Nấm mèo, hiện đang là cây trồng chủ lực của bà con “xóm nấm”. Gần như 100% cư dân sinh sống bằng nghề trồng nấm mèo.

Nghề trồng nấm mèo của xóm hình thành từ những năm 1990, ngay khi dân cư bắt đầu quần tụ. Đến nay, làng nghề có 44 hộ tham gia trồng nấm với 220 trại nấm mèo được đầu tư bài bản và đem lại lợi nhuận cao.

Hiện tại, nghề trồng nấm của bà con đã được nâng cao một bước, nhà nấm cũng được làm lớn hơn, kiên cố với khung thép và mái tôn phủ bên ngoài lớp rơm rạ. Con giống bà con nhập từ Đồng Nai với giá 3.100 đồng/bịch, sau khi treo bịch đợi nấm ra trắng, xử lý rạch, gần 2 tháng là bà con bắt đầu thu hoạch…

Nấm trồng tại đây thường đạt năng suất 3,6 lạng/bịch, mỗi năm 4 vụ quay vòng. Nấm mèo thường được hái và phơi khô, xuất bán ra thị trường trong và ngoài nước, mỗi năm bà con sản xuất và bán hàng trăm tấn nấm khô với các mức giá khác nhau tùy loại như nấm khay, nấm xô...

Nghề nấm vẫn phát triển rất nhanh nhưng bà con nông dân đang phải đối mặt với những khó khăn như: các bịch trồng nấm vẫn phải mua từ xa, việc vận chuyển mất khá nhiều chi phí, không giám sát được chất lượng giống; giá lên xuống thất thường, thị trường còn nhiều bấp bênh.

Là người khởi nghiệp trồng nấm đầu tiên ở tổ 4 (Liên Nghĩa), ông Ngô Văn Thạo cho hay: Những năm đầu bà con trồng nhiều loại nấm mèo, bào ngư, nấm rơm.v.v... nhưng với điều kiện thời tiết đặc thù của Liên Nghĩa trồng nấm mèo mang lại hiệu quả cao nhất. Hiện nay tổ 4 và tổ 5 trở thành làng nghề nấm mèo của tỉnh Lâm Đồng với khoảng 200 hộ sản xuất thường xuyên. Với 14 trại nấm, hằng ngày gia đình ông Thạo chỉ cần 4 lao động chăm sóc, nhưng đến kỳ thu hoạch hoặc vụ tết này phải thuê thêm 16 lao động để hái và phơi nấm. Trung bình mỗi năm trồng được từ 3 đến 4 vụ, mỗi trại 10.000 bịch cho từ 350 - 400 kg nấm khô. Những hộ có 10 trại nấm, vụ tết này thu hoạch không dưới 3,5 tấn, có thể thu về trên 400 triệu đồng, sau khi trừ hết các chi phí còn lãi trên 100 triệu đồng.

Cũng theo ông Thạo, giống và giá thể (mạt cưa cao su) được mua từ Đồng Nai về, nhưng để nấm có chất lượng tốt hơn, ông trộn thêm bột bắp vào. Công đoạn ủ mùn, hấp mùn cũng là yếu tố quan trọng quyết định đến năng suất, chất lượng nấm. Trong thời gian đưa vào trại nuôi trồng phải nắm vững quá trình sinh trưởng của nấm để điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng phù hợp. Một trại 10.000 bịch nấm (gồm nhà trại lợp tranh, bịch giống, các vật dụng khác), vốn đầu tư từ 60 - 70 triệu đồng. Gần đây nhiều hộ đầu tư nhà trại bằng khung sắt, lợp tôn chi phí trên 90 triệu đồng nhưng thời gian sử dụng dài hơn, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.


Ông Trần Quốc Toản,một trong những người dân trồng nấm lâu đời ở làng nghề nấm

Ông Trần Quốc Toản, một trong những hộ dân trồng nấm lâu đời ở làng nghề nấm cho biết: Hiện tại giá thành nấm mèo đang rất bấp bênh nên chúng tôi cũng vẫn còn gặp khó khăn, tuy nhiên nghề nấm bây giờ đã được công nhận và quan tâm từ chính quyền địa phương, chúng tôi cũng hết sức phấn khởi và tin vào sự khởi sắc của nghề này.

Nghề trồng nấm đã trở thành nghề truyền thống, mang lại ấm no cho bà con, đồng thời cung cấp cho thị trường một loại thực phẩm cao cấp. Xóm nấm vẫn ngày càng thịnh vượng và nghề trồng nấm đang ngày càng được mở rộng trên địa bàn huyện Đức Trọng với hy vọng vào một loại cây trồng đặc sắc.