Những bức tranh độc đáo từ nguyên liệu thiên nhiên của người miền Tây

Tranh từ gạo

Nói đến gạo thì ngoài Thái Bình, chúng ta không thể bỏ qua gạo từ Đồng Tháp Mười – vựa lúa lớn nhất cả nước. Người ta nói “Đồng Tháp Mười thẳng cánh cò bay” cũng bởi vì thế. Còn gì tuyệt vời, độc đáo bằng những bức tranh được làm từ hạt gạo trắng thơm ngon, tinh khiết của quê hương. Tranh gạo đã nổi tiếng cũng từ bàn tay của những nghệ nhân cần cù chăm chỉ mà hết sức sáng tạo.

Nhìn qua tưởng chừng những thao tác đơn giản, nhưng thực ra chỉ có bàn tay của những nghệ nhân khéo léo thì mới có thể sáng tạo ra những bức tranh gạo độc đáo, mang hồn của quê hương. Những gam màu đậm nhạt ở trong một bức tranh gạo của người miền Tây phụ thuộc rất nhiều vào loại gạo cũng như cách rang sấy theo nhiệt độ khác nhau.

Để làm được một bức tranh gạo, bước đầu tiên của người nghệ nhân đó chính là rang gạo. Có thể chọn gạo nếp, gạo tám, gạo tấm hay gạo lứt để rang. Nếu không cần thận trong quá trình rang sấy thì rất dễ khiến gạo không đều màu. Các gam màu cơ bản của gạo rang như màu trắng, sữa, vàng, nâu và đen. Sau khi rang gạo thì người nghệ nhân sẽ phác thảo nét tranh lên trên gỗ. Tiếp đó xếp gạo, gắn keo và xử lý mọt. Bước cuối cùng là phơi tranh. Những bức tranh gạo của người miền Tây mang đậm bản sắc quê hương, được rất nhiều du khách nước ngoài yêu thích.

Tranh từ cát

Nghệ thuật vẽ tranh cát có thể nói phát triển trên mọi miền tổ quốc Việt Nam ta. Tuy nhiên, nơi khơi nguồn nghệ thuật tranh cát độc đáo đó chính là những nghệ nhân miền Tây.

Tranh cát tĩnh vô cùng đặc sắc

Không giống như tranh gạo, tranh cát yêu cầu trình độ cao của người nghệ nhân, họa sĩ. Những bức tranh cát được tạo thành từ nhiều lớp cát chồng lên nhau theo những cách khác nhau ở trong một khung hình nhất định. Có hai loại tranh cát phổ biến là tranh cát tĩnh và tranh cát động.

Một bức tranh cát tĩnh có thể mất thời gian từ 10 cho đến 20 ngày hoàn thành liên tục. Những bức tranh cát động còn cầu kỳ hơn. Tranh cát động là loại tranh mà họa sĩ dùng nguyên liệu cát biến đổi liên tục thành những câu chuyện mang một ý nghĩa nhất định. Những bức tranh cát này có lồng ghép nhạc, tạo thành video tạo thành những bức tranh vô cùng ấn tượng.

Tranh từ lá sen mục và vỏ tràm

Gần đây nhất, cộng đồng mạng truyền tai nhau thông tin về một nghệ nhân người miền Tây có thể làm tranh từ lá sen mục và vỏ tràm. Những bức tranh của người nghệ nhân trước làm thợ mộc – ông Bảy Nghĩa từ những nguyên liệu tưởng chừng đã vứt đi bỗng hữu ích, trở thành nguyên liệu cho những tác phẩm nghệ thuật hội họa tuyệt vời.

Người nghệ nhân và tình yêu với những chiếc lá sen khô

Ông Nghĩa chia sẻ muốn dùng lá sen – chất liệu mà thiên nhiên đã ban tặng cho vùng Đồng Tháp để làm tranh. Những bức tranh của ông cũng vì thế mà khiến mọi người đều cảm thấy thân thương, quen thuộc mỗi lần nhớ về. Những lá sen cũ và vỏ tràm được ông chọn lọc và chọn màu tạo thành những bức tranh vô cùng đặc sắc.