Bài trí trái cây cho chụp ảnh nghệ thuật

Food Stylist là gì?

Food Styling bao gồm nhiều công đoạn, từ trang trí, bày biện món ăn sao cho đẹp, còn sắp đặt để trình diễn bắt mắt và thu hút, chụp ảnh nghệ thuật cho món ăn. Mỗi Food Stylist khi bước chân vào thế giới ẩm thực đều là những tâm hồn yêu ẩm thực, được trang bị đầy đủ kiến thức không chỉ về ẩm thực mà còn về mỹ thuật, không chỉ có góc nhìn thẩm mỹ mà còn phải có sự sáng tạo, tinh tế, tỉ mỉ, kiên nhẫn khi thao tác trên món ăn. Các food stylist còn phải có những kiến thức về nhiếp ảnh, quay phim, làm quảng cáo, sử dụng các đạo cụ một cách khéo léo để tạo điểm nhấn cho món ăn, cuối cùng đưa ra ra những sản phẩm hữu dụng cho các đối tác. Và người Food Stylist nếu có thể tạo cho mình một phong cách trang trí món ăn riêng sẽ tạo nên được dấu ấn thương hiệu của riêng mình. Đó là một thử thách lớn bởi đây là công việc vô cùng kỳ công.

Thành công trong nghề

Công việc này tuy có vẻ lạ lẫm tại Việt Nam nhưng cũng đã mang đến không ít thành công nhất định cho các bạn trẻ trong nghề. Có thể kể tới một vài cái tên quen thuộc trong làng Food styling Việt Nam như: Bùi Lý Tiến Nguyên, Nguyễn Quang Việt, Nguyễn Đăng Phương, ... Có những người xuất phát điểm có trình độ chuyên môn liên quan đến ẩm thực, nhưng cũng có những bạn trẻ chỉ là tay ngang, nhờ sự đam mê, ham học hỏi, chịu khó mày mò và thực hành trải nghiệm mà họ đều đạt đến đích thành công.

Trang trí món ăn tại nhà hàng

Các yếu tố trong công việc

Công việc Food Styling có không gian làm việc linh hoạt, bạn có thể làm việc ở nhà hàng và trong studio tuỳ theo yêu cầu của đối tác mà bạn làm việc cùng. Công việc đôi khi sẽ cần đến sự hợp tác làm việc nhóm, mỗi người một công đoạn để hoàn thiện thành phẩm, tự trang bị kỹ năng làm việc nhóm sẽ giúp bạn thích nghi tốt hơn trong công việc. Ngoài ra kỹ năng sắp xếp thời gian, lên lịch trình, giải quyết nhanh các vấn đề phát sinh trong công việc cũng rất cần thiết. Về chủ đề sản phẩm, thường là tự do sáng tạo, nhưng đôi khi cũng sẽ là chủ đề do đối tác đưa ra để phù hợp với một dịp lễ bất kỳ trong năm. Để làm việc trong ngành này, bạn sẽ cần có trình độ học vấn tốt nghiệp chuyên ngành ẩm thực hay có bằng cấp liên quan đến hội hoạ, kiến trúc, thiết kế. Bên cạnh đó có am hiểu về ẩm thực, về những thức ăn đối kháng nhau, những thức ăn khi ăn kèm có thể kích thích vị giác, thời gian bản quản thức ăn, … Để có thể vươn xa hơn trong ngành nghề, sự am hiểu về văn hoá ẩm thực từng vùng miền, từng quốc gia sẽ giúp bạn dễ dàng gây dựng được thành công của mình.

Nghệ nhân trang trí món ăn

Dù bạn là ai, xuất phát điểm thế nào, niềm đam mê với bộ môn này mới là điều giúp bạn bắt đầu sự nghiệp của một Food Stylist với nhiều năng lượng tích cực nhất, có thể gắn bó với nghề lâu dài và sớm đạt được thành công. Dù là một ngành nghề mới tại Việt Nam, nhưng là một nhiệm vụ quan trọng không thể thiếu, trong tương lai sẽ càng ngày càng mở rộng cơ hội làm việc hơn đến với các bạn trẻ cũng như được đông đảo mọi người biết đến hơn nữa.