Từ Nghệ An đến Đà Lạt lập nghiệp vào năm 2002, anh Ngô Sỹ Huệ (tổ 19 An Sơn, P.4, TP.Đà Lạt, Lâm Đồng) đi làm phụ hồ hoặc làm thuê cuốc mướn cho các hộ trồng rau và hoa. Năm 2006, anh lập gia đình với chị Trang, người cùng quê vào Đà Lạt làm kế toán cho một doanh nghiệp. Để có cuộc sống ổn định, anh Huệ đi học lái xe rồi chạy taxi, sau đó chuyển sang lái xe buýt tuyến Đà Lạt – Bảo Lộc. Tuy nhiên, hai vợ chồng luôn trăn trở tìm hướng làm kinh tế riêng vì muốn có thêm nguồn thu nhập để nuôi các con ăn học.


Ảnh minh họa

Vườn tược không có, nhà đất không rộng nên rất khó cho họ. Sau khi tham khảo nhiều mô hình làm kinh tế hộ gia đình, nhận thấy bồ câu là loại chim dễ nuôi, diện tích chuồng trại không cần rộng, vốn đầu tư ban đầu không cao, năm 2011 vợ chồng Huệ – Trang quyết định tận dụng khoảng đất trống cạnh nhà để nuôi thử nghiệm 20 cặp bồ câu Pháp.

Vạn sự khởi đầu nan, do chưa có kinh nghiệm chăm sóc nên đàn bồ câu ban đầu 20 cặp lần lượt bị dịch bệnh chết dần. Anh Huệ chạy đôn đáo nhờ các bác sĩ thú y tới thăm khám và cho thuốc, thế nhưng tiền thuốc nhiều hơn tiền mua bồ câu giống mà bệnh lại chẳng hết. Anh tự lên mạng tìm tòi, xác định nguyên nhân, tự mua thuốc chữa trị. Bên cạnh đó, anh điều chỉnh phương pháp chăm sóc phù hợp, nên từ đó đến nay đàn bồ câu của gia đình anh không còn bị bệnh và liên tục phát triển.

Khu chuồng trại nuôi bồ câu của vợ chồng anh Huệ thu gọn trong một khoảng sân rộng chừng 30 m2. Chuồng nuôi làm bằng gỗ, gồm nhiều tầng chồng lên nhau và xếp đặt xung quanh khu đất. Chuồng được chia làm nhiều ô, mỗi ô dành cho một cặp bố mẹ.

Khu vực nuôi bên trên được che phủ bằng ni lông mà những người trồng hoa công nghệ cao thường sử dụng, xung quanh khu đất được căng lưới, mục đích để có ánh nắng tự nhiên chiếu vào khu chuồng trại và bảo đảm có không gian bay lượn nhưng không thoát ra ngoài, nhờ đó đàn bồ câu có thể phát triển khỏe mạnh. Riêng bồ câu non được chăm sóc trong khu chuồng trại đặc biệt hơn, nhằm phòng tránh dịch bệnh.

Theo chị Trang, bồ câu có thời gian sinh trưởng khá nhanh, trung bình mỗi lần 2 trứng. Chim đẻ trứng và tự ấp trong 20 ngày thì trứng nở. Chim bồ câu nuôi 25 ngày tuổi là có thể xuất chuồng bán chim giống; nuôi từ 4 – 5 tháng là đã bắt đầu đẻ trứng, tự ấp, nên số lượng chim trong đàn tăng khá nhanh.

Hiện nay, trung bình mỗi tháng trại nuôi của vợ chồng anh chị cung cấp cho thị trường khoảng 100 cặp bồ câu thịt, với giá bán trung bình 90.000 đồng/cặp (trung bình 0,5 kg/con). Đầu ra cho bồ câu thịt rất ổn định, không có gì phải lo ngại. Song song đó, anh chị còn cung cấp bồ câu giống cho những người có nhu cầu nuôi với giá 200.000 đồng/cặp. Thời gian qua, nhiều gia đình từ H.Đức Trọng (Lâm Đồng), Phan Rang-Tháp Chàm (Ninh Thuận) tìm đến mua về nuôi và được anh Huệ chỉ dẫn cách chăm sóc. Với đàn bồ câu 800 con như hiện nay, sau khi trừ chi phí thức ăn, anh chị còn thu được từ 7 – 9 triệu đồng/tháng.

Chị Trang cho biết việc chăm sóc đàn bồ câu không tốn nhiều thời gian, mỗi ngày chỉ cho chim ăn vào buổi sáng và tối. Thức ăn gồm bắp hạt, thóc và cám viên, do đó không tốn nhiều chi phí. Mỗi tuần, anh Huệ và chị Trang dọn vệ sinh chuồng trại, thay vỏ trấu mới trong chuồng một lần để tránh nguy cơ dịch bệnh. Bồ câu có đặc điểm là uống rất nhiều nước, do đó anh dùng bình nước tự động chứa được 20 lít, mỗi buổi sáng trước khi đi làm, anh bơm nước một lần là có đủ nước cho đàn chim uống suốt cả ngày.

Từ khi chuyển sang nuôi bồ câu Pháp, cuộc sống của gia đình anh chị Huệ – Trang ổn định hơn nhiều. Có thể xem đây là một hướng đi mới cho kinh tế hộ gia đình vì vốn đầu tư không nhiều, diện tích chuồng trại cũng không cần lớn lắm nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Anh Huệ cho biết sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của mình qua điện thoại: 0903234847.