Nhu cầu trồng bơ không ngừng tăng lên, tạo thành một “cơn sốt” cây giống trên cao nguyên đất đỏ này. Để tìm hiểu về chuyện này chúng tôi thực địa về huyện Bảo Lâm là một trong số ít địa phương đang dấy lên phong trào trồng bơ ghép xen vào vườn cây công nghiệp có sẵn trước đó.

Cháy hàng!

Từ đầu mùa mưa năm 2015 đến nay, người dân tại nhiều huyện, thành phố trong tỉnh, như: Bảo Lâm, Di Linh, Lâm Hà và TP Bảo Lộc… đang ồ ạt tìm mua các loại giống bơ ghép về trồng. Chính điều này đã khiến cho các loại giống bơ ghép đầu dòng “cháy” hàng và bị đẩy giá lên cao hơn so với các năm trước.

Được biết, bơ ghép đầu dòng là cây bơ chuyên dùng để lấy chồi sản xuất giống. Việc tuyển chọn cây đầu dòng rất nghiêm ngặt và căn cứ vào các tiêu chí như chất sức đề kháng, chống chịu sâu bệnh, sinh trưởng và phát triển tốt.

Đặc biệt, cơm bơ phải vàng, dẻo, béo và ngon. Sau khi được tuyển chọn, các giống bơ đầu dòng phải được cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận. Hiện, trung bình 1ha bơ ghép trồng xen canh cây cà phê, cho thu hoạch khoảng 7- 8 tấn .


Bơ ghép đầu dòng

Hiện tại, hầu hết các trung tâm và cơ sở sản xuất giống bơ ghép đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN - PTNT) công nhận là cây đầu dòng tại TP Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm (nơi sản xuất giống bơ trọng điểm của Lâm Đồng), đều thông báo là hết hàng để bán.

Theo ghi nhận, tại Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao kỹ thuật cây công nghiệp và cây ăn quả Lâm Đồng (TP Bảo Lộc) thì hiện cây giống bơ ghép như BLĐ/004, BLĐ/005, BLĐ/007, BLĐ/011, BLĐ/018, BLĐ/033,CĐD.BO.43.01 (cây bơ 36),CĐD.BO.43.02 (cây bơ 34)... đang được người dân lựa chọn trồng nhiều nhất. Hiện giá giống bơ ghép này đang được bán với giá từ 45 - 60 ngàn đồng/cây, cao hơn từ 10 - 20 ngàn đồng/cây so với năm ngoái. Trung tâm này sản xuất được 22 ngàn cây, vậy mà giờ vẫn không còn hàng để bán.


Giống bơ ghép cho quả chất lượng

Tại trang trại cây giống Trung Hiếu (đóng tại thôn Tiền Yên, xã Lộc Đức, Bảo Lâm), ông Nguyễn Đăng Trung, chủ trang trại này cho biết: hiện, trang trại của ông đang có 2.500 cây bơ trồng xen với 10ha cà phê và đã cho thu hoạch. Trong đó, có 3 giống bơ ghép BLD/05, BLD/034 và BLD/036 được Sở NN - PTNT công nhận cây bơ đầu dòng để sản xuất giống. Năm nay, trang trại của ông đã sản xuất được khoảng 60 ngàn cây bơ giống, nhưng đã bán hết ngay từ đầu mùa mưa với giá từ 40 - 50 ngàn đồng/cây.

Tương tự, tại các cơ sở sản xuất giống bơ ghép đã được Sở NN - PTNT công nhận cây bơ đầu dòng ở phường Lộc Phát, phường Lộc Sơn(TP Bảo Lộc), hay ở nhiều cơ sở cây giống ở huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng)… đều đã bán hết giống bơ ghép từ cuối tháng 7 vừa qua.

Giá tăng cao và những hệ lụy từ cây giống không rõ nguồn gốc

Trào lưu trồng bơ càng tăng mạnh khi vài năm trở lại đây, giá quả bơ ở Lâm Đồng tăng cao, tình trạng này đã đẩy giá cây bơ giống tăng cao gấp nhiều lần.

