Tò he: Từ những nguyên liệu đơn giản có sẵn ở đồng quê Việt

Tò he được làm từ bột gạo và nếp trộn với nhau theo tỉ lệ. Từ những nguyên liệu đơn giản có sẵn ở đồng quê Việt như vậy qua bàn tay của các nghệ nhân được nhào nặn thành những hình thù khác nhau như con công, con phượng, hình bông hoa hay thậm chí là các nhân vật hoạt hình được các em nhỏ yêu thích. Các nhân vật được nhào nặng qua bàn tay của các cụ có màu sắc rất sống động bắt mắt và giống thật. Để làm được như vậy phụ thuộc rất nhiều vào ban tay của người làm và nguyên liệu làm chúng. Thường để bột không bị khô, tò le không được làm trước ở nhà. Tại nơi bán người nghệ nhân sẽ nhào bột trộn màu và tạo hình bán tại chỗ. Món đồ chơi này có nguồn gốc từ làng Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội.

Tò he là một phần ký ức

Ban đầu, ở miền Bắc nước ta tò he được xem là một vật phẩm thờ cúng, lâu dần trở thành trò chơi của các bạn nhỏ và di chuyển khắp mọi miền đất nước. Thuở ấu thơ khi tan học được ba mẹ mua cho một con tò he là ai cũng vui đến cười tít mắt. Dẫu món đồ chơi này có thể ăn được và hương vị của nó cũng khá ngon thế nhưng không một bạn trẻ nào nỡ lòng làm vậy. Tò he sau khi nặn ra gió một thời gian sẽ khô cứng lại và được lưu giữ như một vật kỷ niệm.

Sự phát triển của nghề làm tò he

Theo sự phát triển của nền kinh tế thị trường, ngày càng có nhiều thứ đồ chơi hiện đại được gia nhập vào Việt Nam. Tuổi thơ của các em bây giờ không còn là những buổi chiều cùng các bạn chơi thả diều, bắn bi hay trốn tim trên cánh đồng. Thay vào đó là công cuộc chạy “show” cắm mặt vào sách vở, học thêm, học các môn năng khiếu. Đồ chơi của các em bây giờ cũng không phải là lồng đèn giấy, hay những con tò he như thời cha ông mà là các xe ô tô, búp bê, các đồ chơi điện tử khác. Nhịp sống hối hả của ba mẹ cũng cuốn các em đi theo để khi lớn lên tuổi thơ của các em sẽ không có nhiều kỷ niệm đáng nhớ như thời cha chú của mình. Cũng bởi lẽ vì nhu cầu của xã hội mà giờ đây nghề làm tò he đã không còn phát triển như trước. Nhưng dù thế nào đi nữa, tò he vẫn là một kỷ niệm một phần ký ức khó quên cũng như một nét đẹp văn hóa của Việt Nam xưa cần được bảo tồn và phát huy./.