc, không để xảy ra cháy nổ và tăng cường kiểm tra việc thực hiện an toàn về cháy nổ, an toàn dùng điện trong năm 2016. Thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn, trật tự an ninh cho khách đến xem biểu diễn nghệ thuật, không để xảy ra việc mất tài sản của Nhà hát, không có sự cố...

Chỉnh sửa và nâng cao chương trình múa rối nước

Kế thừa các thành quả những năm qua, trong số các nhiệm vụ của Nhà hát năm 2017 này, NSND Nguyễn Hoàng Tuấn, Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long, cho biết: Nhà hát sẽ chỉnh sửa và nâng cao chương trình múa rối nước gồm tích trò cổ truyền dân gian phục vụ nhân dân thủ đô và khách du lịch trong và ngoài nước với chất lượng ngày càng tốt hơn.

Nhà hát sẽ chỉnh sửa và nâng cao chương trình múa rối nước để chất lượng ngày càng tốt hơn

Thi đua lập thành tích chào mừng 87 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 – 3/2/2017)…; Tham gia Liên hoan quốc tế Materina Prima lần thứ 4 tại Crakov Ba Lan tháng 2/2017; Tham dự Liên hoan độc tấu, hòa tấu nhạc cụ dân tộc truyền thống các Đoàn nghệ thuật toàn quốc dự kiến tổ chức đầu năm 2017 tại khu vực phía Bắc với mục tiêu đạt thành tích cao…; Triển khai kế hoạch cho liên hoan múa rối quốc tế năm 2018. Đặc biệt là tăng cường chăm lo và quan tâm đến đời sống của người lao động, không ngừng nâng cao vật chất, tinh thần cho CBCNV; xây dựng Chi bộ, Công đoàn, Chi Đoàn đơn vị, trong sạch, vững mạnh, học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ Tịch Hồ Chí Minh, chăm lo phát triển đảng, công đoàn, đoàn thanh niên đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Mặc dù, năm 2016 đã đạt những thành tựu quan trọng, nhưng Nhà hát cũng tự nhận thấy còn nhiều hạn chế. Trong đó, công tác giáo dục chính trị tư tưởng, thực hiện nội quy, quy chế của đơn vị, phòng chống cháy nổ được triển khai thực hiện thường xuyên nhưng hiệu quả chưa cao, nhận thức của một bộ phận cán bộ công nhân viên chưa thực sự tốt, dẫn đến hiện tượng một số cán bộ công nhân viên chưa thực hiện triệt để những công tác trên. Ngoài ra, công tác an ninh trật tự trong phạm vi Nhà hát vẫn chưa xử lý triệt để, nên vẫn còn cảnh hàng rong chèo kéo, đeo bám khách./.