Đó là chia sẻ của ông Phạm Hoàng Long, Tổng giám đốc CTCP Thực phẩm Lâm Đồng - Ladofoods (VDL), doanh nghiệp sở hữu thương hiệu Vang Đà Lạt đang dẫn đầu tại thị trường Việt Nam.

Ông Phạm Hoàng Long, Tổng giám đốc CTCP Thực phẩm Lâm Đồng tại showroom

Vang Đà lạt do Ladofoods sản xuất là thương hiệu vang đầu tiên mà người Việt sở hữu, có thể được gọi là “niềm tự hào vang Việt”; vì vang trước giờ vang được biết đến với xứ sở của các nước xa xôi như: Pháp, Chilê, Úc, Mỹ ... Cái giống nho làm nên thứ rượu sóng sánh, hương vị đặc trưng làm say hồn bao người này cũng khác lạ: phải khí hậu khô cằn, phải ít mưa, phải ở nơi cao mới có được thứ nho chát để làm rượu. Vậy mà tại Đà Lạt, Ninh Thuận và một số vùng khác thứ nho ấy đã được vun trồng, lên men bằng chính bàn tay người con người Việt Nam chịu thương, chịu khó.

Ấy thế mà, đại đa số người Việt lại chưa hiểu và dùng nhiều thứ thức uống này vì vẫn bị ảnh hưởng bởi xu hướng tiêu dùng rượu gạo, rượu ngô đã ăn sâu vào nếp văn hóa. Khi kinh tế phát triển, rượu ngoại lại được lựa chọn theo xu hướng “sính ngoại”. Tuy nhiên, thời gian gần đây, xu hướng này đã có sự dịch chuyển mạnh qua vang, khi người dân bắt đầu ý thức hơn về sức khỏe cũng như những tác hại của bia rượu. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh tác dụng của rượu vang đỏ: phòng chống lão hóa, kéo dài tuổi thọ; chống béo phì; ngừa ung thư và phòng chống bệnh tim mạch và đột quỵ. Lời khuyên của các chuyên gia dinh dưỡng là những người trong độ tuổi trung niên trở lên, nếu mỗi bữa ăn uống thêm 1-2 ly rượu vang đỏ sẽ rất tốt cho tim mạch và ăn uống.

Tại các nước châu Âu, Pháp mỗi người tiêu thụ khoảng 30- 50 lít/ năm, trong khi tỷ lệ này tại Việt Nam chỉ khoảng 250 ml/ người, tính ra mỗi năm người Việt chỉ dùng khoảng 1 ly vang/người. Uống vang là uống cảm xúc, là cảm nhận hương vị và đó là cả một nghệ thuật: từ khâu chọn giống nho, trồng, lên men ... Hiểu hết về vang rất khó, nhưng thứ nước uống màu đỏ, sóng sánh với mùi thơm đặc trưng của gỗ sồi, hương trái cây vẫn đang làm say hồn biết bao thực khách khi đặt chân đến Việt Nam và các vùng đất sản sinh ra vang của người Việt. Và chuyện vang đi vào “bữa ăn gia đình Việt” chỉ còn là câu chuyện của thời gian.

Vùng nguyên sạch, sự phát triển bền vững của rượu vang

Việt Nam có nhiều vùng đất và khí hậu đặc trưng khô, nóng, ẩm rất thích hợp cho sinh trưởng, phát triển cây nho. Một trong những vùng có diện tích trồng nho lớn nhất nước ta là Ninh Thuận, với khoảng 2.500 ha, tuy nhiên, hầu hết vùng nguyên liệu trồng nho vang theo hướng công nghiệp chưa được hình thành, mà người dân chủ yếu vẫn dùng nho ăn tươi để chế biến vang, cho nên chất lượng rượu vang của Việt nam chưa cao; thiếu sức cạnh tranh so với các sản phẩm ngoại nhập. Thêm vào đó, các cơ sở sản xuất vang còn nhỏ lẻ, manh mún, thiếu đầu tư công nghệ, máy móc, chủ yếu sản xuất theo phương pháp truyền thống. Nhận được thực trạng của ngành rượu vang Việt Nam, Ladofoods đã nghĩ đến việc giải “bài toán” vùng nguyên liệu sạch, áp dụng công nghệ châu Âu, để cho những trái nho có chất lượng tương đương với nho ngoại.

