Dưới đây là những điều bạn cần biết để từ chối lời mời làm việc một cách khôn ngoan nhất.

Phản hồi với nhà tuyển dụng ngay khi bạn có quyết định của mình

Khi nhận được lời mời làm việc từ nhiều công ty, bạn cần nhanh chóng đưa ra quyết định của mình và hoàn toàn chắc chắn về quyết định đó. Vì một khi đã thông tin từ chối đến nhà tuyển dụng thì gần như không có cơ hội quay lại. Bạn tuyệt đối không “nước đôi”, lề mề, trì hoãn việc từ chối nhận việc. Điều này có thể biến một sự thất vọng bình thường nhân lên gấp đôi vì bạn đang làm lãng phí thời gian của nhà tuyển dụng và họ vẫn còn những ứng viên khác đang chờ đợi.

Kết hợp gửi email và gọi điện từ chối

Đa số mọi người thường chọn email là phương tiện để từ chối lời mời việc. Việc viết thư điện tử có lợi thế là bạn không cần phải đối thoại trực tiếp với nhà tuyển dụng, bạn sẽ tránh được sự lúng túng hoặc có nhiều thời gian để trau chuốt câu chữ trong thư. Sử dụng cách này vẫn rất hiệu quả nhưng qua email, nhà tuyển dụng sẽ không cảm thấy được sự tiếc nuối, chân thành của bạn như là việc trao đổi bằng lời nói. Lúc này gọi điện thoại có vẻ sẽ phát huy thế mạnh tốt hơn. Ngoài việc thể hiện tính nhanh chóng, kịp thời, khi gọi điện và nói chuyện với nhà tuyển dụng, bạn đã phần nào dành được thiện cảm và ấn tượng từ họ. Rất có thể, họ sẽ tiếp tục liên lạc với bạn trong tương lai cho những vị trí khác.

Cách tốt nhất là bạn kết hợp cả việc gửi email và gọi điện trao đổi để tận dụng ưu điểm từ hai hình thức này.

Thể hiện sự trân trọng, biết ơn

Nhà tuyển dụng thường tốn nhiều thời gian cho việc tìm kiếm ứng viên, chọn lọc hồ sơ, tiến hành phỏng vấn và gửi thư nhận việc. Nhưng khi họ nhận lại sự từ chối đồng nghĩa với việc họ phải lập lại một vài bước hoặc cả quy trình tuyển dụng. Thể hiện sự cám ơn vì họ đã dành thời gian cho bạn cũng là cách tạo thiện cảm với nhà tuyển dụng. Ví dụ như: “Cám ơn anh/chị đã dành thời gian để xem xét hồ sơ và phỏng vấn… Tôi hy vọng sẽ có cơ hội hợp tác cùng anh/chị trong tương lai.” Hoặc nếu bạn thực sự thích công ty và nhân sự đã phỏng vấn bạn hãy nói điều gì đó như “Tôi rất thích công ty và thực sự ấn tượng với những gì bạn đang làm cho các ứng viên nhưng cũng rất tiếc vì chúng ta chưa có cơ hội hợp tác lúc này…”

Đưa ra lí do rõ ràng, ngắn gọn

Cách tiếp cận tốt nhất là ngắn gọn nhưng trung thực về lý do cụ thể của bạn về việc không chấp nhận vị trí, nói điều gì đó như “Sau khi xem xét cẩn thận, tôi đã quyết định chấp nhận một vị trí tại một công ty khác” hoặc “Sau nhiều suy nghĩ và cân nhắc mẫu mô tả công việc, tôi đã quyết định rằng bây giờ không phải là thời điểm tốt nhất để rời khỏi vị trí hiện tại của tôi” hay “Mặc dù vị trí này có vẻ như là một cơ hội tuyệt vời, tôi đã quyết định theo đuổi một vai trò khác sẽ mang đến cho tôi nhiều cơ hội hơn để theo đuổi sở thích của mình về tiếp thị và truyền thông xã hội.”

Nhưng nếu vị trí đó có vẻ “khủng khiếp” và lý do thực sự duy nhất bạn có là bạn sẽ chấp nhận tình trạng thất nghiệp còn hơn là chấp nhận nó, thì chỉ cần nói đơn giản “Công việc này không phù hợp với mục tiêu nghề nghiệp của tôi vào lúc này”.

Kết thúc bằng cách để “cánh cửa mở”

Hãy cố gắng tích cực trong suốt lá thư hoặc cuộc nói chuyện của bạn. Nhiều ngành công nghiệp là một thế giới nhỏ, vì vậy bạn không nên “đốt cháy” bất kỳ mối quan hệ nào bằng cách tiêu cực. Nếu bạn biết con đường của bạn đi có thể gặp lại nhà tuyển dụng trong tương lai, hãy đề cập đến điều đó và nói rằng bạn rất mong cuộc gặp gỡ đó.

Nếu bạn đã dành thời gian để tạo ra một bức thư được viết tốt hoặc lên kế hoạch chính xác những gì bạn sẽ nói trong cuộc gọi, bạn sẽ để lại ấn tượng tốt hơn. Bạn không bao giờ biết khi nào mình có thể gặp lại hoặc hợp tác với với công ty hay cá nhân đó một lần nữa.