Tại huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang nhiều người chăn nuôi heo cho biết, trong thời gian gần đây các thương lái từ khắp nơi ồ ạt đổ về tìm mua heo tận chuồng với giá gần 4 triệu đồng 100kg, trong khi cách đó một tuần giá chỉ khoảng 3,5 triệu đồng. Bà Mỹ, chủ hộ nuôi heo lâu năm tại Tiền Giang cho biết thương lái liên tục gọi điện thu mua và nhờ giới thiệu các trại còn heo tồn, có uy tín.

Tại một số nơi trọng điểm như TP HCM, Đồng Nai và Tây Ninh giá heo tăng nhưng không đáng kể chỉ 200 - 500 đồng/kg. Còn tại các tỉnh như Tiền Giang, Bến Tre giá heo hơi ghi nhận tăng 2.000 đồng/kg lên ngưỡng 43.000 đồng/kg. Còn tại Trà Vinh, Cần Thơ, Bạc Liêu, Kiên Giang và Sóc Trăng đồng loạt báo tăng ít hơn 1.000 đồng/kg.

Cũng trong ngày 11/5 tại một số tỉnh phía Bắc như Sơn La, Cao Bằng, Vĩnh Phúc, Nam Định, Hưng Yên giá lợn hơi đang được xuất bán ở mức 42.500 - 46.000 đồng/kg; còn giá dao động tại Hà Nội là từ 41.000 - 43.000 đồng/kg tuỳ loại. Trong đó, giá lợn tăng mạnh nhất là ở Sơn La, Hà Tĩnh do các tỉnh này đang xảy ra khan hàng cục bộ.

Giá heo trên cả nước đang tiếp tục tăng cao trong những ngày qua. Ảnh: Internet

Ở phía Trung, Bắc Trung Bộ nhiều hộ dân đang rất phấn khởi khi giá heo tang điển hình tại Hà Tĩnh, giá thịt heo tăng từ 42.000 đồng/kg lên 44.000 đồng/kg, mức giá cao nhất cả nước hiện tại và Thừa Thiên Huế giá heo hơi cũng tăng tới 2.000 đồng lên khoảng 41.000 đồng/kg.

Ông Lê Xuân Huy, Phó TGĐ Công ty chăn nuôi CP Việt Nam chia sẻ nguyên nhân tăng giá heo hiện tại khả năng là do quy luật cung – cầu của thị trường. “Sau cuộc khủng hoảng giá heo vào giữa năm 2017, nhiều hộ chăn nuôi trên phải loại bớt đàn heo, do đó người nông dân phải mất một năm để hồi phục đàn heo hậu bị. Mỗi con heo được nuôi bình thường trải qua giai đoạn mang thai 4 tháng cộng với 6 tháng nuôi mới đủ khả năng xuất ra thị trường; từ đó có thể khẳng định mặt bằng giá hiện nay là do sức mua phù hợp với mức cung của thị trường”

Đồng thời ông Lê Xuân Huy trăn trở: “Nếu các hộ dân thấy lợi trước mắt mà ghim hàng, tái đàn hoặc đầu tư ồ ạt, sẽ dẫn đến tình trạng mất cân bằng như thời gian trước vì kết quả của giá heo còn bao gồm chi phí vận chuyển đến trung tâm bán heo và thuê trung tâm vì thế chi phí sản xuất cao kéo theo giá thành cao hơn thị trường”

Ông Phan Ngọc Châu, chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Long An, cho biết thống kê sơ bộ cho thấy qua đợt giảm giá vừa qua, lượng heo trên địa bàn từ khoảng 280.000 con đã giảm xuống còn khoảng 230.000 con. Tuy giá có nhích lên, nhưng theo tôi, người dân vẫn chưa nên vội vàng tái đàn ngay. Trước mắt phải tiếp tục thực hiện các biện pháp giảm chi phí chăn nuôi như lựa chọn giống tốt, thức ăn sạch bền vững, tiết kiệm điện, nước... để có được loại heo chất lượng, bền vững hơn thay vì tái đàn nuôi ồ ạt để chạy theo giá như chi cục đã khuyến cáo”.

Về yếu tố tăng giá do tác động bên ngoài, các chuyên gia lâu năm trong ngành chăn nuôi khẳng định hiện tại thị trường xuất khẩu thịt heo sang Trung Quốc, Campuchia vẫn ở mức bình thường không tăng đột biến. Tại Trung Quốc - nước có đàn heo lớn nhất thế giới (khoảng 415 triệu con), trong quý 1/2018 sản lượng giết mổ tăng gần 2%, đạt gần 200 triệu con, khiến giá heo hơi tại thị trường này giảm đến 30% so cùng kỳ 2017, hiện khoảng 36.000 đồng/kg và đang trong xu thế giảm vì thế nếu việc tái đàn ồ ạt diễn ra dẫn đến mất kiểm soát và viễn cảnh “giải cứu heo” thị trường nội địa sẽ là điều khó tránh khỏi trong tương lai.