Qua đây, cơ quan chức năng cũng khuyến cáo nông dân nên cẩn trọng trước khi chuyển đổi diện tích lớn cây trồng sang cây bơ. Tránh tình trạng ồ ạt trồng cây, đến khi cho thu hoạch không có đầu ra cho sản phẩm.

Ngoài ra, về chất lượng cây giống cũng cần chú trọng, các nông hộ nên cẩn trọng đến các cơ sở giống cây uy tín trên địa bàn đã được Sở NN- PTNT cấp phép để mua giống cây. Vì hiện tại trên thị trường đã xuất hiện nhiều giống bơ ghép không rõ nguồn gốc, giá bán cũng thất thường hoặc chỉ bằng một nửa cây bơ ghép đầu dòng của Lâm Đồng.


Giống bơ ghép hiện đang được trồng tại Lâm Đồng

Theo ghi nhận của chúng tôi, mặc dù tại các cơ sở sản xuất giống bơ có uy tín tại TP Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm đã hết cây giống để bán, nhưng nhu cầu của người dân thì vẫn còn rất lớn. Nắm bắt được điều này, nhiều cơ sở sản xuất giống tư nhân đã vận chuyển cây bơ giống từ các tỉnh miền Tây, như: Sóc Trăng, Tiền Giang, Bến Tre… về bán cho người dân tại TP Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm, nhưng hầu hết chưa được cơ quan có thẩm quyền công nhận là cây đầu dòng. Chính vì thế, chất lượng bơ giống như thế nào đang là câu hỏi đặt ra đối với cơ quan chức năng và người dân địa phương.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, tại một số cơ sở kinh doanh cây giống tư nhân, như: Phố Hoa, Ba Thiện (phường Lộc Sơn, TP Bảo Lộc), Hạnh Nhơn, Thanh Huệ (thôn 4, xã Lộc An, Huyện Bảo Lâm)… thì cây bơ giống họ đang bán đều được chuyển từ miền Tây lên. Trong đó, tại xã Lộc An (huyện Bảo Lâm) đang có khoảng 10 cơ sở kinh doanh, buôn bán các giống bơ do miền Tây sản xuất. Hiện, giá bơ giống miền Tây dao động từ 20 - 28 ngàn đồng/cây (chỉ bằng một nửa giá các giống bơ đầu dòng do Lâm Đồng sản xuất). Họ còn tiết lộ, ở miền Tây không trồng bơ, nên chồi ghép cây giống được lấy từ các vườn bơ của người dân ở 2 tỉnh Lâm Đồng và Đắc Lắc.


Giống bơ ghép đang tạo cơn sốt hiện nay

Nói về vấn đề này, ông Đậu Văn Xuân, Trưởng Phòng NN - PTNT huyện Bảo Lâm, cho biết: “Tính đến nay, Bảo Lâm đã có trên 1.000ha bơ ghép được người dân trồng xen với cây cà phê; trong đó, có hơn 300ha được trồng mới trong năm 2015. Qua khảo sát, bơ đang là 1 trong những cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân địa phương. Trong 2 năm trở lại đây, người dân địa phương đang chú trọng phát triển cây bơ trồng xen với cây cà phê để tăng thu nhập. Tuy nhiên, bơ là cây trồng lâu năm và phải mất ít nhất 4 năm mới cho thu hoạch. Vì thế, người dân nên cẩn trọng tìm đến các cơ sở sản xuất giống có uy tín để chọn những giống bơ có nguồn gốc rõ ràng nhằm tránh hiện tượng trồng rồi phải chặt bỏ, gây thiệt hại kinh tế về sau”.


Ông Đậu Văn Xuân, Trưởng Phòng NN - PTNT huyện Bảo Lâm

Được biết, bơ là cây trồng lâu năm và phải mất ít nhất 4 năm mới cho thu hoạch, nên chọn những giống cây bơ có nguồn gốc rõ ràng tránh hiện tượng trồng rồi phải chặt bỏ, gây thiệt hại kinh tế về sau.