Nằm cạnh Quốc lộ 20, cách thác Prenn chừng 8 km theo hướng Đà Lạt - TPHCM, làng Darahoa thuộc xã Hiệp An, huyện Đức Trọng - Lâm Đồng là khu định canh, định cư của hơn 300 hộ đồng bào các dân tộc K’Ho, Chill… từ gần 30 năm qua.

Dù chỉ là một buôn làng nhỏ nép mình dưới chân núi Voi hùng vĩ nhưng từ lâu nơi đây đã là điểm dừng chân khá hấp dẫn của nhiều tour du lịch, đặc biệt là du khách nước ngoài.

Tên gọi ấn tượng ấy bắt nguồn từ tượng một con gà trống được làm bằng xi-măng cao 3,2m, nặng khoảng 8 tấn, có đôi chân to khỏe đặc biệt với 9 chiếc móng sắc nhọn, đặt trên một mô đất cao 1,5m ở giữa làng. Điều thú vị là tượng con gà to lớn này được các nhà sưu tập liệt kê vào sách Những kỷ lục Việt Nam. Tượng này do kiến trúc sư Lữ Trúc Phương - tác giả của các công trình Hồ Rồng, Đường lên trăng…ở Đà Lạt thiết kế và xây dựng từ năm 1978.

Tượng Gà không chỉ là biểu tượng của làng mà đây còn là nơi dân làng tụ hội sau mùa thu hoạch. Vào những ngày này, xung quanh tượng Gà rộn ràng tiếng cồng chiêng, mọi người vui vẻ bên vò rượu cần và cầu cho cuộc sống bình yên mưa thuận gió hòa, cùng tình yêu đôi lứa mãi mãi không xa cách. Bức tượng “gà chín cựa” còn như lời nhắc nhở xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, cùng nhau xây dựng đời sống mới để tấm bi kịch của nàng Mỵ Nương Tây Nguyên chỉ còn là dĩ vãng.

Đến Darahoa, du khách còn có cơ hội tìm hiểu về nghề dệt thổ cẩm truyền thống của những người dân tộc K’ho, Chill. Được biết đây là một trong những làng dệt thổ cẩm nổi tiếng của Lâm Đồng.

Hiện cả làng Darahoa có trên 60 khung dệt thủ công để dệt nên các loại xà rông, ùi và các sản phẩm dùng làm quà lưu niệm cho du khách như túi xách, băng đô, những chiếc ba lô nhỏ xinh với nhiều hoa văn sặc sỡ đặc trưng của người dân tộc Tây Nguyên.

Ngoài các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ ở từng gia đình, ở đây còn có một cơ sở đào tạo nghề và sản xuất thổ cẩm tập trung rộng gần 400 m2 và các shop bán các sản phẩm thổ cẩm đặc trưng cho du khách.

Đặc biệt khi đến đây tìm hiểu, tham quan làng dệt thổ cẩm, nếu muốn du khách có thể chụp ảnh lưu niệm cùng với các nghệ nhân dệt thổ cẩm mà phần lớn trong đó là các thiếu nữ các dân tộc thiểu số ở địa phương. Bên cạnh việc tận mắt chứng kiến các công đoạn dệt thổ cẩm phức tạp và tỉ mỉ hoàn toàn bằng tay, bạn còn được chiêm ngưỡng sự khéo léo dịu dàng của thiếu nữ các dân tộc ở địa phương bên khung dệt với nhiều mẫu hoa văn sặc sỡ đặc trưng của người dân tộc Tây Nguyên.


Chị Ka Đông bên khung dệt

Chị Ka Đông, 38 tuổi, người đã có thâm niên dệt thổ cẩm hàng chục năm nay cho biết: Mùa mưa khách ít, nhưng mùa khô khách đến Làng Gà khá nhiều. Khách đến đây mà không có hướng dẫn viên, hoặc hướng dẫn viên không rành thì Ka Đông giúp họ tìm hiểu về phong tục tập quán và kể câu chuyện Làng Gà. Ka Đông cũng đang có một cửa hàng thổ cẩm và còn giữ nghề dệt nên không thể làm công việc hướng dẫn thường xuyên được. Ka Đông cũng như nhiều phụ nữ khác trong làng đều biết dệt từ năm 15-16 tuổi. Nhờ du khách biết đến Làng Gà này nên nghề thổ cẩm của làng tôi phát triển hơn, chúng tôi mong muốn nghề truyền thống của buôn làng được gìn giữ và được tạo điều kiện để phát triển hơn nữa…


Cô gái Tây Nguyên chân chất mộc mạc

Không chỉ là một làng nghề, du khách đến đây còn được tận hưởng thiên nhiên trong lành, cuộc sống bình dị đậm chất Tây Nguyên mà không ở đâu lẫn vào được. Chuyện ở làng Gà Darahoa chỉ đơn giản vậy thôi. Nhưng chính những điều đơn giản ấy đã tạo cho bản đồ du lịch Đà Lạt có thêm những điểm dừng chân khá hấp dẫn, độc đáo, thu hút nhiều du khách gần xa.