Các nhà phân tích cho rằng, sở dĩ chất lượng lúa gạo nước ta vẫn còn thấp do chưa có sự đầu tư đúng mức về cây lương thực chính này. Đồng hành cùng nhà nông, nhiều doanh nghiệp đã bỏ công sức và đầu tư để tìm ra các giống lúa mới, góp phần cải thiện năng sức cho bà con đồng thời tăng chất lượng hạt gạo để cạnh tranh.

Một trong những doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực này là Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS), đơn vị có nhiều dự án, hoạt động nghiên cứu, khảo nghiệm giống lúa và mạnh dạn tổ chức đầu tư sản xuất lúa, gạo theo chuỗi giá trị để xây dựng và phát triển thương hiệu lúa gạo chất lượng cao.

Năm 2006, AGPPS đã triển khai chương trình “Cùng nông dân ra đồng”. Đây là mô hình trực tiếp quản lý canh tác trên đồng ruộng theo hướng bền vững và cũng là tiền đề cho việc tổ chức sản xuất lúa gạo theo chuỗi giá trị. Thông qua lực lượng kỹ sư “3 cùng”, nông dân được tiếp cận với những kỹ thuật mới cụ thể là việc canh tác lúa được thực hiện theo một qui trình bền vững, từ đó nâng cao được năng suất, chất lượng nông sản, nâng cao thu nhập.

Tiếp bước thành công ban đầu của đề án này, tháng 10 năm 2010, AGPPS đã bắt đầu thực hiện “Chuỗi sản xuất lúa gạo theo quy trình bền vững” thông qua mô hình Cánh Đồng Lớn. Trong tháng 9/2014, AGPPS đã cùng 1.217 kỹ sư “3 Cùng” của công ty có mặt trực tiếp tại 12.000 điểm, mô hình trên cả nước để “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với nông dân, AGPPS đã xây dựng được nhiều vùng nguyên liệu bằng việc công ty trực tiếp ký hợp đồng sản xuất và tiêu thụ lúa tươi với bà con nông dân. Nông dân khi ký hợp đồng với công ty sẽ được cung ứng giống xác nhận, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón với lãi suất 0% suốt vụ, được kỹ sư “3 Cùng” đồng hành và hỗ trợ trong suốt vụ canh tác lúa, được hỗ trợ miễn phí các khoản: bao bì đựng lúa khi thu hoạch, bốc xếp tại bờ ruộng, vận chuyển lúa tươi về nhà máy, sấy lúa, còn giá lúa thì được mua theo giá thị trường. Nếu giá lúa tại thời điểm thu hoạch mà nông dân chưa ưng ý bán, thì có thể gửi trong kho 30 ngày không tính phí lưu kho và chờ đến khi giá lúa hợp lý để bán. Với mô hình liên kết này, lần đầu tiên, người nông dân được hướng dẫn ghi chép sổ “Nhật ký đồng ruộng” để hạch toán chi phí sản xuất, đồng thời giúp truy xuất được nguồn gốc, yếu tố then chốt để nâng cao giá trị thương hiệu gạo khi ra thị trường.

Sản phẩm gạo Vibigaba sau khi nấu thành cơm

Sau hơn 2 năm hoạt động, Ngành Lương thực đã phát triển diện tích vùng nguyên liệu lên đến hơn 75.000 ha, đáp ứng đủ lượng lúa cho 5 nhà máy: Vĩnh Bình, Thoại Sơn (An Giang), Vĩnh Hưng (Long An), Tân Hồng (Đồng Tháp), Hồng Dân (Bạc Liêu) để chế biến gạo xuất khẩu và phân phối nội địa.

Trên đà phát triển đó, dự kiến đến năm 2018, ngành Lương thực của AGPPS sẽ xây dựng thêm 7 Nhà máy đảm bảo năng lực sấy và chế biến, tiêu thụ 2,4 triệu tấn lúa/năm, tương đương diện tích vùng nguyên liệu khoảng 360.000 ha/năm.

Quy trình sản xuất khép kín và có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm đã mang lại những dấu hiệu tích cực. Sản phẩm lúa, gạo do AGPPS sản xuất đã thỏa mãn các điều kiện khắt khe của thị trường Nhật để xuất khẩu vào thị trường khó tính này. Ngoài thị trường Nhật Bản, thương hiệu gạo xuất khẩu quốc tế VB Rice của AGPS đã chinh phục hơn 32 thị trường các nước trên thế giới. Tại Việt Nam, AGPPS đã đưa ra thị trường thương hiệu gạo sạch, chất lượng cao Hạt NgọcTrời và gạo Vibigaba (dành riêng cho người bệnh cao huyết áp, tiểu đường). Bên cạnh đó, AGPPS đang bắt tay nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm sau gạo để gia tăng giá trị của hạt gạo Việt Nam.


Các sản phẩm của công ty CP Bảo vệ Thực vật An Giang

Đánh giá về mô hình đầu tư sản xuất và kinh doanh gạo của công ty, bà Nguyễn Thị Kim Ngân – Bí thư Trung ương Đảng – Phó Chủ tịch Quốc hội đã khẳng định đây chính là điển hình của qui trình nâng cao vị thế nhà nông đồng thời đưa thương hiệu gạo Việt lên tầm cao mới. Thành công từ các sản phẩm của AGPPS giúp cho người dân không còn lo cảnh “được mùa rớt giá”. Giải quyết được phần nào đầu ra cho nông dân, thông qua các sản phẩm chất lượng mang lại lợi ích kinh tế cao, đồng thời góp phần tăng chất lượng giá trị xuất khẩu lúa gạo cho ngành lương thực Việt Nam.