Được thành lập tháng 4 năm 2010, Hợp tác xã Thần Nông ra đời với hình thức góp vốn, góp công cùng nhau lao động sản xuất, lợi nhuận thu về được chia theo phần vốn góp với 9 thành viên. Ban đầu Hợp tác xã Thần Nông dự định sẽ xây dựng và phát triển mô hình chăn nuôi động vật hoang dã như: nhím, heo rừng và kinh doanh các loại cây, con giống. Nhưng mới bắt tay vào thực hiện một thời gian ngắn, HTX đã nhận thấy, mô hình này không phù hợp vì đầu ra cho sản phẩm động gặp nhiều khó khăn, khó cạnh tranh được với sản phẩm của các tỉnh khác.

Sau một thời gian tìm hiểu, đi tham quan, học hỏi ở nhiều nơi, Ban chủ nhiệm HTX Thần Nông quyết định sẽ xây dựng HTX cây ăn trái đặc sản với 2 loại chính là cây thanh long ruột đỏ và cây bơ sáp. Sau khi đưa ra đề án này, xã Ia Chim đã tạo điều kiện cho HTX thuê 8 ha đất với giá ưu đãi. HTX cũng đã được Hội nông dân tỉnh ủng hộ và đứng ra tín chấp vay được 250 triệu đồng vốn ưu đãi cùng với sự đóng góp của các xã viên, năm 2011, vườn Thanh long ruột đỏ với 4ha đã được trồng trên mảnh đất khô cằn Ia Chim.

Chủ nhiệm HTX- Phạm Văn Khiêm chia sẻ những thuận lợi khó khăn khi trồng thanh long ruột đỏ

Chủ nhiệm HTX Phạm Văn Khiêm cho biết: Thanh long ruột đỏ là một loại cây khá khó tính, mùa nắng thì phải tưới từ 7- 10 ngày/lần, nhưng mưa thì không được để đọng nước. Do đó, HTX đã phải mất khá nhiều công để xây dựng hệ thống tưới tiêu do diện tích đất thuê của xã nằm ở vùng khó thoát nước. Để giảm bớt chi phí đầu tư, các gia đình HTX phải huy động mọi người cùng chung sức làm. Vậy mà bình quân, mỗi ha Thanh long, HTX cũng đã phải đầu tư tới gần 500 triệu đồng từ tiền cọc, giống, phân, thuốc bổ dưỡng… Năm 2013, HTX đã được thu lứa quả bói, sản lượng đạt khoảng 8 tấn, với giá bán từ 15 – 25.000 đồng/kg và được khá nhiều người tiêu dùng ưa chuộng do hàm lượng dinh dưỡng của loại này cao hơn, ăn ngon hơn thanh long ruột trắng. Đặc biệt, sản phẩm thanh long ruột đỏ được sản xuất theo quy trình VietGap và đã được cấp chứng nhận đã góp phần nâng cao giá trị của loại quả này. Nếu một ha thanh long từ năm thứ 4 trở đi cho năng suất khoảng trên 10 tấn, với giá thành hiện nay, sau khi trừ chi phí rồi, HTX cũng còn lời khoảng 300 triệu đồng. Chính vì vậy, những năm tới, vườn cây này sẽ mang lại cho HTX Thần Nông nguồn thu lớn. Sau cây thanh long, năm 2012, HTX đã trồng thêm được 2ha bơ sáp.

Trong khi nhiều Hợp tác xã trên địa bàn tỉnh khá chật vật với việc tìm hướng đi để trụ lại trong cơ chế thị trường thì HTX Thần Nông lại đang có những bước tiến vững chắc và thành công. Sau 4 năm thành lập, HTX thần nông đã phát triển thêm được 5 thành viên. Sau khi vườn thanh long của HTX được xây dựng thành công, một số xã viên đã chủ động tận dụng những diện tích đất vườn tự túc trồng loại cây này. Nhà nhiều thì trồng 5 – 7 sào, nhà ít cũng vài trăm cọc, tất cả đều sinh trưởng và phát triển tốt.

Tuy nhiên, điều mà chủ nhiệm Phạm Văn Khiêm và những xã viên lo lắng nhất hiện nay là việc tìm đầu ra cho sản phẩm thanh long ruột đỏ. Năm vừa qua, do sản lượng thu hoạch còn ít nên HTX chỉ bán lẻ ngoài thị trường. Nhưng theo tính toán, từ năm nay, sản lượng này sẽ tăng lên gấp 3 – 4 lần và những năm tiếp theo sẽ còn cao hơn, nếu chỉ mang bán lẻ ngoài thị trường thì sẽ không tiêu thụ hết được. Do đó, HTX đang tính đến việc phải xây dựng thương hiệu cho sản phẩm và liên kết với các doanh nghiệp ngoài tỉnh trước khi đến vụ thu hoạch mới để đảm bảo sản phẩm làm ra được tiêu thụ hết và giúp tiêu thụ cho cả lượng sản phẩm của các gia đình xã viên. Đồng thời, HTX cũng sẽ xây dựng một dây chuyền sơ chế và bảo quản lạnh để giữ sản phẩm được tươi ngon lâu hơn và nâng cao giá trị cho sản phẩm. Đặc biệt, hiện nay, HTX đang gửi mẫu sản phẩm ra Trường đại học Nông nghiệp I (Hà Nội) để phân tích và kiểm nghiệm để sản xuất rượu vang loại trái cây này. Bởi theo ông Khiêm thì hiện nay, các loại quả nhỏ không đủ tiêu chuẩn bán ra thị trường thường bị đổ bỏ nên việc làm rượu sẽ góp tận dụng những quả nhỏ hoặc khi sản phẩm gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ…

Được biết quả thanh long ruột đỏ hiện nay rất được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng, chính vì vậy vấn đề đầu ra cho sản phẩm rất thuận lợi, giá cả rất cao, nếu có chính sách nhân rộng loại cây này sẽ góp phần đa dạng hóa cây trồng, giúp người nông dân vươn lên làm giàu chính đáng.

Giống thanh long ruột đỏ có nguồn gốc tại Colombia được Viện cây ăn quả miền Nam đem về lai ghép nên có đặc tính rất thích nghi với khí hậu, thổ nhưỡng của Việt Nam, cho năng xuất, chất lượng cao. Theo tính toán sơ bộ, 1 ha thanh long ruột đỏ phải đầu tư khoảng 110 trụ và mỗi trụ trồng 4 dây, tổng chi phí từ 350- 370 triệu đồng. Như vậy muốn đầu tư nhân rộng diện tích đòi hỏi nhà nông phải có vốn lớn và nếu mở rộng mô hình tới người nghèo cần có sự hỗ trợ của nhà nước.