Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Phát triển và đa dạng hóa sản phẩm sữa vì sức khỏe cộng đồng” do Hiệp hội Sữa Việt Nam phối hợp với Hội khoa học và Công nghệ Lương thực Thực phẩm Việt Nam, tổ chức ngày 9/9, tại Hà Nội.

Theo ông Vũ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội sữa Việt Nam, thời gian qua, ngành Sữa Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc về công nghệ, cả về công nghệ chế biến cũng như công nghệ chăn nuôi bò sữa cung cấp nguồn nguyên liệu.

Một ví dụ điển hình chứng minh cho nhận định này là ngành sữa trong nước đã có thêm nhiều nhà máy chế biến sữa hiện đại ra đời, có thể cạnh tranh với ngành sữa thế giới, như 2 nhà máy chế biến sữa của Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), xây dựng trên diện tích 20ha, với tổng số vốn đầu tư 2.400 tỷ đồng.

Hai nhà máy này tập trung vào các sản phẩm sữa nước, có hệ thống sản xuất tự động khép kín từ đầu vào đến đầu ra, sử dụng robot vận hành và hệ thống nhà kho thông minh.

Ngoài ra, nhà máy sữa bột trẻ em của Vinamilk có vốn đầu tư 2.000 tỷ đồng, với công suất thiết kế 54.000 tấn sữa bột/năm, được xem là nhà máy chế biến sữa bột lớn nhất khu vực châu Á.

Hệ thống vắt sữa bò tự động. (Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN)

Công ty sữa Mộc Châu cũng lắp thêm dây chuyền sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Với việc ứng dụng các công nghệ hiện đại vào sản xuất, theo thống kê của Bộ Công Thương, 5 tháng đầu năm nay, riêng mặt hàng sữa bột có sản lượng tăng 5,52% so với cùng kỳ năm 2013. Dự kiến, số lượng bò sữa sẽ tăng lên 240.000 con vào năm 2015 và lên 400.000 con vào năm 2020.

Cũng theo ông Vũ Ngọc Quỳnh, Việt Nam đang được coi là một trong số ít các quốc gia tại châu Á có xuất khẩu sữa. Tính riêng năm 2013, Việt Nam xuất khẩu các sản phẩm từ sữa trị giá hơn 230 triệu USD; trong đó Vinamilk đóng góp con số ấn tượng là hơn 210 triệu USD.

Không những thế, nhiều công ty sữa của Việt Nam đã coi trọng đúng mức việc phát triển nguồn nguyên liệu. Công ty Frieslandcampina Việt Nam tập trung đầu tư phát triển vào vùng chăn nuôi. Công ty Cổ phần Sữa quốc tế IDP hỗ trợ vốn cho bà con nông dân phát triển thêm đàn bò.

Tuy nhiên, ông Vũ Ngọc Quỳnh cũng nêu lên những khó khăn của ngành bởi Việt Nam đang là nước xuất khẩu sữa nhưng sức tiêu thụ sữa và sản phẩm từ sữa của Việt Nam so với với các quốc gia trong khu vực, Hàn Quốc, Nhật Bản vẫn còn thấp. Trong năm 2013, mỗi người Việt Nam tiêu thụ khoảng 50kg sữa trong khi Nhật Bản đạt trên 81 kg/người. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến người Việt Nam đang sở hữu chiều cao trung bình ở mức thấp nhất Đông Nam Á.

Chia sẻ những thành công trong việc chủ động phát triển nguồn nhiên liệu, ông Nguyễn Quốc Khánh, Giám đốc điều hành công ty Vinamilk cho hay: Với việc đi đầu về phát triển nguồn nguyên liệu, công ty đã thông qua các hình thức như hỗ trợ các hộ gia đình phát triển chăn nuôi bò sữa; xây dựng các trang trại bò sữa quy mô công nghiệp và hiện đại với hàng nghìn con. Các trang trại này có hệ thống thiết bị chuồng trại hiện đại.

Một số trang trại bò sữa của Việt Nam đạt tiêu chuẩn quốc tế Global G.A.P là các trang trại tại Nghệ An, Lâm Đồng, Tuyên Quang, thuộc Công ty Vinamilk.

Thực hiện đúng định hướng là kết hợp phát triển công nghệ hiện đại với phát triển nguồn nguyên liệu, tính đến tháng Một năm nay, tổng đàn bò sữa của Việt Nam là 200.400 con, tăng 14% so với năm 2013 và tăng 67% so với năm 2010. Trong khi đó, nhiều công ty, tập đoàn kinh tế lớn đang có kế hoạch tham gia vào ngành chăn nuôi bò sữa.

Theo phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Đăng Vang (Hiệp hội chăn nuôi Việt Nam), phát triển gắn kết giữa ngành chế biến sữa và ngành chăn nuôi bò sữa là mô hình phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam cũng như các nước đang phát triển ngành sữa. Đó là mô hình mà ngành chế biến sữa phát triển đi trước, tạo tiền đề cho ngành chăn nuôi bò sữa phát triển, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu.

Bên cạnh đó, việc đa dạng hóa sản phẩm của ngành sữa Việt Nam đã đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Điều này cho thấy ngành sữa Việt Nam đang đi đúng định hướng của Chính phủ và phù hợp với lộ trình phát triển bền vững, thân thiện và bảo vệ môi trường./.