Năm 2008, Ladofoods hợp tác với Công ty P&P Import Export France thành lập Công ty Liên doanh Vang Đà Lạt, đầu tư trang trại trồng rượu nho, sản xuất các loại vang theo chất lượng của Pháp tại Lâm Đồng. Cùng năm, công ty đã nhập 4 giống nho đỏ của Pháp: Syrah, merlot, carbenet sauvignon, carbenet trồng thử nghiệm tại Đơn Dương – Lâm Đồng; đến tháng 5/2009 tiếp tục trồng thêm 3 giống nho trắng là Sauvignon Blanc, Chardonnay & Mauzac. Đến nay, 2 giống nho Syrah va Sauvignon Blanc có kết quả khá tốt, thích nghi với điều kiện tự nhiên tại Lâm Đồng.

Tháng 8/2013, Ladofoods đã triển khai mô hình trồng rượu nho theo phương pháp BIO của châu Âu nhằm phát triển vùng nguyên liệu chủ động, chất lượng, an toàn phục vụ chế biến các sản phẩm rượu Vang Đà Lạt. Bên cạnh đó, phối hợp, hướng dẫn các hộ nông dân trồng nho tại Ninh Thuận, nhân rộng mô hình trồng nho rượu theo công nghệ mới của công ty. Sau hơn một năm triển khai, dưới sự hướng dẫn trực tiếp của chuyên gia người Áo, Tiến sĩ Milan Hluchy, Chủ tịch Hiệp hội Nho hữu cơ (Cộng hòa Séc), đến nay đã có 1 ha được phủ xanh theo phương pháp trồng hàng rào và 18 ha giàn truyền thống (vẫn áp dụng mô hình trồng rượu nho theo phương pháp BIO của châu Âu). Kết quả cho thấy cây sinh trưởng tốt, bộ cành lá khỏe và ít sâu bệnh. Dự kến sẽ nhân rộng, phát triển diện tích trồng nho tỉnh Ninh Thuận lên 100 ha, năng suất khoảng 30 tấn/ ha/ năm; hàng năm công ty bao tiêu sản phẩm từ các hộ nông dân khoảng 3-4 nghìn tấn/ năm, đủ để nâng công suất nhà máy lên 5 triệu lít/ năm. Trong đó có những dòng sản phẩm chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh với các loại vang ngoại nhập đang có trên thị trường. Ông Phạm Hoàng Long, Tổng giám đốc Ladofoods chia sẻ “Chúng tôi định hướng việc phát triển vùng nguyên liệu bền vững, nâng cao chất lượng trái nho, áp dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất rượu vang, cho chất lượng tương đương các dòng vang ngoại nhập, đủ sức cạnh tranh trên thị trường; Bên cạnh đó, phát triển vùng nguyên liệu sạch phải đồng hành với sự phát triển kinh tế, quyền lợi của các hộ trồng nho, người lao động tại địa phương”.

Ông Dr. Milan Hluchy, Chủ tịch Hiệp hội Nho hữu cơ đang hướng dẫn canh tác, chăm sóc vườn nho theo phương pháp BIO tại vườn nho Tỉnh Ninh Thuận

Nho trồng theo phương pháp trồng hàng rào, chất lượng nho được kiểm soát theo quy trình

Chỉ mới ở giai đoạn đầu của việc phát triển vùng nguyên liệu, nhưng đây được đánh giá là dự án đầy tiềm năng, sẽ mang đến những thay đổi lớn về chất lượng vang không chỉ của Ladofoods mà còn góp phần vào sự cải thiện chất lượng rượu vang Việt Nam, cũng như tăng sức cạnh tranh của vang so với các dòng vang ngoại nhập.

Hà Phương